Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

30% bệnh nhân ung thư tử vong do... bị đói

Thạc sỹ, Bác sỹ Bùi Chí Viết
đang thăm khám cho bệnh nhân ung thư
          Mới ăn vài miếng đã thấy no, gắp vài đũa đã thấy chán? Đây có lẽ là điều mong ước của một số người đang ao ước giảm cân, song lại là hiểm họa tiềm tàng của một căn bệnh vô cùng đáng sợ: Ung thư. 
          Con đường suy mòn của ung thư
Hội chứng chán ăn – suy mòn từ lâu đã được nhận diện là một diễn tiến bất lợi trong xử trí căn bệnh ung thư, do nó làm giảm sự dung nạp của bệnh nhân với điều trị chống u, làm giảm thời gian sống còn của người bệnh. Tuy vậy, không ít bệnh nhân ung thư ở giai đoạn đầu không biết mình mang bệnh, khi mới có một ít dấu hiệu như chán ăn, sụt cân nhẹ thì cho là mệt mỏi bình thường. 
Con đường suy mòn đáng sợ của ung thư như sau: giai đoạn đầu, tiền suy mòn – bệnh nhân ung thư chán ăn, sụt cân nhẹ; giai đoạn sau, suy mòn thực sự – người bệnh giảm ăn vào, sụt cân nhiều, rối loạn chuyển hóa toàn thân; giai đoạn cuối, suy mòn trơ – cơ thể suy kiệt, không đáp ứng với các điều trị, thường chỉ còn sống được dưới 3 tháng.
        Nguyên nhân dẫn đến chứng chán ăn là do trong quá trình tiến triển của khối u, chúng tiết ra các chất trung gian viêm (cytokines) gây mất đáp ứng của trung tâm thèm ăn tại não, tăng các tín hiệu chán ăn. Ngoài ra, do tác động choán chỗ của khối u khiến cơ thể bị các vấn đề về rối loạn hấp thu và tiêu hóa dưỡng chất, thể hiện rõ nét nhất ở những bệnh nhân ung thư tụy tạng và đường tiêu hóa. Ngoài ra còn có các nguyên nhân về tâm lý như lo âu, suy nhược tinh thần, do các tác dụng phụ của các liệu pháp xạ trị, hóa trị gây nôn ói, viêm loét đường tiêu hóa,… khiến nhiều bệnh nhân sợ ăn vào.
Hậu quả là phần lớn bệnh nhân ung thư bị sụt cân, suy mòn. Khoảng hơn một nửa trong số họ bị giảm thể trọng ngay từ khi chẩn đoán. Trọng lượng mất có thể gây ra bởi người bệnh ăn ít, không cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu cơ thể, do cơ thể sử dụng năng lượng nhiều hơn, hoặc do cả hai. Bên cạnh đó, tình trạng dị hóa và tăng chuyển hóa do tác động của các liệu pháp điều trị ung thư làm bệnh nhân càng suy kiệt. Có đến 20 – 30% bệnh nhân ung thư tử vong là do cơ thể suy kiệt, nói cách khác là “họ bị đói đến chết”.
Dỡ bỏ “con đường đáng sợ” có quá khó?
Ngăn chặn chứng chán ăn – suy mòn không phải dễ nhưng cũng không phải quá khó. Cách hiệu quả để ngăn chặn con đường đáng sợ này chính là can thiệp dinh dưỡng ngay từ khi được chẩn đoán ung thư. Các liệu pháp dinh dưỡng này phải luôn đồng hành cùng các điều trị chống u, từ giai đoạn điều trị, hồi phục, bình phục và trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường của mọi bệnh nhân. 
Bệnh nhân ung thư cần đảm bảo chế độ ăn có đủ nhóm chất căn bản, trong đó tăng cường nhập năng lượng và chất đạm để bổ sung và tái tạo các mô bị ảnh hưởng bởi phẫu thuật, xạ trị, hoá trị. Cần đa dạng chế biến món ăn sao cho thật hợp khẩu vị người bệnh, giúp họ ăn được nhiều hơn. 
Với người bệnh bị thay đổi vị giác sau hóa trị, xạ trị bị khô tuyến nước bọt, hệ tiêu hóa hoạt động kém đi nên dùng thức ăn dạng băm nhỏ, nấu mềm, lỏng, xay nhuyễn như súp, cháo, sinh tố, sữa, nước ép trái cây, chia nhỏ bữa ăn cũng là cách giúp bệnh nhân ung thư dễ hấp thu hơn. Người bệnh nên cố gắng ăn các món giàu chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, cần tránh những món ăn nhiều mỡ, nhiều gia vị, quá đắng, quá ngọt, quá nóng, quá lạnh.
Các yếu tố chịu trách nhiệm chính cho chứng chán ăn và hiện tượng suy mòn ở bệnh nhân ung thư là các cytokine làm xáo trộn chuyển hóa trong cơ thể người bệnh cũng như một số yếu tố đặc hiệu khác của khối u. Để chữa chán ăn từ gốc, các axít béo không bão hòa đa nối đôi như axít eicosapentaenoic (EPA) có vai trò quan trọng vì khả năng điều biến quá trình viêm – miễn dịch và đã được chứng minh giúp ức chế việc sản sinh các cytokine gây viêm, nhất là IL-1, và yếu tố hoại tử bướu (TNF- Tumor Necrosis Factors). Nhiều nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân ung thư xác nhận rằng EPA, với liều dùng là 2g/ngày, giúp gia tăng cảm giác thèm ăn, ổn định trọng lượng và khối cơ thể nạc, gia tăng hiệu quả của các điều trị chống u.
Liệu pháp hỗ trợ dinh dưỡng giàu năng lượng, giàu protein, và nhất là kết hợp một hàm lượng EPA hiệu quả là một công thức vàng giúp điều trị hội chứng chán ăn – suy mòn và nhất là cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

Thạc sỹ, Bác sỹ BÙI CHÍ VIẾT
             Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung Bướu, TP. Hồ Chí Minh.
                                               Nguồn: VietNamNet

1 nhận xét:

Kim Thanh Tâm nói...

Từ lâu người ta đã biết chính những chất xơ trong phần vỏ ngoài có giá trị rất lớn trong việc phòng ngừa các bệnh tiêu hoá, tim mạch. Chất xơ trong thức ăn làm gia tăng sự tích lũy calcium trong cơ thể nên có tác dụng phòng ngừa chứng loãng xương. Đối với bệnh ung thư, chất xơ cũng có những giá trị đặc biệt. Cách ăn thực phẩm toàn phần này đã tận dụng được toàn bộ chất xơ vốn chỉ tập hợp nhiều ở phần vỏ ngoài cũng như chỉ có ở thực phẩm thô (không tinh chế) ở hạt cũng như ở rau quả. Chất xơ không bị hoà tan, không bị hấp thu, góp phần tạo ra chất bã. Những chất bã khi đạt đến một định lượng nhất định sẽ kích thích thành ruột sinh ra nhu động ruột. Ngoài việc thúc đẩy nhanh sự lưu thông trong ruột già, chống táo bón, làm giảm thời gian tiếp xúc của các chất gây ung thư với niêm mạc ruột, chất xơ còn có thể kết dính những chất độc hại nầy để bài tiết theo phân ra ngoài. Do đó chất xơ trong thực phẩm toàn phần góp phần quan trọng trong việc phòng, chống ung thư.