Đau vai gáy dễ thoái hóa đốt sống cổ |
Ăn uống kém, đau vai,
đau thắt lưng... là một số bệnh mà những người có công việc thường ngồi một chỗ
hay mắc phải.
Những
người làm công việc hành chánh, văn phòng, ngồi máy tính... do phải ngồi lâu
nên cơ thể thiếu vận động, sẽ khiến nhu động ruột, dạ dày yếu đi, dịch tiêu hóa
bài tiết cũng giảm,… Cứ thế lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, ăn uống
không ngon miệng, hay đầy hơi và trướng bụng, hệ tiêu hóa hoạt động không tốt.
Khi chúng ta không vận động thì thức ăn dung nạp vào cơ thể sẽ không được đốt
cháy hết và sẽ tích tụ, làm cho dạ dày, ruột không được nghỉ ngơi. Ngoài ăn
uống kém thì giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng, có thể thường xuyên ngủ kém, thậm chí
mất ngủ.
Rất
nhiều người làm việc ngồi một chỗ bị tình trạng đau cổ, đau gáy, vai, đau thắt
lưng. Nhiều lúc đi khám hoài mà không tìm ra bệnh. Việc phải ngồi lâu cộng với
tư thế ngồi không đúng một thời gian dài sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi cho cơ gáy sau
cổ, gây ra đau nhức ở vùng cổ và vai, chuột rút ở cơ gáy, thậm chí xuất hiện
đau đầu hoa mắt. Một thời gian dài như thế sẽ dẫn đến sụn đệm cột sống thoái
hóa, gây nên bệnh xương cổ rất khó chịu. Sau khi sụn đệm cột sống thoái hóa,
chèn ép rễ dây thần kinh, tủy sống hoặc động mạch cột sống, từ đó gây ra các
loại bệnh như đau đốt sống cổ, thiểu năng tuần hoàn não.
Khi
ngồi lâu một tư thế không thay đổi sẽ khiến các tế bào mô mềm của phần lưng ở
trong trạng thái chịu áp lực cao, trong thời gian kéo dài khiến tế bào mô mềm
thiếu máu, từ đó gây ra cơ lưng mệt mỏi, tổn thương, đau vùng thắt lưng. Ngoài
ra, còn gây chèn ép thần kinh xương cùng, gây tổn thương và đau nhức cho xương
cùng. Triệu chứng đau xương cùng bao gồm xung quanh xương cùng, vùng mông có
hiện tượng nhấn vào đau và đau chân, phạm vi bao gồm xương cùng, cơ mông và tế
bào mô mềm xung quanh. Ngồi lâu một chỗ còn làm cho lượng máu kèm theo khí ô xy
trong cơ thể kém lưu thông, gây ra tình trạng cơ bắp bị đau nhức, cứng đờ, mất
linh hoạt và suy thoái nhanh. Bởi vì các tế bào trong cơ thể cần có được sự lưu
thông của máu để hoàn thành các chức năng trao đổi chất.
Để phòng các bệnh
trên, những người làm công việc phải ngồi một chỗ thì khi ngồi hai chân nên để
chạm đất, lưng phải thẳng. Cứ khoảng 30 – 45 phút cần thay đổi tư thế chân,
ngẩng đầu để đốt sống cổ vận động; hoặc đứng lên đi lại, vận động nhẹ, ưỡn
người để cơ thể, cột sống lưng và cả đôi mắt được thư giãn...
Lương y VŨ QUỐC TRUNG
Nguồn:
thanhnien.com.vn (08/4/2012)
2 nhận xét:
Cuộc sống tĩnh tại ít vận động cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng táo bón. Tăng cường vận động, tích cực tập luyện thể dục thể thao (đặc biệt là các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, cầu lông), tập các môn dưỡng sinh, ngồi thiền,… sẽ cải thiện đáng kể tình trạng của các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có chứng táo bón. Trong khi tập luyện, sự chuyển động của các cơ quan nội tạng cải thiện đáng kể chức năng của ruột (ruột được xoa bóp), tăng cường trương lực thành ruột, tăng tiết vào thành ruột muối magiê làm tăng nhu động ruột và phục hồi chức năng tiêu tháo của ruột. Trong thực tế, ngồi thiền, đi bộ và chạy sức khoẻ thường xuyên là những phương pháp hữu hiệu để chữa chứng bệnh táo bón. Sau khi kết thúc buổi ngồi thiền, nhớ làm động tác xoa nhẹ ở vùng bụng sẽ có tác dụng tốt cho tiêu hóa và tan mỡ bụng.
Bệnh đau vai gáy xuất hiện một cách thất thường, nhiều trường hợp bỗng dưng sau khi ngồi dậy, sau một đêm ngủ dậy thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau vùng vai, gáy nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi các cánh tay, cẳng tay và ngón tay rất khó chịu. Triệu chứng đau nhức vai, gáy kéo dài trong nhiều ngày thậm chí trong nhiều tháng, cá biệt có trường hợp đau lan xuống hông, sườn hoặc thiếu máu cơ tim do chèn ép các mạch máu rất nguy hiểm.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên đau vai, gáy như thoái hoá, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ với nhiều lý do khác nhau; do vẹo cổ bởi gối đầu cao, nằm sai tư thế hoặc vẹo cổ bẩm sinh; do dị tật; do viêm, chấn thương hoặc do các tác nhân cơ học như ngồi lâu, cúi lâu (đánh máy vi tính, công tác văn phòng, một số nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, bình luận, bàn luận văn học... chuyên đọc sách, tham khảo tài liệu với nhiều thời gian phải cúi xuống...) hoặc do mang vác nặng sai tư thế, nhất là công nhân đội than, cát từ tàu thuyền lên bến.
Ngoài ra người ta cũng nhận thấy có một số yếu tố thuận lợi gây thiếu máu cục bộ vùng vai, gáy như thói quen ngồi lâu trước quạt, trước máy điều hòa nhiệt độ (máy lạnh), ra ngoài trời không đội mũ, nón để ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào vùng gáy...
Biểu hiện rõ nét nhất của hiện tượng tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng đau vai gáy. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc ngồi làm việc ở bàn giấy nhiều thời gian như đánh máy, cúi xuống đọc văn bản hoặc sửa chữa văn bản, soạn giáo án (các thầy cô giáo) trong một thời gian dài trong một buổi hoặc trong một ngày và có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng...
Nhiều trường hợp ngoài đau vai gáy còn gây mỏi ở tay, tê tay, nặng tay cho nên khi làm các động tác dùng một hoặc hai tay nâng đỡ hoặc khi lái xe (xe máy, xe ô tô) phải làm động tác đổi tay cầm lái vì tay kia bị mỏi, nặng rất khó chịu. Cũng có tác giả cho rằng có một tỷ lệ nhất định nào đó do đau vai gáy có thể gây nên liệt nửa người thậm chí gây nhồi máu cơ tim do mạch máu nuôi dưỡng tim bị chèn ép. Nói chung bệnh đau vai gáy là một loại bệnh gặp tỷ lệ khá cao, chủ yếu ở người trưởng thành hoặc gặp ở những đối tượng mang tính chất nghề nghiệp và nhất là người cao tuổi.
Một số trường hợp có thể tự chẩn đoán cho mình bị đau vai gáy với nguyên nhân gì, ví dụ nằm ngủ gối đầu cao sáng dậy bị vẹo cổ, đau vai, mỏi tay hoặc do nằm sai tư thế kéo dài nhiều giờ như nằm co quắp, gối đầu cao hoặc tư thế nằm nghiêng sang một bên. Đa số các trường hợp không rõ nguyên nhân hoặc có nhiều nguyên nhân làm lẫn lộn không biết nguyên nhân nào là nguyên nhân chính gây nên đau vai, gáy thì cần đi khám bệnh. Tại cơ sở y tế có điều kiện, ngoài thăm khám người ta có thể hỏi bệnh, chụp X-Quang đốt sống cổ, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và cũng có thể đo điện não đồ, đo mật độ xương, xét nghiệm sinh hoá máu nếu có bệnh về bệnh liên quan đến tim mạch...
Đăng nhận xét