Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Quét dọn Tâm mình

          Tâm mình giống như một cái phòng lớn, chứa đầy hoa thơm và cũng không ít bụi bẩn. Muốn phòng đẹp, thơm thì phải quét dọn, lau chùi. Nhưng trước hết, chủ nhân căn phòng phải nhận diện rằng căn phòng mình không sạch, có thể bị dơ bởi nó tồn tại trong không gian chứa nhiều bụi,…
Nhận diện
Bạn phải ý thức rõ về những hoạt động trong Tâm của mình. Đó là một pháp tu, gọi tên là nhận diện sự thật. Đôi khi vì chủ quan hoặc vì không đủ sâu lắng để nhìn thấy được sự thật Tâm mình là “Tâm viên ý mã” (Tâm ý như con khỉ, con ngựa, thích leo trèo, chạy nhảy…). Khi mình tiếp xúc với trần cảnh thì Tâm bắt đầu chuyển động, lời khen, tiếng chê, thích và không thích bắt đầu hình thành… Một chuỗi phản ứng cứ thế được nuôi dưỡng, kéo dài, gọi đó là dòng sông Tâm thức.
Thử bắt đầu bằng một ví dụ, khi nhìn thấy một người, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận người đó là xinh xinh, dễ thương. Sau đó bạn sẽ bắt đầu tưởng nhớ, nuôi lớn ý nghĩ sẽ… tiếp cận, và nếu được sẽ “làm bạn, kết thân, làm người yêu”. Những sự phát hiện ấy trong Tâm thức có thể bạn không để ý và cho đó là bình thường, nhưng nếu để ý thì bạn sẽ thấy Tâm mình đang có một “kế hoạch” với “kịch bản” thật sự hoành tráng về một cuộc chinh phục. Nó hình thành và tuôn chảy, chi phối hoạt động cũng như những cảm thọ sau đó. Có thể là hạnh phúc hoặc mệt mỏi, khổ đau, tùy vào “kết quả” mà bạn đạt được trong quá trình hướng về đối tượng chinh phục.
Khi các giác quan của mình (mắt, tai, mũi, lưỡi…) tiếp xúc với các đối tượng giác quan như hương thơm (mùi hôi), sắc đẹp (xấu)… thì Tâm sẽ bắt đầu lăn tăn. Với biểu hiện ban đầu là những gợn sóng, nếu mình không nhận diện được và không tỉnh thức thì có thể những gợn sóng ấy trở thành những đợt sóng ầm ào, đến khi mình không có khả năng điều khiển được.
Bởi vậy, có những người vì không chánh niệm, tức là không kiểm soát được nội Tâm khi tiếp xúc với trần cảnh nên đã để cho nó tưởng tượng, xây dựng kịch bản và tự “diễn kịch” trong “căn phòng” của Tâm, với những vở mà có thể vô cùng ly kỳ. Đến khi phát hiện “sóng” lòng đã thành hình, đã có những biểu hiện của “sóng thần” trong Tâm thức thì không còn cách dừng lại, nhưng đi tiếp thì hệ lụy, tàn phá…
Trải hoa trong căn phòng
Bạn có thể bắt đầu dọn dẹp Tâm mình, như đã nói nôm na ở trên có nghĩa là dọn dẹp căn phòng bằng cách nhận diện nó đã từng bụi bẩn, có thể bị bụi bẩn và sẽ bị. Chắc chắn nếu căn phòng ấy không được “miễn nhiễm”, khi mà dòng sông Tâm thức vẫn đang chảy, đang cuồng nộ thì Tâm bạn không cách nào yên được.
Thanh lọc Tâm mình bằng cách tập Thiền để tiếp xúc với năng lượng tĩnh lặng từ bên ngoài lẫn bên trong là cách làm của người có trí. Chúng ta không thể dừng được việc tiếp xúc với trần cảnh vốn chứa nhiều độc tố và ô trược thì mình phải nhận diện được sự thật ấy.
À, hôm nay mình đã tiếp xúc với sự sân hận của con người. Tại sao họ lại sân với mình? Họ sân như thế họ có hạnh phúc không? Nếu mình cũng “ăn miếng trả miếng” thì mình sẽ thế nào? Nhẫn trước sự vô lý của người khác có phải là nhu nhược không?... Những câu hỏi ấy cho phép mình định vị lại vấn đề và có hướng giải quyết một cách hợp lý nhất. Lý ở đây chính là nhân quả, là tư duy đúng đắn trên tinh thần của hiểu và thương!
Tất nhiên, có thể họ sân với mình vì mình đã từng gieo nhân sân hận với chính họ, hoặc với ai đó. Và đương nhiên, sân hận sẽ không mang lại hạnh phúc cho người, như bây giờ mình đang đón nhận. Về lâu về dài, nhân ấy sẽ cho ra quả bị người khác nổi sân lại, thì mình cũng sẽ không có được hạnh phúc. Nếu “ăn miếng trả miếng” thì cứ “oan oan tương báo”, luân hồi mãi thôi,…
Cứ thế, bạn bắt đầu để dòng sông Tâm thức của mình lắng lại khi những tư duy về trần cảnh cứ liên tục phát hiện một cách đúng đắn trong bạn. Tạm gọi đó là phương pháp làm lắng Tâm, quét tước những bụi bặm của sân giận, vốn là tập luyện khí đẩy mình vào lỗ đen sinh tử.
          Sau khi thực tập làm lắng dịu, sạch sẽ những bụi bẩn nơi Tâm thì bạn hãy bắt đầu một bước nữa: làm đẹp căn phòng – Tâm thức của mình. Đó là bắt đầu nghĩ một điều hay, nói một điều lành, ra tay làm một điều thiện. Làm được như thế, cơ bản là bạn đã và đang sắp đặt lại Tâm mình thật ngay ngắn, đi đúng chánh pháp để tiếp xúc với những giá trị cao thượng. Và đến lúc này, một lần nữa bạn tiếp tục nhận diện sự thật về những bằng an nơi Tâm khi có một con đường sáng đẹp, dọn sạch những bụi bẩn nơi Tâm… Đã thấy được hạnh phúc thì bạn phải phát Tâm gìn giữ, phát Tâm làm việc đó tinh chuyên. Cứ như thế, những nấc thang của sự chứng ngộ sẽ được cao dần nhờ năng lượng chánh niệm – Chìa khóa căn bản của hạnh phúc, giải thoát.

   Lưu Đình Long
                                                                   Nguồn: giacngo.vn

3 nhận xét:

Hoàng Tiến Nhẫn nói...

Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là chân lý của cuộc sống. Nói ra thì đúng là khó tin, ít ai hiểu và không dễ gì làm được. Chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát một chút thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được ngay vì sao không dễ gì làm được, nhưng không có nghĩa là không làm được.
Tâm con người hằng ngày luôn phải tính toán, suy tính, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, khổ não, sầu bi, đau khổ, v.v… do vậy không thể nào bất động, thanh thản, an lạc và vô sự được. Vì sao vậy? Vì con người chưa biết cách buông xả.
Ai ai từ nhỏ đến lớn đều tự đặt mình vào guồng máy quay của xả hội, tự đặt mục đích cho cuộc sống của mình. Chính mục đích của cuộc sống đó đã lôi con người từ đông sang tây, từ tây sang đông, từ nam lên bắc, từ bắc xuống nam, từ thương đến ghét, từ ghét đến thương, từ buồn đến vui, từ vui đến buồn, từ thành công đến thất bại, từ thất bại đến thành công, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ hạnh phúc đến đau khổ,v.v…
Tất cả đều do chính con người tự làm khổ mình. Ngoài chính bản thân mình không còn ai khác. Do vậy muốn có được tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự thì con người phải biết tự buông xả. Có buông xả thật sự thì con người mới cảm nhận được sự thanh thản thật sự của cuộc sống.
Hãy sống với tâm buông xả mọi dục lạc và ác pháp thì tâm sẽ tự nhiên bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, không cần phải phí công sức nào, không cần tụng kinh, lần chuỗi hạt, đi chùa hay nhà thờ, không cần thờ lạy thần thánh hay thượng đế nào, không cần niệm chú, ca hát gì cả.
Người buông xả chỉ biết giữ gìn tâm bất động trước tất cả mọi chuyện, chấp nhận tất cả, không sợ hãi bất kỳ điều gì xảy ra. Con người với bản tánh nhiều chuyện thường hay quan sát mọi người, mọi chuyện, rồi tự đánh giá đúng sai phải trái. Chính vì vậy mà tâm không thể bất động được. Do vậy khi những tâm niệm trên khởi ra thì liền tác ý nhắc nhở tâm để tâm trở về bất động: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”.

Nguyễn Minh Huệ nói...

Có rất nhiều người không thể đạt được cái tâm thanh tịnh trong lúc ngồi Thiền. Họ đi hỏi khắp nơi, tại sao tôi tập luyện có cảm giác năng lượng vào nhưng tịnh tâm không được, khó quá? Một khi ngồi xuống, thôi thì nghĩ đủ thứ chuyện và mơ mộng viển vông, thật là tràng giang đại hải, tất cả đều nhập vào tâm trí làm cho mình không tịnh được.
Tại sao ngồi tập được khá lâu, trên 60 phút một lần nhưng lại không tịnh tâm được? Có người chưa chịu tìm hiểu, cứ vội cho rằng có những bí mật gì gì trong đó. Họ đi hỏi các vị đồng môn đi trước, xin hãy chỉ dạy tôi vài chiêu cao siêu để cho tâm tôi được thanh tịnh. Theo tôi thấy, đó là cách đi tìm cầu ở bên ngoài, nếu muốn tự nâng cấp cho mình thì quý vị phải đi tìm ở bên trong và cố gắng sửa cái tâm của mình. Có như vậy, quý vị sẽ dần từng bước đi lên và đạt được sự thanh tịnh trong lúc ngồi Thiền.
Lý do căn bản mà người ta không thể đạt được trạng thái thanh tịnh, đó không phải là phương pháp có vấn đề, mà là vì đầu óc và trái tim của người tập thiếu sự tập trung, cái tâm còn chưa trong sạch. Trong đời thường, trước những va chạm giữa người và người, mình còn lo đấu tranh cho quyền lợi cá nhân, lo cho thất tình lục dục,… thì việc tịnh tâm chắc chắn là còn khó khăn lắm. Nếu mình chưa buông bỏ được những điều đó và xem nhẹ chúng, thì làm sao mình có thể dễ dàng ngồi tịnh tâm được?
Kết quả của sự tu luyện tâm tính của chúng ta cũng chính là việc tự thăng cấp của chúng ta. Ngược lại, người tập lâu ngày, đã đạt được cấp cao rồi nhưng vì những lý do nào đó mà không thể tiếp tục đạt được sự thanh tịnh thì việc đó cũng chính là học đã tự mình hạ cấp của mình rồi. Có người nói việc tập luyện Thiền định tu tâm là dễ, tôi nói nó không dễ. Không có pháp môn tu tập nào là dễ cả.

Người Đồng Môn nói...

Chúng ta thụ hưởng niềm an bình nội tại và cảm thấy an lạc cùng hài lòng khi đời sống trôi đi một cách êm ả, và chúng ta có những mối quan hệ tốt đẹp, sức khỏe khả quan và một hoàn cảnh tài chính điều hòa. Thông thường thì chúng ta ở trong trạng thái hòa bình khi không có gì để lo lắng, không có căng thẳng và không cần phải vội vã.
Cuộc sống hằng ngày không phải luôn luôn như thế, nó luôn có điều gì đấy làm chúng ta lo lắng, căng thẳng hay sợ hãi,… Những điều đó đã không để chúng ta cảm thấy an bình tĩnh lặng. Tuy thế, chúng ta có thể hưởng thụ hòa bình, bất chấp tình trạng của những hoàn cảnh bên ngoài. Tâm tư hòa bình là một thể trạng nội tại, nó độc lập với những hoàn cảnh ngoại tại. Tại sao phải chờ đợi đến khi nào có những hoàn cảnh thuận lợi? Tại sao lại để những hoàn cảnh bên ngoài quyết định cho tình trạng tâm thức của chúng ta?
An bình nội tại tiếp cận với mọi người. Nó không tùy thuộc vào những điều kiện ngoại tại, giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay bệnh hoạn, tự do thân thể vật lý hay thiếu nó. Mọi người sở hữu khả năng để hưởng thụ nó ngay bây giờ và ở đây. Nó độc lập với những hoàn cảnh ngoại tại, và một người rèn luyện có thể hưởng thụ nó ngay cả dưới những tình cảnh khó khăn.
Những tư tưởng phát khởi trong chúng ta và chúng ta suy nghĩ về chúng. Chúng ta có thể chọn lựa để phớt lờ chúng và kinh nghiệm sự tự do nội tại thật sự, hay chúng ta có thể lựa chọn tưới tẩm chúng với năng lực của sự chú tâm của chúng ta và làm chúng tăng trưởng.
Khi chúng ta phải suy nghĩ, hãy chọn chỉ những tư tưởng tích cực, vui vẻ, thăng hoa tâm hồn. Hãy suy nghĩ và tưởng tượng chỉ những gì chúng ta thật sự và chân thành và mong muốn và rằng chúng sẽ đến để qua đi. Và luôn luôn nhớ rằng đời sống được định hình tùy theo tư tưởng của chúng ta.
Khi tâm tư bình lặng là có hạnh phúc nội tại và hạnh phúc ngoại tại. Nó là một vốn quý và thuận lợi to lớn để có thể làm tĩnh lặng tâm hồn khi sự phục vụ của nó không cần đến.
Hãy cố gắng bình lặng tâm tư chúng ta khi chúng ta cảm thấy bị kích động. Một cách chủ động, hãy lùi một bước và nhìn lại tâm tư chúng ta, giống như nhìn vào tâm thức người nào khác. Điều này có khuynh hướng làm tĩnh lặng và thư thái tâm hồn. Chúng ta cũng có thể gia tăng sự an bình của tâm hồn bằng sự phát triển năng lực tập trung thiền định, bằng sự luyện tập thân thể và bằng việc thở đúng phương pháp.

NGƯỜI ĐỒNG MÔN.