Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Những nhận xét thú vị

          Có nhiều câu chuyện Thiền nho nhỏ, nhưng đã đúc kết cả một quá trình kinh nghiệm và nghiền ngẫm dài lâu, để sáng ra những bài học chân lý thẳm sâu. Ví như mấy câu chuyện Thiền đơn giản sau đây đã nở hoa những lắng đọng ấy. 
1. “Sau khi Thiền sư Bankei qua đời, có một người mù thường sống cạnh Thiền viện kể rằng: Bởi tôi mù nên không thể nào nhìn thấy rõ mặt ai, vì thế tôi đoán được tâm tánh của mỗi người qua tiếng nói. Thông thường khi tôi nghe ai khen ngợi kẻ khác hạnh phúc hay thành công, tôi còn nghe được cả cái giọng thầm kín của ganh tị. Khi nghe lời chia buồn kẻ khác gặp điều bất hạnh, tôi nghe có giọng khoái trá thỏa mãn, rõ là kẻ nói lời chia buồn mà lòng thì sung sướng vì có những món kẻ kia bỏ lại để cho mình chiếm đoạt. Chỉ riêng giọng nói của Thiền sư Bankei là luôn luôn thành thực. Khi ngài nói lời vui vẻ, tôi chỉ nghe độc có giọng vui vẻ. Khi ngài tỏ lòng buồn rầu, tôi chỉ nghe độc một giọng buôn rầu”. 
          (Trích: "Một trăm lẻ một câu chuyện Thiền" – Trần Trúc Lâm dịch).
Nghe lời kể của người mù, chúng ta bỗng kính trọng Thiền sư Bankei vô cùng. Một kính trọng tự phát rất mạnh mẽ. Khi ngài nói lời vui, ngài nói lời buồn đều chân thật. Ngài là một bậc nhân đức lớn vì tâm của ngài trong sáng vô cùng. Trong khi thông thường những người khác thì không như thế vì tâm họ không trong sáng. Họ giả trá và che đậy rất giỏi nhưng người mù này vẫn phát hiện ra khi nghe giọng nói của họ không phù hợp với lời họ nói.
Đây là nhận xét của một người mù nhưng chắc gì những người sáng mắt đã bằng. Tâm tính con người len lỏi thấm vào trong lời nói, nên đã biến đổi giọng nói một cách tinh vi. Và người mù đã nhận ra.
2. “Mỗi Thiền sinh phải sống cạnh thầy ít ra cũng phải 10 năm trước khi thu dạy kẻ khác. Tenno, vừa trải qua thời kỳ học tập và nay trở thành Thiền sư, đã đến thăm Nan-In. Hôm ấy trời mưa, nên Tenno mang guốc và cặp một cái dù. Sau khi Tenno chào hỏi, Nan-In lên tiếng: Có lẽ ông đã để guốc trước Thiền đường. Ta muốn biết chiếc dù của ông nằm bên phải hay bên trái của đôi guốc".
Tenno bối rối không đáp lại ngay được. Ông ta hiểu ra rằng mình chưa sống Thiền trong từng phút. Ông ta trở thành đồ đệ của Nan-In, và học trong 6 năm nữa để đạt đến mức Thiền trong từng phút”. 
          (Trích: "Một trăm lẻ một câu chuyện Thiền" – Trần Trúc Lâm dịch).
          Khi đọc kỹ câu chuyện Thiền này, tôi ngẫm nghĩ rất lâu. Tôi có cảm giác dường như có một ánh sáng Thiền dịu dàng rất gần nhưng không bao giờ biết. Lập tức tôi nhớ lại đứa cháu nội lên 10, đã nói với tôi khi trên đường đi chơi trở về: “Ông nội ơi, người ta đã bán chiếc xe ô tô màu đỏ rồi”. Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng hóa ra là thế này. Trên đường ông cháu đi chơi, có ngang qua một sa-lông bán ô tô. Và khi trên đường về, sa-lông bán ô tô ấy đã mất đi một chiếc. Lúc ấy tôi hỏi tại sao cháu biết một chiếc bị bán. Nó trả lời: “Hồi sáng có 7 chiếc, chiếc màu đỏ nằm ngoài cùng, bên cạnh chiếc màu trắng. Giờ chỉ còn 6 chiếc, màu đỏ không có”. 
Thằng cháu nhỏ thật tuyệt vời thật, trong khi tôi chẳng biết gì cả về cái sa-lông bán ô tô ấy, nói chi đến chiếc ô tô màu đỏ! Phải chăng thằng cháu bé bỏng đã sống Thiền trong từng phút mà nó không biết. Còn tôi thì có biết về Thiền nhưng chưa bao giờ sống được Thiền. 
                                              Ngô Phan Lưu     Nguồn: Thể thao & Văn hóa.

1 nhận xét:

Tân Môn Sinh nói...

CHỬI MẮNG VÀ LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT

Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo... sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
- Cù-đàm có điếc không?
...
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
* Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn, để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh, Ngài không chấp, không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm. Như thế mới được an vui.
Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.
Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến.
Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ, không phải người trí.
(Nguồn: FB)