Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Suối khoáng nóng Hội Vân - Huyền thoại và thực tại

Từ thị trấn Ngô Mây nằm trên quốc lộ 1A, đi về hướng Tây chừng 3 cây số, chúng ta sẽ bắt gặp suối nước khoáng nóng Hội Vân, thuộc địa phận thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là một trong bốn nguồn nước nóng được khai thác để chữa bệnh ở nước ta đã nổi tiếng từ lâu. Suối nước khoáng nóng Hội Vân nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 40 cây số, cách ga Diêu Trì 30 cây số, cách sân bay Phù Cát 8 cây số và cách bãi biển Trung Lương 23 cây số. Khu vực này cũng nằm gần các di tích, danh thắng như các tháp Chàm, làng nghề, cửa biển Đề Gi, các khu du lịch thuộc tuyến Phương Mai Núi Bà.
Khai thác du lịch suối khoáng nóng Hội Vân -  Ảnh: TL
Vào nửa sau thế kỷ 18, khi ghi chép về xứ sở Đàng Trong, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng viết: "Phường Đống Đa, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (vào năm Minh Mệnh 13, tức năm 1832, huyện Phù Ly chia thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát) có một cái đầm tròn. Đầm ngày ngày thường sôi, nước trong suốt tới đáy, nóng không thể gần được. Lúc tạnh thì bốc khói, lúc mưa khói càng bốc lên nghi ngút. Trâu, dê ngã xuống như bị luộc. Trong đầm cũng có cá sống được. Tôm, cua đều có sắc đỏ".
          Là hiện tượng thiên nhiên đặc biệt nên các sách địa lý chí đều nhắc đến suối nước nóng này. Sách Đại nam nhất thống chí, quyển 9 nói về Bình Định, ở mục khe nước nóng, chép rằng: "Khe nước nóng ở trong rừng về phía Nam huyện Phù Cát, bề dọc 2 trượng (khoảng 8 m), bề ngang chừng một trượng, lởm chởm nhiều đá, nước thường bốc hơi như nước sôi, chảy ra hơn 10 trượng khí nóng mới bớt dần. Đến thôn Tân Hòa thì hợp với chằm nước đục mà cùng chảy vào sông Nha Đoài".
          Đấy là mô tả của sử cũ. Hiện trạng có thể thấy suối phát nguyên từ vùng núi thấp phía Bắc, đến thôn Hội Vân nước chảy vào một hồ nhỏ rộng chừng 400m2, sâu hơn 1m. Đáy hồ là những tảng đá lởm chởm chen kẽ nhau. Từ đó mạch nước nóng phun lên ùng ục, khói toả nghi ngút giống như một chảo nước nóng đang sôi. Hồ nằm lọt giữa một thung lũng cát mênh mông, xung quanh có núi non vây bọc.
Chếch xa xa về phía Đông – Bắc là dãy núi Bà hùng vĩ, vào những ngày lạnh trời, nhất là vào những lúc sớm mai, hơi nước bốc lên tụ lại thành những làn khói mây mờ mờ làm cho cảnh vật trở nên huyền ảo. Khi trời nắng nóng, sương mù tan biến trả lại cho mặt nước một khoảng không trong vắt, có thể nhìn thấu những vòi nước phun lên từ đáy, giống như những con rồng đang giỡn đùa giữa dòng nước. Quanh miệng hồ là những dải cát dài trắng mịn làm thành một bãi phơi nắng lý tưởng.
Là một danh thắng, du khách có thể đến chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn cảnh đẹp, nghỉ ngơi giải trí. Hội Vân còn nổi tiếng và hấp dẫn khách đến từ mọi miền nhờ nguồn nước khoáng thiên nhiên giàu khả năng trị liệu đối với nhiều loại bệnh khác nhau. Hội Vân còn có một trung tâm hướng dẫn ứng dụng Trường Năng lượng Sinh học tự trị bệnh không dùng thuốc do Cô Hồ Thị Thu và các cộng sự đảm nhiệm, cách con suối huyền thoại không xa.
Linh thiêng hóa khả năng chữa bệnh của nước suối, dân địa phương đã lưu truyền một sự tích kể rằng: Xưa kia, khi Bình Định còn là quốc đô của Champa, trong hoàng tộc có một công nương sắc đẹp mê hồn nhưng bỗng mắc một chứng bệnh kỳ quái, không một danh y nào có thể chữa nổi. Da dẻ nàng tự dưng nổi mụn xù xì, khiến nàng trở nên xấu xí và vô cùng khổ sở vì ngứa ngáy. Nàng xấu hổ phải suốt ngày dấu mình trong cung cấm, suốt ngày rầu rĩ. Buồn chán vì bệnh tình, công nương héo hon gầy mòn. Phụ hoàng dẫu đầy kho vàng bạc châu báu mà vẫn vô phương cứu giúp.
Rồi đến một ngày, nhân tổ chức một cuộc đi săn trong rừng, vị quốc vương nọ đã cho con gái đi cùng những mong giúp nàng khuây khoả. Khi đến vùng này thấy trước mặt có một áng mây trắng tụ lại khác thường, quốc vương cho quân lính đi trước dò đường thì thấy một suối nước nóng. Công nương đã xuống tắm ở đây. Và kỳ lạ thay nàng tự nhiên thấy hết ngứa ngáy, trong người cảm thấy khoan khoái dễ chịu. Nàng xin với vua cha cho hạ trại, nán lại bên suối một thời gian để được ngày ngày ngâm mình trong dòng nước nóng. Thế rồi, ngày qua ngày bệnh tình của công nương qua khỏi lúc nào không biết. Mọi người cho rằng đó là suối nước mà thần tiên đã ban cho. Chính vì vậy con suối này có tên gọi là suối Tiên.
Đó là truyền thuyết. Còn trên thực tế, chẳng biết tự bao giờ, tiếng đồn về sự linh nghiệm trong chữa trị bệnh tật của suối nước nóng Hội Vân đã lan truyền đi khắp cả nước. Người ta kéo nhau đến Hội Vân như đi trẩy hội, không chỉ những người có bệnh mà ngay cả những người khoẻ mạnh cũng muốn đến tận nới để mục kích cảnh thần tiên và tắm thử nước suối Tiên. Họ còn múc nước đem về làm quà cho bà con, thân hữu.
Khả năng chữa trị một số bệnh của suối khoáng Hội Vân, thực ra cũng không phải là điều gì huyền bí. Từ thời Pháp thuộc, các nhà chuyên môn đã tới đây nghiên cứu, khảo sát. Trong vòng mấy chục năm qua, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc khảo nghiệm và đi tới những kết luận khoa học về khả năng trị liệu của nước suối Hội Vân.
Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1957 đã xuất hiện nhiều bài báo của các tác giả Madrole, D.Sallet, Flendel và H. Fontaine công bố các kết quả nghiên cứu về thành phần của nước khoáng. Năm 1965 công việc này lại được tiếp tục bởi một nhóm các nhà khoa học Mỹ. Từ sau năm 1975 các chuyên gia Bộ Y tế cùng với chuyên gia quốc tế đã tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống và đưa ra những đánh giá khoa học về nguồn nước tự nhiên này. Đó là loại nước khoáng có nhiệt độ dao động từ 70 – 80 độ C, vô trùng, chứa khoảng 20 chất khoáng có ích với những nồng độ thích hợp có tác dụng tốt cho việc chữa bệnh. Ngày nay, qua nghiên cứu, người ta đã biết trong nước nóng có chất lưu huỳnh (diêm sinh) và các khoáng chất rất thích hợp cho việc điều trị bệnh ngoài da, hô hấp, thần kinh. Trữ lượng mỏ nước khoáng nóng Hội Vân rất dồi dào. Đặc biệt, nguồn nước nơi đây được hòa tan với hơn 20 chất khoáng có cấu tạo hóa học dạng Cloruahydro Cacbonnat Sunfatnatri, được xếp vào loại nước khoáng nóng Silic cùng nhóm với một số viện điều dưỡng nổi tiếng trên thế giới...
Một đoạn suối nước khoáng nóng Hội Vân  -  Ảnh: TL
Đầu năm 1976, Nhà điều dưỡng nước khoáng nóng Hội Vân ra đời. Tính đến nay, trung tâm này đã đón hơn 2.200 lượt bệnh nhân đến điều trị. Bình quân mỗi năm đón khoảng 325 lượt người (trong đó có cả người ngoài tỉnh chiếm khoảng 2%). Những năm gần đây, số lượng người đến điều trị ngày càng tăng, có năm đón tới 600 lượt bệnh nhân. Cùng với những người đến để chữa bệnh, vào những ngày lễ ngày tết, suối nước nóng Hội Vân còn thu hút khách du lịch từ nhiều nơi đến tham quan. Người ta đến chủ yếu để thưởng thức trứng gà, trứng cút được luộc ở các vũng nước nóng có độ sôi 70 – 80 độ C, rồi sau đó thả mình xuống dòng nước ấm để tận hưởng cái cảm giác “thần tiên” ban tặng. Lại có người chờ hoàng hôn buông xuống để được nhìn thấy từ những mạch nước nóng lộ thiên (nằm rải rác trên một đoạn suối dài khoảng 1 cây số), khói nước bay lên phả vào không gian như thực như mơ.
Từ cuối 1994, Bộ Y tế đã có chủ trương chuyển toàn bộ Nhà điều dưỡng sang Bệnh viện Điều dưỡng – phục hồi chức năng. Theo đó, Nhà điều dưỡng Hội Vân cũng đã xây dựng và hoàn tất luận chứng kinh tế kỹ thuật để chuẩn bị chuyển sang phương án hoạt động mới. Theo luận chứng, bệnh viện sẽ có hai khu: Khu dành cho khách du lịch sẽ xây dựng bể bơi, có sức chứa hơn 1.000 lượt người/ngày, có nơi ăn nghỉ giải khát độc lập; Khu an dưỡng sẽ được nâng cấp và đầu tư trang thiết bị hiện đại. Song có lẽ vì kinh phí quá lớn nên cho đến nay, ý tưởng xây dựng Hội Vân trở thành khu du lịch và chữa bệnh lý tưởng vẫn còn xa vời.
Năm 1997, Công ty Dược và Trang thiết bị Y tế tỉnh Bình Định đề ra giải pháp: “Khai thác sử dụng năng lượng địa nhiệt tại nguồn nước khoáng nóng Hội Vân để tinh chế và sản xuất muối iod chất lượng cao” do nhóm tác giả gồm: DS. Lê Minh Tấn và DS. Nguyễn Văn Phước nghiên cứu khởi thảo. Công ty đã khai thác, sử dụng nguồn năng lượng dồi dào này để làm ra loại muối tinh NaCl có thể chất tốt: mịn, trắng, sạch,… có chất lượng cao nhờ sử dụng năng lượng địa nhiệt và năng lượng mặt trời sẵn có, gần như vô tận và không gây ô nhiễm môi trường do không dùng chất đốt. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian gần đây, đường ô-tô từ thị trấn Ngô Mây vào đây đã được nâng cấp đổ bê tông, cầu qua suối Hội Vân đã được mở rộng và kiên cố hóa, một đoạn suối nước khoáng nóng đã và đang được xây kè chống sạt lở và tạo cảnh quan. Trong tương lai không xa, tỉnh Bình Định sẽ nâng cấp nhà điều dưỡng ở đây thành một trung tâm điều dưỡng có tầm cỡ quốc gia. Đầu năm 2011, với sự giới thiệu của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đoàn công tác của Công ty Daisu do Tổng giám đốc Toshihiko Mizumo dẫn đầu đã có chuyến khảo sát tại khu kinh tế Nhơn Hội, suối nước khoáng nóng Hội Vân, khu công nghiệp Phú Tài và tuyến du lịch Quy Nhơn Sông Cầu. Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Vũ Hoàng Hà, ông Toshihiko Mizumo đã đăng ký đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Hội Vân và đề xuất việc hợp tác trong lĩnh vực thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Bình Định.
Chắc chắn với cảnh trí thiên nhiên kỳ thú và nguồn "thuốc tiên" thiên nhiên vô tận này, thắng cảnh suối khoáng Hội Vân sẽ hấp dẫn thêm vô vàn du khách tới thăm.
Nguồn: Báo Bình Định; vnexpress.net VietNamNet

3 nhận xét:

Nhật Minh nói...

SÁNG MÃI NỤ CƯỜI

Chưa đi chưa biết Hội Vân.
Đi rồi!... Thấy cả: Mùa Xuân – Tình NGƯỜI.
Trường sinh Năng lượng tuyệt vời.
Ra về nhớ mãi nụ cười … Cô Thu.

Nhật Minh.

Biên Tập Viên nói...

Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn, xin trân trọng kính mới quý vị đồng môn gia đình Trường Sinh học xa gần HỌA bài thơ SÁNG MÃI NỤ CƯỜI trên đây của môn sinh Nhật Minh. Mong lắm thay !!!

Hàn Nhuệ Cương.

Biên Tập Viên nói...

XỨ NẪU THÂN THƯƠNG

Vần thơ “Xứ Nẫu” ngọt ngào thương
Nghe đã say lòng khách bốn phương
Đất võ oai hùng nền võ thuật
Trời văn hào khí nếp văn chương
Quang Trung nghĩa dũng tan hồn giặc
Đào Tấn hiền tài sáng ánh gương
Văn hiến ngày càng tươi thắm mãi
Tự hào quê mẹ gió đưa hương.

8/2011
Hàn Thu Thảo.
Phú Kim, Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định.