Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Thiền Trường Sinh học tự trị bệnh ở Phố Núi

Ảnh: Thanh Nhật.
          (GLO)- Ngược dòng lịch sử 600 năm trước công nguyên, sau khi chứng quả Bồ đề, Đức Phật Thích Ca đã để lại cho nhân loại pháp môn Thiền định – một bộ môn mà nhiều nhà khoa học trên thế giới đã và đang tiếp tục nghiên cứu. “Thiền” còn là phương pháp được tiếp tục vận dụng để dưỡng sinh, giúp ích về sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Ngày nay, Thiền ngày càng được nhiều người quan tâm tìm hiểu và luyện tập.
“Thiền” đi vào đời sống hiện đại
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, Thiền định là một trong những phương pháp tu tập của Đức Phật Thích Ca, sau đó, sự vận dụng thiền rộng rãi vào đời sống con người phải kể đến vai trò của Tiến sỹ  Đasira Narada, người Srilanka. Từ Thiền học, ông đã khai sáng ra bộ môn “Trường Sinh học” thông qua phương pháp luyện tập Thiền để thu hút nguồn Năng lượng Vũ trụ thành Năng lượng Sinh học của con người, giúp tăng cường sức khỏe và đề kháng với bệnh tật. Năng lượng Sinh học này chính là Năng lượng Vũ trụ được thu nhận qua các huyệt đạo (thường gọi là các Luân xa) trong cơ thể người. Do vậy ngày nay, Thiền càng được nhiều người ở nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm tìm hiểu và luyện tập.
Theo quan niệm của môn Trường Sinh học, trong cơ thể con người có rất nhiều huyệt và huyệt đạo, trong đó có 7 đại huyệt cực kỳ quan trọng. Từ 7 đại huyệt này con người có thể thu hút được những nguồn từ trường của vũ trụ vào cơ thể để tạo nguồn năng lượng và truyền đi khắp các huyệt đạo, các bộ phận để điều chỉnh, tạo trạng thái cân bằng trong cơ thể. 7 đại huyệt này được gọi là 7 Luân xa. Vị trí Luân xa nằm trên đỉnh đầu, trước trán và dọc theo xương sống đến tận giữa bộ phận cơ quan sinh dục ngoài và hậu môn. Mỗi Luân xa có tác dụng cho một số bộ phận trong cơ thể. Nếu được khai mở thông qua luyện tập, các luân xa sẽ hoạt động để cân bằng cơ thể, tăng cường sức khỏe và tinh thần mạnh mẽ, cũng như giúp chữa trị nhiều căn bệnh,…
Thông thường là luyện tập Thiền trong tư thế ngồi ổn định, 2 tay đặt ngửa trên đầu gối, mắt nhìn một điểm tập trung ý nghĩ chuẩn bị Thiền. Sau đó, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng 3 lần. Lần thứ 4 hít bằng mũi, đồng thời nhắm mắt, ngậm miệng sao cho đầu lưỡi dính với nướu (lợi) trên và thở ra bằng mũi. Khi muốn kết thúc lần luyện tập (còn gọi là xả thiền) người tập bắt đầu mở mắt, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng 3 lần, đồng thời xoa 2 tay vào nhau (cân bằng âm dương). Khi Thiền, các đại huyệt trong cơ thể được khai mở, năng lượng vũ trụ được chuyển vào cơ thể, tăng thêm sinh khí và nguồn Năng lượng Sinh học cho cơ thể.
Cũng nhờ vậy, máu lưu thông mạnh hơn đến các cơ quan trong cơ thể, ổn định các tạng phủ, mạch máu giãn nở đều tạo điều kiện khắc phục hiện tượng tắc nghẽn hoặc xơ cứng, giúp cơ thể vượt qua một số bệnh từ đơn giản đến phức tạp như cao huyết áp, thiếu máu não, rối loạn tuần hoàn não, mất ngủ đau đầu, kém trí nhớ,… Trên một phương diện nhất định, việc chữa bệnh bằng Năng lượng Sinh học còn nhiều ưu điểm là không tạo phản ứng phụ, hiệu quả chữa bệnh lại mang tính bền vững cao…
“Thiền” ở  Phố Núi
Tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, bộ môn Thiền Trường Sinh học này ngày càng được nhiều người quan tâm. Một trong những địa chỉ tập Thiền tin cậy là số nhà 6/8, đường Bà Triệu, do ông Phạm Như Tòng, ngoài 50 tuổi trực tiếp hướng dẫn. Từ năm 2004 đến nay, nơi đây đã thu hút hàng ngàn học viên đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tham gia luyện tập. Tại lớp hướng dẫn, học viên thường tập từ 12 giờ đến 13 giờ và 18 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút hàng ngày. Những người đã học qua phần căn bản 6 ngày, nếu không đến điểm tập, họ có thể tự tập luyện tại gia đình. Sau khoảng 4 tháng nếu thấy hiệu quả thì có thể đến đăng ký tham gia luyện tập nâng cao.
Một buổi tập luyện tại lớp Thiền ở Pleiku - Ảnh: Thanh Nhật
          Trong số những học viên chúng tôi có dịp gặp tại điểm tập Thiền, ngoài những người có sức khỏe bình thường, còn có không ít những trường hợp từng là bệnh nhân, nhưng nhờ kiên trì tập Thiền, nên đã sớm vượt qua bệnh tật và giữ gìn được sức khỏe ổn định, hiện nay họ vẫn tiếp tục duy trì tập Thiền mỗi ngày. Bản thân ông Tòng trước đây cũng vậy, với căn bệnh đau bao tử nhiều năm, sử dụng nhiều loại thuốc Đông và Tây y nhưng bệnh tình vẫn không dứt, sau đó nhờ gặp được người hướng dẫn, nên ông đã luyện tập và hết bệnh từ năm 2003. Từ đó, ông phát tâm từ thiện và dành hết tâm huyết của mình giúp mọi người phương pháp tập Thiền hiệu quả.
Tại khóa tập vào cuối tháng 12-2011, ông Đỗ Hiền, ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết: “Tôi làm thợ xây, bị đau thận nên đã ảnh hưởng đến công việc làm và đời sống. Nhờ người bà con từng vào Gia Lai đến đây tập Thiền giới thiệu, nên tôi đã vào đây để được hướng dẫn học Thiền, với mong muốn sẽ mau hết bệnh và có sức khỏe tốt để lo làm ăn. Do điều kiện ở tỉnh xa đến, nên tôi cũng được gia đình chú Tòng tạo điều kiện nơi ăn nghỉ trong thời gian theo học…”.
Cũng tại đây, chị Huỳnh Lệ Phượng, ở tổ 7, phường Trà Bá, TP. Pleiku còn kể rằng: “Mười năm trước, sau vụ bị tai nạn giao thông, tôi phải nằm viện nhiều tháng liền, với 3 lần phẫu thuật và truyền máu, dù đã qua được giai đoạn hiểm nghèo, nhưng cơ thể vẫn còn nhiều di chứng do đa chấn thương,  đầu và nội tạng cơ thể vẫn bị đau thường xuyên,… Nhờ luyện tập ở điểm tập Thiền này, sức khỏe tôi đã phục hồi trở lại, trí nhớ tăng dần, các cơn đau nhức trong cơ thể nay không còn nữa và đặc biệt là tính tình tôi ngày càng điềm đạm…”.
Một học viên khá đặc biệt, có quá trình tập Thiền tại đây nhiều năm là chị Võ Thị Tâm, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Pleiku xúc động kể lại rằng: “Trước đây tôi bị mắc nhiều căn bệnh, thậm chí phải xin nghỉ việc bởi bệnh tình tái phát nặng. Có giai đoạn tôi gần như tuyệt vọng và hoang mang vì bệnh tật,… Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chú Tòng và sự giúp sức của những học viên đi trước, sau gần 2 năm chịu khó tập Thiền, tôi đã vượt qua nhiều căn bệnh. Cách đây 2 tháng, tôi  vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh kiểm tra sức khỏe tổng quát và kết quả thật phấn khởi, tim đã ổn định, bệnh thận và dạ dày, đại tràng đã khỏi. Ngay bác sĩ từng chẩn đoán cho tôi 2 năm trước cũng hết sức bất ngờ với sức khỏe của tôi hiện nay”.
Chị Tâm còn cho biết thêm, chồng chị là anh Trần Ngọc Nẫm nhiều năm qua nhờ duy trì tập Thiền nên đã có một cơ thể khỏe mạnh. Anh còn dùng phương pháp chuyển nguồn Năng lượng Sinh học để giúp các con mình vượt qua những bệnh thông thường,…
                   Thanh Nhật     Nguồn:   blog.igialai.com

1 nhận xét:

Nguyễn Minh Huệ nói...

Cách đây trên 2.000 năm, trong nền y học Trung Hoa cổ, các nhà châm cứu cũng khám phá ra một dạng năng lượng tồn tại trong cơ thể, loại “điện” đó họ đặt tên là “khí”, khí này vận hành trên các kinh mạch.
Thực chất năng lượng sinh học trong cơ thể con người là một dạng điện bẩm sinh, hay năng lượng sinh học mà tất cả sinh vật đều có. Nếu không có dạng điện này, sinh vật không thể nào cử động được, nhờ có điện bẩm sinh đó nên sinh vật mới di chuyển và truyền thông với nhau bằng những tín hiệu riêng biệt của từng loài.
Theo y học phương Đông, thiên nhiên có 6 loại khí tuần hoàn trong 4 mùa là: phong; hàn; thử; thấp; táo; hỏa. Khi môi trường trong lành, 6 loại khí này không gây bệnh, nhưng khi thời tiết thay đổi đột ngột, áp suất không khí mạnh lên, chúng biến thành “tà khí”, lập tức tác động vào vùng hô hấp, vào những huyệt đạo dễ gây ra bệnh tật. Có khi chúng còn đi thẳng vào những đường kinh lạc mạch và nội tạng của con người gây ra tử vong.
Như vậy cơ thể chúng ta chịu ảnh hưởng của thời tiết.
Nguồn: Trường Năng lượng Sinh học của con người.