Bạn già |
Khi đã lớn tuổi, thì con người được nhiều
tự do hơn, được thong thả hơn để sống. Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép
buộc, bây giờ thì muốn làm chi thì làm, muốn thức khuya dậy sớm gì, cũng chẳng
còn ai la mắng dọa nạt, rầy la. Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn
nhằn chút chút thôi, mình không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn gì. Không còn
phải khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học thêm chi
cho mệt trí, biết quá nhiều, biết quá đủ rồi. Nếu đã nghỉ hưu, thì học thêm làm
chi. Nếu còn đi làm, thì cũng đã rành nghề, quen tay quen việc, làm việc dễ
dàng.
Khi già tình yêu cũng không còn là mối
bận tâm, không quan trọng quá, chưa nghe báo đăng các cụ già trên dưới sáu mươi
tự vẫn chết vì thất tình. Tội chi mà chết vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp
thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà đi sớm hơn. Khôn quá rồi, chết vì tình yêu là
nông nổi. Đời sống tình cảm của tuổi già êm đềm hơn, ít đau đớn ít sôi động, và
bình lặng.
Tuổi già rồi, các ông không còn tính
chuyện mèo mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện dấu diếm
mà nhà tan cửa nát. Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật,
hồi hộp, đau tim. Các bà khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải
chăm chút nhan sắc làm chi nữa, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng
xộc xệch, cũng méo mó. An tâm và chấp nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui.
Cũng có một số ít những cặp vợ chồng
già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều trở thành khó tính. Hậu quả
của ly dị trong tuổi già không trầm trọng như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn,
đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai chúng và tương lai của chính
mình. Vì còn sống bao lâu nữa mà lo lắng chi cho nhiều. Xa được ông chồng khó
tính, độc tài là mừng. Dứt được bà vợ đanh đá, bạc ác là phải sung sướng. Khỏe
trí.
Tuổi già, cố giữ cho còn có nhau, khi
đã đến nước ly dị, thì hai bên đều đúng, đều có lý. Đây là hành động tự cứu
mình và cứu người ra khỏi cảnh khổ lúc cuối đời, khi mà mộ bia đã thấp thoáng
trước mắt, không còn bao nhiêu ngày nữa. Có điều ít ai nghĩ đến là càng già thì
càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an ủi nhau trong tuổi xế chiều. Vì
chung quanh họ, có thiếu chi người đứt gánh nửa đường. Chồng chết, vợ chết, ly
dị. Vấn đề là không sao tìm được một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều tình
nghĩa, nhiều chia xẻ như người phối ngẫu cũ.
Tình già cũng nhẹ nhàng, thong thả, ít
khổ đau, ít sôi nổi hơn tình khi còn trẻ trung. Sức lực cũng có còn bao nhiêu
mà ghen tuông nhau chi, mà lo lắng chi cho thêm mệt, những người lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như vậy. Nhiều người
trẻ, sau khi gia đình tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu đánh bài tìm quên,
đôi khi không phải vì họ quá thương yêu người cũ mà tự hủy hoại đời mình, mà
chính vì họ tự thương thân, tự ái bị xúc phạm, và rồi sa lầy vào ruợu chè cờ
bạc. Người lớn tuổi thì suy nghĩ khác. Họ nghĩ rằng ta cũng đã gần đất xa trời
rồi, có sống thêm bao lâu nữa mà sầu khổ cho mệt. Mất củ khoai lang, thì kiếm
củ khoai mì bù vào. Tuổi già biết giá trị tương đối của tình yêu nên không tìm
tuyệt hảo, không tìm lý tưởng, và nhờ vậy không bị thực tế phũ phàng làm vỡ
mộng, đau khổ.
Khi già rồi, có ai hỏi tuổi, thì cũng
không cần dấu diếm, không cần sụt đi năm bảy tuổi làm chi. Sướng lắm. Vì có sụt
tuổi, cũng không dấu được những nếp nhăn, mà chẳng có ích lợi gì. Nếu tự cộng
thêm cho mình chừng chục tuổi, thì không chừng được thiên hạ nức nở khen là còn
trẻ, trẻ quá, và họ mơ ước được như mình.
Các ông có vợ đẹp, khi lớn tuổi cũng đỡ
lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm le dụ dỗ vợ mình. Con người, ai mà không nhẹ dạ, ai
mà không ưa lời nói ngon ngọt êm tai, ai mà không có khi thiếu sáng suốt. Vợ
chồng cũng có khi bất hòa, buồn giận nhau, và những khi này, lòng người dễ chao
đảo lắm. Bởi vậy, các ông đỡ nghe các bà hăm he ly dị, hăm he bỏ nhau. Tuổi này
các bà cũng thừa khôn ngoan để biết những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều, thường
chỉ là những tên phá đám, chứ không thể tin tưởng được.
Đàn bà có chồng hào hoa, đẹp trai, khi
lớn tuổi cũng bớt lo, vì các ông cũng bớt máu nóng, bớt chộn rộn và khôn ngoan
hơn thời trẻ trung. Biết kềm chế hơn, và biết rõ giá trị hạnh phúc gia đình cần
gìn giữ hơn là chơi ngông. Tuổi già, vợ chồng sống chung với nhau lâu rồi, chịu
dựng nhau giỏi hơn, quen với cái thói hư tật xấu của nhau. Không còn thấy khó
chịu nhiều nữa. Dễ dung thứ cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ biết rõ bên cạnh
cái chưa tốt của người bạn đời, còn có rất nhiều cái tốt khác.
Vợ chồng, khi đó biết bao nhiêu là tình
nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc hơn, vui hơn.
Tình yêu trong tuổi già thâm trầm, có
thì giờ bên nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Cũng có nhiều ông bà già ưa cãi
vã nhau, cũng dễ hiểu, khi đó tai của cả hai ông bà đều lãng, người này nói một
đường, người kia hiểu nẻo khác, cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ sao được?
Tuổi già, thì tất cả mộng ước điên cuồng của thời trẻ trung đã tan vỡ, đã lắng
xuống, không còn khích động trong lòng, không còn thao thức nhức nhối. Họ biết
sức mình đến đâu, và không tội chi mà ôm cao vọng cho khổ thân. Họ còn biết thêm
rằng, nếu những cao vọng điên cuồng ngày xưa mà có thành đi nữa, thì e cũng chỉ
là hư không, chẳng đáng gì.
Khi tuổi già, thì biết khôn ngoan mà an
phận, biết vui với bình thường. Biết đâu là hạnh phúc chân chính. Nhiều người già
rồi mới tiếc suốt một thời son trẻ không biết sống, phí phạm thời gian theo
đuổi những huyễn mộng, làm đau khổ mình, làm điêu đứng người khác.
Tuổi già, vui khi thấy mình hết nông nổi,
nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn. Ai khen không hớn hở mừng, ai chê không
vội vã hờn giận. Vì biết rõ mình không có gì xuất chúng để thiên hạ khen nịnh.
Và biết mình cũng có nhiều cố tật không chừa được, đáng chê. Chê thì chê, khen
thì khen. Khen cũng thế, mà chê cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một kẻ già, đáng
được khoan thứ hơn là trách móc.
Lúc này, không còn muốn làm giàu, không
bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ cho nhiều tiền nhiều bạc. Con
cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ, thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống thôi,
cũng là thỏa nguyện. Họ cũng không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần
họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn hơn.
Mối lo âu về tài chính cũng nhẹ gánh.
Bởi khi đó, nhiều người đã tích trữ được một số tiền nhỏ. Nhà cửa cũng đã có.
Nợ nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không còn nữa. Con cái cũng đã lớn, không còn là
gánh nặng cho mình. Chúng nó đã có nghề nghiệp, đã làm ăn được. Chắc chắn tương
lai chúng khá hơn mình nhiều. Người già không chi tiêu nhiều, ăn cũng ít đi
rồi, chơi cũng không còn phung phí dại dột như tuổi trẻ.
Khi già, thời gian mới là thực sự của
mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa. Không còn bị bó
buộc bởi trách nhiệm bổn phận. Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công
viên, thưởng thức thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối,
không như thời còn trẻ, đi nghỉ mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám
ảnh, nhắc nhở.
Tuổi già về hưu, là một mong ước của
gần như của tất cả mọi người. Nhiều người gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để
được về hưu sớm hơn. Nhiều thanh niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ
ước. Người Mỹ, trẻ già chi cũng nghĩ đến hưu trí. Hưu trí trong tuổi già
là một phần thưởng của tạo hóa, của xã hội. Cho sung sướng, nghỉ ngơi; Già là
nghỉ ngơi, là khỏe khoắn.
Mỗi buổi sáng nằm dài trên giường, sáng
nào cũng là chủ nhật trong tuần, muốn dậy lúc mấy giờ cũng được, muốn nằm cho
đến trưa đến chiều cũng không sao. Nằm thoải mái, không ai chờ, ai đợi, không
có việc gì gấp gáp phải làm, ngoại trừ cái bọng tiểu nó thúc dục, không cho
mình nhịn lâu thêm được nữa. Thế thì sao mà không sung sướng.
Nếu chưa về hưu, còn đi làm việc, thì
cái tâm của người lớn tuổi cũng nhẹ nhàng, ít bị những sức căng, bị áp lực đè
nén. Vì tài chính cũng quan trọng, nhưng không quá quan trọng đến nỗi khi thất
nghiệp thì mất xe, mất nhà, mất vợ mất con như những người còn trẻ. Khi này, nhiều
thứ trong cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tiền bạc cũng không quá nhiều. Vả lại,
già rồi, kinh nghiệm công việc nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ dàng,
thong thả.
Bạn đồng sự cũng có chút nể nang, phần
vì tuổi tác, phần vì kinh nghiệm. Có trường hợp, còn có việc thì tốt, mất việc
thì mừng hơn, vì có lý do chính đáng để về hưu cho khỏe. Vì nếu việc có hoài,
việc lại dễ dàng, thì tiếc, không muốn về hưu. Tuổi lớn, không cần thăng tiến, không
cần đua chen với ai, cho nên tinh thần thoải mái, được bạn bè chung quanh
thương mến hơn. Những người về hưu rồi trở lại làm việc, thì đi làm như đi
chơi, chứ không phải “đi cày” như nhiều người khác quan niệm. Vui thì làm tiếp,
chán thì về nhà nghỉ ngơi.
Người lớn tuổi, thì sức khỏe xuống,
bệnh hoạn ồ ạt đến tấn công, không ai thoát khỏi bệnh hoạn. Nhưng họ lại cảm
được cái sung sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm. Một ngày khi cảm thấy
gân cốt ít nhức mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp xương hơn. Người trẻ đâu có
thấy được những nỗi sung sướng này? Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua, nên
chưa biết. Họ có sức khỏe, nhưng họ không biết đó là sung sướng, cho nên xem như
chẳng có giá trị gì.
Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng
ngọc to bằng cái bàn nằm trong vườn, mà anh chị không biết đó là chất ngọc, thì
không biết quý, không biết mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ quý và sướng vì
viên ngọc nhỏ xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi. Có người viết sách rằng, tuổi
già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt đau nhức mà mừng, vì biết mình chưa
chết. Tôi thêm rằng, biết mình còn sống là mừng, biết mình đã (hay sẽ) chết nhẹ nhàng, càng mừng hơn.
Này! Anh chị có nhớ câu chuyện Thượng
Đế khi đuổi Tổ Phụ loài người là ông Adam và bà Eva xuống trần gian, có chỉ mặt
mà phán rằng: “Từ nay chúng mi phải đổ mồ hôi trán mới có hạt cơm vào mồm”. Đó
là câu nguyền rủa độc địa nhất, là lời phán ý nghĩa nhất, là con người phải
sống trong nhọc nhằn. Sách Phật cũng có viết đời là đau khổ, và tu để tránh
khổ. Đó! Đời này đáng sống lắm, nhưng cũng nhiều khổ đau lắm. Bởi vậy nên tôi
nói, được sống là mừng, mà được chết, cũng mừng. Tôi đi đám ma ông bạn già,
thấy gia đình khóc lóc, rên rỉ thảm thương, con cháu mếu máo kể lể. Tôi cười
trong bụng, nghĩ rằng bọn này không biết luật của tạo hóa. Có sinh thì có diệt.
Chúng nó muốn thân nhân của chúng sống đời đời sao? Biết đâu chỉ là khởi điểm
của một cuộc rong chơi.
Này! Tôi đọc cho anh chị nghe một đoạn
thơ của anh bạn tôi:
“Tôi
đi trước, hẹn gặp nhau ở đó
Ai
thay da mãi mãi sống muôn đời?
Kẻ
trước, người sau xếp hàng xuống mộ,
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi…”
Khi tuổi già, thì xem cái chết như về.
Ai không phải chết mà sợ. Sống qua khỏi tuổi năm mươi, là đã lời lắm. Tuổi
trung bình của con người trên toàn thế giới này chưa được con số năm mươi. Thì
mình nên tự xem như được sống thêm đời thứ hai. Đời trước đã hoàn tất, có cả
khổ đau lẫn hạnh phúc. Đời sau này, thì chắc chắn là sung sướng hơn, hạnh phúc hơn
đời trước. Vì đã từng trải, đã gom được kinh nghiệm của đời trước, để thấy đâu
là hạnh phúc chân thật, đâu là phù du huyễn hão.
Chết là về. Nhưng chỉ sợ không về được
đến nơi đến chốn, mà như chiếc xe hư máy dọc đường. Làm khổ chủ xe, bắt nằm
liệt mê man, không sống mà cũng không chết, đó mới là cái đáng sợ. Tôi biết
vậy, nên đã làm di chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày, thì xin rút ống cho tôi đi.
Đi về bình an.
Này! Anh chị nghĩ sao về ông bác sỹ mà
người ta đặt cho cái tên là bác sỹ tử thần? Già rồi tôi không nhớ rõ tên, hình
như ông ta tên là “Ki-Vô-Kiên” phải không? Hay là cái tên gần gần như vậy. Theo
tôi, thì ông này là một vị Bồ Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ đau, để
bị ra tòa, bị tù tội. Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn mới làm được việc đó. Tôi
cố tìm một cái ảnh ông ta để thờ sống, mà không có. Tôi nghĩ, trong tương lai,
luật pháp sẽ không ngăn cấm việc cho người đau đớn ra đi sớm hơn, vì đằng nào
cũng chết, tại sao phải kéo cái đau đớn ra dài hơn mới được chết. Trừng phạt
người ta hay sao?
Trong tuổi già, người ta biết ơn sự nhiệm
mầu của tạo hóa. Có bộ máy nào, không phải là gang thép, bạch kim, mà chạy một
mạch sáu bảy chục năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng
phổi, trái thận, cái bao tử, não bộ. Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy
chục năm mà chưa thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn. Thì dù có rò
rỉ van tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường
tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được. Dù có phải liền liền đi vào cầu
tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài mấy chục năm mà vẫn
chỉ mới rò rỉ sơ sơ. Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng kim khí cứng, không rỉ
sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi…
Nếu ai già, mà không biết tuổi già là
sung sướng, thì lỗi tại họ. Họ có cái sướng, cái quý, mà họ không biết hưởng.
2 nhận xét:
Ngày 02 tháng 5 năm 2012, Môn sinh KIM THỊ HÒA gửi cho Câu lạc bộ lá thư sau:
Nhật Minh thân mến!
Chị chuyển đến em bài này để gửi cho Câu lạc bộ các đồng môn cùng xem. Chị càng đọc càng thấm thía cái quy luật “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”, và chị đang sung sướng, cảm nhận niềm hạnh phúc nhất ở tuổi già!
Em vẫn khỏe chứ? Lớp Thiền 5 giờ chiều ở nhà em có đủ chỗ cho các đồng môn đến ngồi tập không? Có một vài chuyện trục trặc nên chị vẫn chưa làm được cái nhà Thiền theo ý chị mà chị đã gởi em Châu trước khi chị đi Mỹ. Thôi thì đợi khi về, chị sẽ thưc hiện một cách thong thả hơn!
Dạo này ngồi Thiền, tĩnh tâm một lát, chị thấy trước mắt mình, trên Luân xa số 6, có một vệt ánh sáng xanh xanh, không phải tối hù như mọi khi nữa... Như vậy, là hơi TỐT rồi phải không em Minh thân mến? Cho chị hỏi thăm sức khỏe anh Hai An, chú Bảy Hạnh cùng toàn thể anh chị em đồng môn ở CLB Rạch Dừa và ở Vũng Tàu nhé!
Chị KIM THỊ HÒA.
Tiến sĩ Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng nhóm điều tra cho biết, xu hướng người già ít sống với con cháu ngày càng trở nên phổ biến hơn. Đây là một thách thức trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Ngoài ra, tỷ lệ nữ góa chồng cao hơn tỷ lệ nam giới góa vợ, đây là dấu hiệu của “nữ hóa” dân số người cao tuổi.
Cũng theo điều tra này có đến 63% người cao tuổi cho rằng cuộc sống còn thiếu thốn, chỉ chưa đến 2% nói rằng cuộc sống rất đầy đủ. Khoảng 14% người cao tuổi đang sống trong hộ nghèo.
Hơn một nửa số người được phỏng vấn cho rằng tình trạng sức khỏe hiện tại là yếu hoặc rất yếu. Đau đầu, chóng mặt, đau khớp, đau lưng là các triệu chứng thường gặp nhất. Trong số những người cao tuổi phải trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có gần 50% không đủ tiền để chi trả.
Ngoài ra, tỷ lệ người cao tuổi có cảm giác buồn hoặc thất vọng hầu như cả tuần là 7 – 8%, sau đó tăng lên gần gấp hai ở nhóm người cao tuổi trên 80 tuổi. Có gần một phần ba trả lời không thể chia sẻ với ai khi cảm thấy không vui.
Nghiên cứu này cũng đề cập đến vấn đề tương đối tế nhị là xu hướng hoạt động tình dục của người cao tuổi. Theo đó, tỷ lệ có quan hệ tình dục trong vòng 6 tháng trước khi phỏng vấn là trên 50%, con số này cao nhất ở nhóm 50 – 59 tuổi. Ở nhóm tuổi trên 80, vẫn còn có khoảng 6%.
Nhiều người hiện vẫn giữ quan điểm cho rằng việc người già mà vẫn còn muốn quan hệ là một điều đáng chê trách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là nhu cầu của mỗi người, không phải là điều gì đáng xấu hổ. Thực tế, nhiều phụ nữ lớn tuổi có thể vẫn còn ham muốn nhưng thường ngại quan hệ vì sợ bị đau, còn với đàn ông lớn tuổi thì đó là sự bất lực.
Người cao tuổi được gia đình và xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, các thống kê và nghiên cứu gần đây cho thấy, người cao tuổi vẫn thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương và nghèo nhất.
Đăng nhận xét