Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Dính trược

Người ta hay nói rằng:
1. Khi bạn ở gần bên một người bệnh, đi đám ma, ăn đồ tanh trọc, coi bói, lên đồng… sẽ bị dính trược (trọc khí). Ai đã bị dính trược thì thấy người bị đau nhức nặng nề, khó ăn khó ở… như vậy, nếu có khả năng xả trược bằng thiền định lâu giờ, thì tự động trược khí sẽ được giải hết.
2. Trược khí có thể bị dính khi mở lớp hướng dẫn thiền định. Theo lệ thường khi mở lớp học phải báo về “người có khả năng giúp”, để khi có trược khí thì được nâng đỡ nhờ tha lực. Người mở lớp mà không báo thì trược khí càng ngày càng nhiều, sẽ bị thương tổn, rất nhiều cách. Sự biến hóa của thương tổn có thể là do nhân duyên nghiệp lực đi kèm với người ấy mà tạo thành.
Hai loại trược khí nầy là do bên ngoài đưa đến, thường luôn luôn có.


Tại trần, luôn luôn có các cảnh giới thường tương thông. Có cảnh mắt trần thấy được, có cảnh mắt không thấy được. Nên gọi là thiên hình vạn trạng. Rất nhiều tần số, năng lượng hình thành trong trời đất. Các năng lượng ấy được ứng nhập vào ai, với điều kiện tương thích với họ. Nói chung trược là tần số thấp, thanh là tần số cao (tạm hiểu).
Ví dụ:
Một người thích ăn nhậu, tự nhiên có bạn ăn nhậu tập trung hình thành.
Một người thích học tập nghiên cứu kinh sách, tự nhiên có nhiều người nghiên cứu kinh sách đến chuyện trò.
Một người thích bàn luận về cõi vô hình, tự nhiên có nhiều nhà “ngoại cảm” đến suy gẫm tìm kiếm cảnh giới vô vi.
Một người thích tu tập thiền định, lập tức có nhiều người đến cùng tu tập thiền định.
Thần tiên đi lại với thần tiên, yêu ma làm bạn với yêu ma… đó là quy luật đồng ứng của trời đất. Nói cho cùng, nếu tâm bạn muốn thì nó “làm cho hiện”. Đó gọi là dính trược. Cảnh nào mình thích thì gọi là tốt, cảnh nào mình chống thì gọi là trược. Trược hay thanh là do lòng người tham cầu mà có, vốn bản chất trong trời đất không có thanh và trược. Tất cả đều là phương tiện để tham cứu và sáng tạo, để thấy biết và trải nghiệm. Vạn cảnh đều thuộc về Trời, về Phật tánh, sao gọi là thanh và trược được?
Giả như có người cho phân bò, phân heo là dơ, là trược. Nếu biết dùng, thì ngày nay khối người đi mua “cái trược ấy” về làm giàu.
Giả như có người cho bị oan khuất, vu khống nhục mạ là trược. Hiện nay nhiều chân tu thuần thành, khi gặp nạn cho là pháp tu nghịch, vạn phần quý giá thăng tiến công phu nhẫn nhịn. Nếu cho là trược thì còn đâu cơ hội.
Một người đi trong bão cấp siêu bão, sau một thời gian mất liên lạc, ai cũng cho là đã chết. Sau khi mọi người hết hy vọng tìm thấy, anh ta lù lù trở về mạnh khỏe, ai cũng cho anh có khả năng đi biển siêu phàm, nếu không có siêu bão ai hiểu được khả năng của anh và tôn xưng anh trở thành người hùng.
Người tu gặp trược thì biết trược, gặp ma biết được ma, gặp cảnh đời hiểm ác mới biết được hiểm ác… nếu chọn thanh bỏ trược, thì làm sao biết được vạn cảnh đồng đẳng tương bình. Người tu mà không chuyển hóa vạn cảnh thì thành được gì? Có đâu tu mà chọn hoàn cảnh đưa đẩy làm sao được. Nên thanh trược đều là phương tiện thăng tiến. Ngay khi chọn thanh thoái trược đã dính trược rồi. Cảnh nào cũng là công trình, càng nghịch đời tu càng thanh.
Trược vừa bàn luận mới chỉ là trược của thân, đi vào trược của tâm mới vạn phần gian khó.
Tâm tự chấp, gặp gì cũng chấp, trong tâm đầy ứ đúng sai, hay dở, cao thấp, thơm thối. Thương người nầy ghét người kia, theo phe nọ cầu ông kia. Cầu thương, cầu hay, cầu lực, cầu tình, cầu chức, cầu thuận… đây là trược cực nặng, là nghiệp nhiều đời.
Muốn giải trược cần trạng thái tâm thanh tịnh, giờ tu tập thiền định. Mới giải được trược của thân.
Phần trên đã xong, còn thêm giới hạnh công đức sửa đổi thì mới giải trược của tâm. Đừng cầu bên ngoài, đừng nghe có người thần thông, đừng tưởng ai cho mình lực… vội chạy theo cầu tìm. Nơi mình có Chân Tánh thường hằng, đầy đủ công lực chuyển hóa mọi hư tối. Tập tìm ngay nơi mình, tập quay lại tâm mình. Vạn phần đều chuyển hoá, đó là chân tu, đó là chân thiền, đó là chân Phật, đó là chân Thượng đế.
Không chấp vào thanh trược, không chọn lựa sướng khổ… cảnh nào cũng dụng công “thấy biết”. Đó chính là chuyển trược thành thanh.

THƯỜNG NHÂNNguồn: thanhtinhtam.blogspot.com


          * Xin mời quý vị xem thêm:
                                                    1. Xả trược.
                                                    2. Bí ẩn trược khí.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Bài này hay quá, nếu càng hiểu càng thấm, đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn hay, ước gì mình vận dụng được bài này vào cuộc sống.