Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Thiền dễ hay khó ?

Nhắc đến Thiền, nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng đó là việc dành cho những người có nhiều thời gian rảnh rỗi, và phải có một không gian yên tĩnh và thật phù hợp để Thiền.
Có người cho rằng phải vào chùa, vào Thiền viện, lên núi cao, vào rừng sâu yên tĩnh hoặc ở làng quê tĩnh mịnh thì mới có điều kiện cho việc thực tập Thiền. Điều này đúng nhưng chưa đủ, Thiền không gói gọn và bó hẹp dành cho những người có điều kiện như vậy chỉ cần bạn có Tâm muốn thực tập thì ở đâu ta cũng có thể thực tập Thiền và đem lại kết quả như nhau.
Có những người luôn nghĩ rằng: Mình bận lắm, công việc đã chiếm gần hết thời gian của mình rồi, thời gian đâu để tập Thiền, vả lại nhà mình chật chội, không có không gian để ngồi, làm sao tập Thiền được đây?
Các vị nên nhớ rằng: Ăn các vị cũng phải thở, uống các vị cũng phải thở, khi làm việc gì các vị cũng phải thở, lúc đứng, lúc ngồi hay lúc nằm ngủ thì các vị cũng phải thở, mà quán sát và theo dõi hơi thở là Thiền. Vậy sao quý vị không có điều kiện tập Thiền?
Thiền có thể thực tập ở mọi nơi, mọi lúc, tùy thời gian, không đòi hỏi bất cứ một điều kiện thêm gì ngoại trừ cái Tâm muốn thực tập của bạn.
Hãy nghĩ đơn giản thôi, chúng ta có quá nhiều thứ để tập luyện như: chạy điền kinh, bơi, thể hình, aerobic, thể dục thẩm mỹ,… những mong thân thể luôn khỏe mạnh và tươi mát. Nhưng thử nghĩ xem chúng ta có môn gì và đã tập luyện những gì cho tinh thần chưa? Đầu óc, tâm trí chúng ta hoạt động cả ngày thậm chí cả đêm, nhưng chúng ta luôn quên, luôn không quan tâm chăm sóc đến chúng.
Chúng ta cũng cần phải có những phương pháp và cách thức để tập luyện cho tinh thần chứ, chúng ta quên hoài, quên hoài mà chỉ chú ý đến cơ thể của mình. Đó là điều thiếu sót, chúng ta đang sở hữu một cơ thể khỏe mạnh nhưng về tinh thần thì chưa chắc. Thực tập Thiền là một trong những “món ăn” giúp chúng ta tập luyện cho “tinh thần”.
Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng: Thiền là phải thực tập theo tư thế ngồi. Do vậy, khi không có điều kiện ngồi hoặc không có không gian, không có thời gian thì chúng ta không thực tập và có xu hướng chờ cho đến khi có điều kiện mới thực tập Thiền.
Ngoài tư thế thực tập cơ bản và hoàn hảo là ngồi Thiền, còn nhiều tư thế thực tập khác, như: đi Thiền, đứng Thiền, nằm Thiền, Thiền trong các hoạt động thường ngày,… mà ít người để ý đến những tư thế thực tập Thiền này.
Phải công nhận rằng tư thế ngồi Thiền là dễ tập trung nhất, tuy nhiên một người thực tập Thiền cần phải chú ý là Thiền trong mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh và mọi tư thế chứ không chỉ thực tập Thiền ở tư thế ngồi.
Tâm lý của những người mới tập luôn nôn nóng và muốn nhận biết được kết quả ngay lập tức, ngay sau khi ngồi tập xong, nếu không được thỏa mãn như mong muốn (tưởng tượng trong đầu) thì dễ sinh ra chán nản và lười thực tập.
Việc thực tập Thiền hay bất kỳ thực tập một môn thể thao nào đó cũng cần có thời gian để đạt được. Đơn cử ngay việc tập thể hình, nếu ai đó muốn cơ thể lực lưỡng ngay sau buổi tập thì họ thật là viển vông, tối thiểu cũng phải là từ 1 – 3 tháng thì mới có chuyển biến, chưa kể đến cơ địa của từng người mà có sự chuyển biến nhanh hay chậm.
Thực tập Thiền cần phải kiên trì liên tục và không gián đoạn, nếu thực tập đủ và đúng cách chắc chắn quý vị sẽ nhận được kết quả. Kết quả đạt được lớn hay nhỏ tùy thuộc vào mức độ chuyên cần, nỗ lực và khả năng vốn có của từng người. Kết quả mong muốn còn phụ thuộc vào mục đích thực tập. Khi mục đích thực tập càng to lớn thì càng cần thời gian và sự cố gắng thật nhiều mới đạt được kết quả.
Như vậy thực tập Thiền chỉ cần cái Tâm muốn thực tập của bạn mà không cần bất cứ điều kiện gì khác, điều này khó hay dễ?
Vài điều nên tránh
1. Trước khi hành Thiền, bạn hãy tìm hiểu rõ ràng phương pháp hành trì để khỏi vướng mắc những hiểu lầm và sai lạc.
2. Đừng xen lẫn pháp môn Thiền này với pháp môn Thiền khác, vì như vậy là tối kỵ và rất khó thành tựu được kết quả.
3. Đã hành Thiền thời phải kiên trì, ngày nào cũng ngồi và tốt hơn cả là ngồi đúng thời điểm đã chọn. Dầu đau ốm sơ sơ cũng phải ngồi Thiền. Chỉ có kiên trì ngồi Thiền, ngày nào cũng vậy, đúng giờ giấc, ngày này qua ngày khác cho đến trọn đời. Dầu ngồi chỉ hơn nửa giờ hay một giờ, nhưng tốt nhất là ngồi Thiền được mỗi lần ít nhất từ một giờ trở lên, cần nhất là kiên trì. Kiên trì ở đây là mẹ của thành công.
4. Ngồi Thiền lâu có thể khởi lên một số hiện tượng kỳ lạ, nhưng đó chỉ là ảo giác hoặc những hiện tượng do sức mạnh của Thiền đưa đến, có đó rồi mất đó, không phải là những hiện tượng giải thoát, nhiều khi mất đi rồi không còn trở lại. Chúng ta chỉ nên xem là những hiện tượng bình thường, chỉ như vậy thôi rồi tiếp tục hành Thiền như thường.
Kết quả của hành Thiền là thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng. Những kết quả tốt đẹp của Thiền sẽ chờ đợi chúng ta, một khi chúng ta hành trì đúng phương pháp và kiên trì hành trì, không nản chí.
                                             Nguồn: Thiền và Sức khỏe cả Tâm lẫn Thân.

2 nhận xét:

Chống lảng phí Tài Nguyên Đất nói...

Bài này rẩt có giá trị, rất bổ ích, gì hiện nay có nhiều người chưa tập thiền cứ tưởng Thiền là khó lắm nên họ ít quan tâm đến. Nhưng thật ra cũng không có gì khó nếu chúng ta bền chí khi biết lợi ích của Thiền. Những kiến thức cần thiết khác thì mọi người có cả đống gần như không thiếu cái gì, Nhưng kiến về Thiền mà thiếu ... thì đống kiến thức kia cũng không có giá trị gì nhiều .. Thiện tại Thiện tại

Biên Tập Viên nói...

THIỀN LÀ GÌ?

Có người đến hỏi vị thiền sư: “Thiền là gì?” Vị thiền sư không đáp thẳng, chỉ rót trà mời khách: “Uống trà đi.”
Thiền là dòng sống lặng lẽ của tự tâm và thiền sư là kẻ nắm chắc được dòng sống ấy – thực ra, ngay cả những lời vừa nói, chẳng có lời lẽ dông dài hay đơn giản nào, có thể nói lên được ý nghĩa của thiền nếu không nắm được dòng sống đó.
Thực tại vượt lên trên mọi lý luận. Người ta không thể diễn đạt nó bằng ngôn ngữ vì ngôn ngữ chỉ là sản phẩm của tư tưởng, mà tư tưởng chỉ là con đẻ của ý niệm nhị nguyên đối đãi. Ý niệm luôn luôn tạo ra thế ly cách giữa chủ thể (năng) và đối tượng (sở). “Tôi tu thiền” hàm nghĩa rằng có cái “tôi” ở ngoài “thiền” và có “thiền” ở ngoài cái “tôi”. Tôi và Thiền trở thành hai thực thể đối lập, phân ly. Thể của của thiền thì tuyệt đối, bất nhị (không có hai mà là một thể đồng nhất); còn ý niệm thì tương đối, nhị nguyên. Không làm sao có thể định nghĩa hay diễn đạt cái tuyệt đối bằng ngôn ngữ giới hạn của thế giới tương đối. Nhưng, vì phương tiện, vì dẫn đạo, vị thiền sư buộc lòng phải dùng ngôn ngữ để nói với môn đệ của mình. Tuy nhiên, ngôn ngữ đó, dù được buông ra trong miễn cưỡng, vẫn là một cố gắng để nhắm thẳng vào tâm, gạt bỏ mọi lý luận (trực chỉ nhân tâm). Và như vậy, nó không phải là cái có thể lập lại lần thứ hai cho một người khác. Phổ cập hóa thiền đạo là vô tình giam bản thể vô tận (chân đế) vào thế giới hữu hạn (tục đế). Bám chặt vào một lời dạy hay một phương thức đối trị đã được phổ cập là đang đuổi theo cái bóng mờ của Thiền. Giảng giải, phân tích, mổ xẻ thiền đạo là bắt thực tại đứng dừng một chỗ như một xác khô. Cái gì lặng đứng, khô chết và có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ thì không phải là thực tại tuyệt đối (Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh – Lão tử Đạo đức kinh).