Trước hết ta phải
tẩy uế, thanh lọc tâm. Nhưng không thể có tâm thanh tịnh, nếu như thân ô uế, vì
thế, ta cũng cần tẩy rửa các thứ tạp uế đã chất chứa trên thân thể ta bấy lâu
nay.
Hãy tưởng tượng
một người đã sống trong một ngôi nhà đã hơn hai mươi, ba mươi năm không dọn dẹp.
Bao nhiêu thức ăn thừa thãi, quần áo bẩn thỉu, rác rưởi đã chất đến trần nhà.
Phải sống giữa đống rác đó thật hôi thối, khó chịu. Nhưng người chủ sống ở đó
thì chẳng hề bận tâm, cho đến một ngày có người bạn ghé qua và nói: "Sao bạn
không dọn nhà mình cho sạch sẽ?". Rồi hai người bạn bắt tay vào dọn dẹp một
góc nhà. Sau đó người chủ bắt đầu thấy sống ở góc phòng sạch sẽ đó dễ chịu hơn.
Nên dọn dẹp cả căn nhà, người chủ bây giờ có thể ngắm quang cảnh bên ngoài, có
đủ chỗ đi qua lại trong nhà. Khi chỗ ở đã trở nên thoải mái dễ chịu, người chủ
mới có thể quay vào chú trọng đến nội tâm mình.
Căn nhà đó là
thân chúng ta. Bất kể chúng ta đi đâu: từ thành phố này đến xứ sở kia, từ chỗ
trọ này đến nơi ở khác, không biết bao nhiêu lần. Ta cũng lôi kéo thân đi cùng
khắp cho đến ngày nó rời rã, hư hoại, chỉ còn là một đống xương, một nhúm cát bụi.
Nhưng còn chưa tới ngày ấy, ta còn phải mang thân này. Còn phải sống, ta còn cần
phải dọn dẹp cho “căn nhà” này được thông thoáng, sạch sẽ, dễ chịu.
Các phản ứng
tâm lý chất chứa bên trong lâu ngày đã che mắt tâm ta. Tâm đã dung chứa chúng
thì chính tâm cũng phải tháo gỡ chúng. Trong Thiền, điều này đồng nghĩa với “nhận
biết các cảm thọ, nhưng không phản ứng, rồi buông bỏ”. Bản chất của Thiền là
không phản ứng. Đặc tính quan trọng đó giúp ta tìm được sự an lạc, quân bình
trong tâm hồn, vì các phản ứng giống như sự chuyển động của các làn sóng phủ chụp
ta, làm ta mờ mịt không thấy lối ra. Và chúng ta tiếp tục u mê. Chúng ta có thể
nghe, chúng ta có thể cảm thấy, nhưng không thể nhìn thấy “nội tâm” của ta. Nội
tâm đó đã bị che phủ bởi các hành động, những phản ứng tình cảm của chúng ta.
Khi các vọng tưởng
khởi lên trong lúc tọa Thiền, ta chỉ cần biết chúng dấy khởi, mà không cần có
phản ứng. Và ta cũng chỉ cần làm có thế. Thái độ không phản ứng này cũng có thể
được mang áp dụng vào đời sống hàng ngày của ta. Cảm thọ nào dấy khởi, ta chỉ cần
nhận biết nó đến, rồi để nó đi. Nếu chúng ta có thể quán tưởng được như thế lúc
ngồi Thiền, là ta đã học được một trong những bài học quan trọng nhất trong việc
tự giải thoát mình.
Thật sai lầm nếu
nghĩ rằng vì chúng ta đang sống, tất nhiên ta phải biết nghệ thuật sống. Đó là
một nghịch lý khác của cuộc đời. Sống là một nghệ thuật. Ai trong chúng ta chẳng
từng vấp ngã một đôi lần trong đời. Ta gọi đó là thảm kịch, bất hạnh “của tôi”.
Thật ra đó chỉ là một nghệ thuật sống chưa được hoàn hảo.
Đặc tính thứ ba
nhưng không kém phần quan trọng của việc tu Thiền là ta có thể kinh nghiệm được
tính cách vô thường của sự vật. Trừ khi tự chúng ta kinh nghiệm được điều đó, nếu
không tính cách vô thường của sự vật cũng chỉ là những lời nói vô nghĩa. Và lời
nói không giúp chúng ta giải thoát được. Phải tự chứng nghiệm. Con đường Đức Phật
chỉ cho chúng ta là con đường nhằm đưa đến giải thoát – một sự tự do hoàn toàn,
tuyệt đối, và điều đó mỗi người phải tự chứng nghiệm lấy. Khi tham Thiền, hãy
kinh nghiệm sự vô thường trực tiếp qua việc chú tâm vào hơi thở, ta biết rằng một
hơi thở vừa vào, lại một hơi thở ra. Hơi thở trước không giống hơi thở sau. Cảm
thọ này dấy lên, rồi qua đi. Tiếp theo một cảm thọ khác lại đến. Rồi nối nối
các cảm thọ khác dấy lên, cuối cùng không còn gì nữa. Một cảm giác đau ở chân,
ta trở mình, cảm giác đau biến mất. Cảm thọ đến, rồi cảm thọ đi.
Với chút ít
kinh nghiệm tu tập Thiền, ta có thể dễ dàng nhận ra được sự vô thường của cảm
thọ, đồng thời ta cũng nhận ra được sự vô thường của bản thân. Ai cũng biết thế.
Người có hiểu biết đều biết rằng thân của ta, của tất cả mọi người đều vô thường,
hoại diệt. Nhưng tất cả chúng ta đều sống như thể ta sẽ không bao giờ mất, ta
đau khổ, khóc than khi thân này bị hủy hoại theo luật tự nhiên, như thể đó là
việc ta không bao giờ ngờ tới.
Suy nghĩ như thế
là sai lầm, vô lý lắm phải không? Đó là vì chúng ta tự quay lưng lại với thực tại.
Ta chỉ muốn chấp nhận cái tốt đẹp. Còn khi phải đối mặt với sự thật phủ phàng,
ta tìm cách đổ lỗi cho kẻ khác. Có người còn đổ cho quỷ thần, trời đất. Không cần
biết ta trách móc người chung quanh hay trách trời đất, sự thật là cuộc đời đầy
những vô thường, chúng ta phải chấp nhận sự thật đó để sống cho đúng.
Khi chúng ta
suy nghĩ thêm, ta sẽ thấy là mỗi giờ phút trôi qua, các tế bào trong cơ thể
cũng thay đổi. Chúng ta ai không học điều này ở nhà trường.
Rõ ràng là
chúng ta có thể kiểm nghiệm được điều này. Khi lắng sâu trong Thiền định, ta có
thể cảm được từng cảm giác trên da thịt mình. Ta sẽ có cái nhìn khác về chính bản
thân ta, cũng như về cuộc đời, vì giờ ta đã thấu hiểu bằng chính kinh nghiệm của
mình rằng không có gì bền vững, tồn tại mãi, nhất là với thân này.
Khoa học đã chứng
minh rằng không có gì trong vũ trụ là một khối. Tất cả vật chất hiện hữu đều được
tạo thành bởi những phân tử di chuyển với tốc độ nhanh – đến cùng với nhau và
rã tan cùng nhau – do đó chúng tạo ra ảo tưởng của một khối vũng chắc. Đức Phật
2500 năm về trước đã nói như thế về các phân tử, không cần đến các phòng thí
nghiệm để chứng minh điều đó. Ngài đã tự kinh nghiệm điều đó và đã Giác ngộ.
Các nhà khoa học cũng biết tất cả những điều này, nhưng họ không phải là đấng
Giác ngộ, vì điều họ thiếu sót là kinh nghiệm bản thân, chính họ không tự chứng
được những điều này.
Ta cũng tự biết
với một chút phán đoán thông minh rằng không có gì là một khối cứng rắn. Nếu
không sẽ không có cơ thể chúng ta, mà chỉ có những cái xác người. Nhưng đó là sự
phán đoán của lý trí. Chưa đủ. Ta còn phải cảm nhận được điều ấy. Khi ta cảm nhận
được như thế trong Thiền định, ta thật sự “biết”. Không ai có thể bàn cãi gì được
về những kinh nghiệm của chính bản thân ta. Ngay chính như nếu có ai đó nói với
ta rằng: “Không. Không phải vậy. Thân ta là một khối. Sao bạn không thử nắn
thân thể mình thì biết. Nó là một khối cứng rắn, phải không?”, ta cũng sẽ không
muốn bàn cãi, không để bị thuyết phục. Như khi có người tranh luận về những điều
Đức Phật dạy, Ngài đã không cãi lại. Ngài không phải bảo vệ cho giáo lý của
mình. Vì Ngài đang nói về các kinh nghiệm tự chứng.
Với sự chú tâm
nhất quán, thậm sâu, ta có thể “thấy” được những thay đổi không ngừng trong ta.
Chính tâm ta cảm nhận được điều đó, bên trong cơ thể ta, vây thì tâm phải đứng
ngoài mới nhìn thấy được, vậy làm sao nói được ta là một khối rắn chắc. Tâm có
thể nói rằng: “Nếu luôn luôn có sự chuyển đổi bên trong ta, vậy thì cái ‘tôi’ ở
đâu?”. Tất cả các cảm giác luôn thay đổi. Phút trước có, phút sau không. Cơ thể
luôn biến đổi. Không có gì để ‘tôi’ bám víu vào. Tư tưởng luôn thay đổi, vậy
‘tôi’ ở đâu? Nhưng dĩ nhiên là con người chạy tìm một hình ảnh tưởng tượng để ẩn
trú vào như là một con người siêu phàm (higher self), một tâm linh, một linh hồn,
v.v,... Nhưng xét kỹ ra, tất cả đều là ảo tưởng. Chúng ta phải chấp nhận vô thường.
Một đặc tính nữa
của việc hành Thiền, chính là phương pháp Thiền mà Đức Phật đã nhắc đến trong
lúc thuyết giảng về nền tảng của sự chú tâm, thiền quán về bốn yếu tố: đất, nước,
gió, lửa. Cảm giác về sự cứng rắn trong cơ thể thuộc về đất. Chúng ta cũng cảm
được thể rắn chắc trong chiếc bồ đoàn ta ngồi. Yếu tố rắn chắc (Đất) có mặt ở
khắp mọi nơi. Ngay cả trong nước cũng có, nếu không, ta đã không thể lội trong
đó, hay đặt thuyền lên nước. Yếu tố đó có cả trong không khí, nếu không chim,
máy bay không thể bay trong đó.
Yếu tố Lửa (nhiệt
độ) cũng ở khắp nơi. Nếu để ý, chúng ta có thể cảm thấy sức nóng trong thân
mình. Thường ta chỉ để ý đến yếu tố này khi đang lạnh cóng, bị nóng quá hay lúc
bị cảm sốt. Nhưng nhiệt độ luôn có mặt trong cơ thể ta. Cũng như trong tất cả mọi
sinh vật.
Yếu tố Nước ở
trong máu, nước miếng, nước tiểu của chúng ta. Yếu tố nước cũng là sức kết, bện.
Khi ta có bột, đổ nước vào, bột sẽ dính vào nhau. Nước là yếu tố kết, bện có mặt
ở khắp mọi nơi. Không có nó, tất cả các tế bào di chuyển trong thân ta, sẽ tan
rã. Chúng ta sẽ không thể ngồi đây nếu không có nó để giữ cơ thể chúng ta lại.
Tất cả những
khám phá này thật lý thú phải không? Nhưng chúng cũng vô dụng nếu ta không kinh
nghiệm được chúng. Chúng sẽ vẫn chỉ là những kiến thức tiêu khiển trong lúc tán
gẫu với bạn bè. Nhưng khi ta có thể tự kinh nghiệm được, chúng sẽ trở thành sự
hiểu biết sâu sắc bên trong, về vật chất quanh ta. Trí tuệ, sự nhận biết được bản
chất thật của sự vật là điều Đức Phật thường hay nhắc tới.
Cuối cùng là yếu
tố không gian (Gió). Có không gian – những chỗ mở – trong ta, như là lỗ mũi,
bên trong miệng. Ngay trong nội tạng cũng có những chỗ mở. Vũ trụ là không
gian. Nếu chúng ta nhận ra được những điều này, chúng ta sẽ thấy là tất cả đều
cùng một thể, ta sẽ bớt được những suy nghĩ như – Đây là tôi và tôi sẽ chỉ lo
cho một mình tôi, không cần biết đến thế giới quanh tôi. Mong là họ cũng sống
an lành, nhưng đừng có trông cậy vào ‘tôi’. Khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta
có cũng chỉ là do các duyên hợp lại, rồi tan đi, chúng ta không là gì ngoài bốn
thứ gió, lửa, đất và nước họp lại, thì ‘tôi’ là gì, đến nỗi lúc nào ta cũng
chăm chăm bảo vệ nó bằng mọi cách. Và thế giới còn lại, người chung quanh ta là
gì, để ta phải cảm thấy bị họ đe dọa?
Thiền là nhắm đạt
được giác ngộ; và giác ngộ là mục đích của người Phật tử tu Thiền. Các phương
tiện là những dụng cụ. Ta sử dụng chúng cách nào cho hữu hiệu hơn cả. Mỗi người
một cách khác nhau. Nhưng ta càng sử dụng chúng thuần thục, thì kết quả càng
nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nên nhớ phải chú tâm vào phương tiện, không vào kết
quả. Chỉ có như thế thì sự tinh xảo, thuần thục mới đến với chúng ta.
Ni sư AYYA KHEMA – Diệu Liên – Lý Thu Linh dịch
(www.rongmotamhon.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét