Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Người khai mở con đường chính pháp Việt Nam

                             Ngữ Thiên
Một bài Kệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Nhân ngày giỗ lần thứ 703 của Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngày 24-11-2011, tại Thành cổ Hà Nội, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Trần Nhân Tông và con đường chính pháp – một vị vua đặc biệt, nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước (Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Séc,...) với 50 bản tham luận nghiên cứu nhiều khía cạnh cuộc đời và tư tưởng của Trần Nhân Tông.
Trên cương vị người đứng đầu đất nước, Trần Nhân Tông (1258 – 1308) nổi danh trong lịch sử dân tộc là vị vua hiền minh với những chiến công hiển hách chống ngoại xâm. Trong 15 năm ở ngôi trị quốc (1278 – 1293), Trần Nhân Tông là vị vua hiền minh luôn lấy dân – nước làm trọng, tạo nền phát triển đất nước, củng cố vị thế quốc gia,... Ông là nhà chính trị, nhà quân sự đã đoàn kết quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên Mông tàn bạo (các năm 1285 và 1288). Ông là nhà ngoại giao, nhà văn hóa có nhiều công lao trong việc mở mang củng cố vị thế của quốc gia Đại Việt và để lại nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa, văn học và lịch sử.
Năm 1293, xuất gia hoằng pháp, ông là nhà cách tân Phật pháp vĩ đại trong thế kỷ XIII, khai mở dòng Thiền Trúc Lâm – Yên Tử thuần Việt, giáo hóa con người theo hướng tự hoàn thiện, gắn kết đạo – đời theo hướng nhập thế tích cực “vui đạo” giữa đời thường, Phật trong Tâm; tinh giản đường tu, giác ngộ cõi phúc lạc, tìm thấy niết bàn ngay nơi trần thế, chống mê tín dị đoan,... Trên lĩnh vực tinh thần, tôn giáo, Trần Nhân Tông có nhiều đóng góp cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Ông là nhà tư tưởng lớn đã vượt qua thời đại mình và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng: Trong đời sống hiện nay, vẫn cần nhìn nhận thêm những ảnh hưởng của cái “Tâm” Phật giáo – cả những ảnh hưởng tích cực lẫn những hạn chế nhất định. Cần có những giải pháp phù hợp để phát huy giá trị tích cực “Tâm từ”, “Tâm bi” ở mỗi người; thực hành những hành vi đạo đức của cá nhân trong đời sống hằng ngày cần xuất phát từ “tâm tốt”, “tâm hướng thiện”; khắc phục những tác động tiêu cực, chống việc lợi dụng (mượn, giả) “tâm” Phật gây ảnh hưởng xấu,... Tinh thần Phật tại Tâm của Trần Nhân Tông và “Con đường chính pháp” của ông có thể (và cần) được thế hệ trẻ hôm nay tiếp cận từ triết lý “vui đạo” giữa đời thường, đề cao khát vọng cống hiến, trách nhiệm công dân, tinh thần sống hữu ích cho đất nước, xây dựng đời sống cá nhân (qua đó và cùng với đó) là đời sống xã hội trong sáng, tốt đẹp hơn...
                             Theo:  nhandan.org.vn

3 nhận xét:

Người Đồng Môn nói...

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO

Phiên âm Hán Việt:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xa hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm bích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Trần Nhân Tông 1258–1308)

Dịch nghĩa:
Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác
Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa.

Dịch thơ:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm hỏi chi thiền.

Biên Tập Viên nói...

VUA PHẬT TRẦN NHÂN TÔNG
(Họa thơ Hoài Yên)

Chưa ngự tòa sen chốn “Niết Bàn”
Vua còn vướng chút nợ nhân gian
Cứu nguy quốc thổ, bài xâm lược
An định dân sinh, tọa soái đàn
Tan tác Nguyên xâm mưu đế bá
Quy y chính pháp nghiệp duyên an
“Trần cư lạc đạo” hoằng dương thuyết
Thiền viện Yên Sơn ánh rực ngàn.

SONG LỘC. Tên thật: Nguyễn Đình Hải
Bình Chương, Hoài Đức, Hoài Nhơn, Bình Định.
ĐT: 0566541287.

Duy Hùng nói...

TƯ TƯỞNG TRẦN NHÂN TÔNG TRONG HƠI THỞ THỜI ĐẠI

Tại Hội nghị Quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương, diễn ra sáng 16/02/2012 tại Hà Nội thu hút sự tham dự của hơn 50 nhân sĩ trí thức, học giả có uy tín trong nước và quốc tế. Tóm tắt lại những tinh hoa trong tư tưởng nhân văn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước có những phát hiện mới, đặt trong bối cảnh hiện đại. Nhìn nhận ở mọi góc độ, tư tưởng Trần Nhân Tông luôn mang tinh thần yêu thương, nhân văn cần thiết cho mọi xã hội và luôn đi cùng thời đại.
Vua Trần Nhân Tông đã dùng trí tuệ và tư tưởng Phật giáo đánh đuổi quân Nguyên Mông và hành đạo. Thượng tọa Thích Huệ Đăng, người đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về Phật pháp đã khẳng định, "Sự thành công của Trần Nhân Tông hiện thực rõ trí tuệ thanh tịnh từ chân tâm ứng dụng là thù thắng nhất để thể hiện rõ chân lý Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian mà thành tựu, bất cứ người nào vì cộng đồng, đi vào danh lợi mà không vướng mắc danh lợi mới ứng dụng được trí tuệ nơi đời, thì đều phải ứng dụng tư tưởng lớn này mới thành tựu sự nghiệp."
GS. TS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng,Trần Nhân Tông đã sinh ra, lớn lên và thể hiện những đóng góp rất đặc biệt trong thế kỷ 13. Người đã có công lãnh đạo và mang đến cho nhân dân Việt Nam tư tưởng vì độc lập tự do, không khắc phục cường quyền.
"Không phải ngẫu nhiên Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn Phật giáo làm nơi gửi gắm ước nguyện, truyền tư tưởng lớn cho đời. Nói về Trần Nhân Tông cũng cần nói tới tư tưởng Phật giáo và chúng ta cần lưu ý hơn đến những đóng góp của Phật giáo đối với nhân loại." GS. TS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Chuyên gia độc lập Phạm Gia Minh nêu quan điểm về khả năng tài tình khi vận dụng các loại quyền lực của vua Trần Nhân Tông.
Giáo sư Joseph Nye (Đại học Harvard) được cả thế giới biết đến là cha đẻ của thuyết quyền lực mềm và quyền lực thông minh. Nhưng vua Trần Nhân Tông mới thực là người đã biết tận dụng quyền lực thông minh, tức là kết hợp được quyền lực 'cứng' và quyền lực 'mềm' từ cách đây 7 thể kỷ.
"Trần Nhân Tông đã biết dùng sức mạnh quân sự - quyền lực 'cứng' - đánh đuổi quân Nguyên Mông, nhưng người cũng biết dùng hòa giải và yêu thương để trị vì, thu phục nhân tâm. Và việc biết từ bỏ quyền lực 'cứng' khi cần thiết, cũng là 'quyền lực thông minh'.", chuyên gia Phạm Gia Minh khẳng định.
Đặc biệt trong thể kỷ 21, tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do càng có giá trị thực sự to lớn, vì quý độc lập tự do của mình thì mới tôn trọng độc lập, tự do của người khác, của đất nước khác.

Hải Yến. Nguồn: VietNamNet