Nghe thuyết pháp |
Có những
vị trước khi biết đi chùa và tu học thì gia đình bình yên, nhưng sau khi đã đi
chùa và bắt đầu biết tu học thì gia đình bắt đầu dậy sóng, không có bình yên.
Có những vị trước khi chưa đi chùa và chưa biết
tu học thì gia đình luôn dậy sóng, nhưng sau khi đã biết đi chùa và biết tu học
thì gia đình trở lại bình yên.
Có những vị trước khi chưa biết đi chùa và chưa
biết tu học thì gia đình đã bình yên và sau khi biết đi chùa và biết tu học thì
gia đình lại càng bình yên thêm.
Có những vị trước khi chưa biết đi chùa và chưa
biết tu học, gia đình luôn dậy sóng, không có bình yên và sau khi đã biết đi
chùa và biết tu học thì gia đình lại càng thêm dậy sóng.
Trong bốn hạng người biết đi chùa và biết tu học
như vậy, chỉ có hai hạng người đi chùa và biết tu học là có chính kiến và có từ
bi, còn hai hạng người biết đi chùa và biết tu học nhưng không có chính kiến và
không có từ bi.
Những hạng người biết đi chùa và biết tu học có
chất liệu của chính kiến và từ bi, những hạng người ấy không những có khả năng
làm cho tâm mình lắng yên những phiền não, mà còn có khả năng giúp cho những
người trong gia đình lắng yên phiền não nữa; những hạng người ấy không những có
khả năng mở rộng không gian nhận thức cho chính mình, mà còn có khả năng chuyển
hóa những không gian nhận thức trở thành không gian trí tuệ cho chính mình và
cho mọi người nữa.
Mở rộng không gian nhận thức bằng cách nào? Bằng
cách biết học hỏi và lắng nghe. Ta phải biết học hỏi từ mọi người, từ mọi loài
và từ cuộc sống, nhưng trước hết phải biết học hỏi những cấu trúc cơ bản và
thâm sâu, vi diệu ở nơi thân và tâm ta.
Nếu không hiểu được những cấu trúc cơ bản nơi
thân và tâm, thì khó mà có được những chính kiến đối với thân và tâm ta. Và mỗi
khi không có chính kiến đối với thân và tâm ta, thì ta cũng không thể có khả
năng đối xử với thân tâm một cách có trí tuệ và từ bi.
Hãy nhìn kỹ vào khuôn mặt của ta mỗi ngày, để có
thể thấy rõ những yếu tố đang hiện hữu nơi khuôn mặt của ta, chúng chưa bao giờ
hiện hữu đơn thuần mà hiện hữu trong sự tương quan. Mũi của ta không thể nào
hiện hữu, nếu ta không có xương mặt và xương mặt không thể nào hiện hữu, nếu ta
không có xương sườn và các xương sọ, và xương sườn, xương sọ không thể nào hiện
hữu và tồn tại, nếu không có những chất hữu cơ và những yếu tố khác xúc tác
liên hệ đến với chúng.
Cũng vậy, mắt ta không thể nào hiện hữu đơn thuần
mà mắt ta hiện hữu với những yếu tố không phải mắt, như tinh thể, võng mạc và
hệ thần kinh thị giác,… và tác dụng nhận thức của mắt ta, không thể không có
mọi hình, mọi sắc, không thể không có không gian, ánh sáng và ý thức,… Nếu
thiếu một trong những yếu tố ấy, thì sự hiện hữu của con mắt không thể nào có
được, huống nữa làm sao có tác dụng của con mắt đối với cái thấy và cái hiểu
của chúng ta trong đời sống hàng ngày.
Vì vậy, trong đời sống hàng ngày, ta phải biết
học hỏi với những gì đang có mặt ở nơi thân thể của ta, ở nơi tâm hồn của ta và
chúng ta phải biết ngồi yên để lắng nghe những gì mà thân tâm ta đã nói với ta
trong từng phút giây của sự sống.
Ta phải biết học hỏi cách làm việc và tiêu thụ
của thân tâm ta. Mỗi bộ phận trong thân tâm ta, chúng làm việc đúng chức năng
của chúng, chúng biết tiếp nhận và chế tác đúng chức năng của chúng và quan
trọng hơn hết là chúng biết truyền thông và hỗ trợ cho nhau trong những điều
kiện tương quan tự nhiên để tạo nên một hệ thống thân tâm nhất thể.
Vì vậy, ta
đi chùa và tu học không phải để tích lũy kiến thức hay tri thức, vì sao? Vì
kiến thức hay tri thức, chúng chỉ là những thuộc tính của bản ngã, và làm sinh
chất nuôi lớn tâm kiêu mạn trong ta và là miếng mồi nuôi lớn vô minh làm trở
ngại đối với tuệ giác của ta, khiến cho ta không có khả năng thâm nhập và sống
thường trú với thực thể toàn vẹn của vạn hữu bất tức, bất ly ấy.
Do đó, ta đi chùa tu học cần phải thiết lập trên
nền tảng của văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ.
Do biết lắng nghe và học hỏi, khiến cho tâm tuệ
trong ta sinh khởi; do biết quán chiếu thâm sâu đối với những gì đã nghe và đã
học, khiến cho cái nghe không ích lợi, không chính xác của ta từ từ bị đoạn
tận, khiến cho tâm tuệ trong ta sinh khởi và lớn mạnh. Và do ta biết gạn lọc
những gì đã học hỏi và ứng dụng chúng vào trong đời sống hàng ngày, khiến cho
tâm tuệ sinh khởi trong ta.
Khi trong ta đã có tâm tuệ, mọi hành xử của ta
đều có mặt của tuệ, nên chúng không bị đối ngại bởi những nhận thức hữu ngã, vì
vậy ở trong đời sống hàng ngày, ta đang ở cương vị nào để hành xử, thì mọi hành
xử của ta đều là hành xử của tuệ.
Hành xử của tuệ là hành xử có khả năng chấm dứt
khổ đau cho mình và cho người, có khả năng chấm dứt những tập khởi gây ra khổ
đau cho mình và cho người. Và đương nhiên, khi những tập khởi và kết quả khổ
đau giữa mình và người không còn hiện hữu, thì an lạc tự nó biểu hiện một cách
như nhiên giữa tự và tha.
Vậy, ta đi chùa và tu học là để làm việc và ứng
xử với nhau bằng tuệ giác mà không phải bằng những kiến thức Phật học; bằng
chất liệu từ bi mà không phải bằng sự tranh giành thắng bại; bằng sự khoan
dung, chứ không phải bằng những sự ích kỷ, hẹp hòi.
Người đi chùa như vậy là người đi chùa thông
minh, vì họ có khả năng chế tác ra sự an lạc cho chính họ và có khả năng hiến
tặng sự an lạc cho mọi người.
Thích Thái Hòa. Nguồn:
Giác Ngộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét