Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Vài nét về thuyết Âm Dương và Dưỡng sinh Trường Sinh học

Âm Dương là tinh túy của Kinh Dịch. “Nhất Âm nhất Dương vi chi Đạo”, nghĩa là: Phải có một Âm một Dương thì mới nên Đạo. Các nhà tư tưởng học Âm Dương nhận thức rõ: Tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng đều phải có hai mặt phải và trái của nó. Họ dùng khái niệm Âm Dương để giải thích về hai tính chất đối lập và nương tựa nhau để cùng tồn tại của mọi sự vật và hiện tượng.
Thuyết Âm Dương căn cứ vào quy luật thống nhất của hai mặt đối lập để nhận thức tất cả sự vận động và biến đổi của vũ trụ bằng phép Duy vật biện chứng mộc mạc, tự phát cổ đại; Đó chính là một phạm trù của Triết học.
Thuyết Âm Dương lấy:
- Trên, trước, ngoài, to lớn, nam tính, cứng rắn, khỏe mạnh, đơn, biểu lộ bên ngoài, nhiều,… làm Dương.
- Dưới, sau, trong, nhỏ bé, nữ tính, mềm yếu, nhu nhược, đôi, kín đáo bên trong, ít,… làm Âm.
Nội dung cơ bản của Âm Dương được khái quát thành 4 phương diện sau:
a- Đối lập: Như trên với dưới, nóng với lạnh,… Cách chữa bệnh của Đông y là lấy Dương để trị Âm, lấy nhiệt để trị hàn.
b- Tương hỗ: Hai bên cần phải dựa vào nhau mà tồn tại, không bên nào có thể đơn phương tồn tại nếu thoát ly bên kia; Tức là “Độc Dương bất trưởng, độc Âm bất sinh”, cũng có nghĩa là không có đàn ông thì không có đàn bà; không có cái xấu thì không có cái tốt và ngược lại.
c- Tiêu trưởng (tiêu vong và sinh trưởng, cũng có nghĩa là tăng giảm, thêm bớt): Cả Âm lẫn Dương không phải luôn ở trạng thái tĩnh tại mà luôn luôn ở trong trạng thái thay đổi, biến động. Như con lớn lên thì cha mẹ phải già yếu đi.
d- Chuyển đổi: Sự tăng giảm, biến đổi của Âm và Dương đã phát triển đến cực độ thì bản thân mỗi bên tự mình chuyển đổi sang phía đối phương (tức là sự thay đổi về chất).
Linh đơn không bằng dưỡng sinh:
Dược vật (thuốc) có tác dụng dưỡng sinh, nhưng không được lạm dụng thuốc. Vì như thế sẽ làm mất đi tiềm lực dưỡng sinh bản năng của cơ thể. Đông dược bào chế sẵn (thuốc Bắc, thuốc Nam) và Tân dược (thuốc Tây) có tác dụng hữu ích nhất định đối với người bị bệnh lâu ngày, người cao tuổi,… nhưng nhất thiết không quá ỷ lại vào thuốc.
Hiện nay trên thị trường có bán đủ các loại thuốc kháng sinh, vitamin, thuốc tăng cường sức khỏe, viên nang bổ não trường thọ, các loại thuốc tiêm, thuốc nước,… Chúng được quảng cáo rầm rộ là bổ đủ thứ, trị bách bệnh khiến không ít người chỉ dựa vào thuốc để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Tập quán dùng thuốc ấy đã làm cho con người mất đi ý thức dưỡng sinh, cơ thể mất khả năng miễn dịch, mất đi bản năng đề kháng, tự chữa bệnh của cơ thể.
Kinh Lạc dưỡng sinh truyền thống của người Trung Quốc thực chất là sự ứng dụng nguyên lý Âm Dương ngũ hành trong mỗi cơ thể con người. Thường xuyên điều chỉnh Kinh Lạc có tác dụng dưỡng sinh rất lớn.
Thuyết Kinh Lạc là bộ phận trọng yếu cấu thành hệ thống lý luận Đông y học; Nó quán xuyến cả các phương diện sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, trị liệu,… của Đông y; Nó chỉ đạo các phương pháp trị liệu hàng mấy ngàn năm nay trên thực tế lâm sàng. Nhận thức và nắm bắt được tình hình phân bố, đường hướng vận hành và công năng chủ yếu của Kinh Lạc trong cơ thể con người sẽ có tác dụng hết sức to lớn cho dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe. Nó thích hợp với nhiều loại bệnh, hiệu quả rõ ràng, thao tác dễ, có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, an toàn và không tốn kém tiền bạc,… Kinh thuộc Dương, Lạc thuộc Âm. Kinh lại chia ra Âm Kinh và Dương Kinh; Vì thế dùng Kinh Lạc để điều chỉnh những bộ phận mất cân bằng Âm Dương trong cơ thể cũng chính là phát huy tác dụng của Trường Sinh học Năng lượng.
Kinh hàm nghĩa là đường đi, kinh mạch thông suốt trên và dưới, nối liền trong và ngoài, là chủ của hệ thống Kinh Lạc. Lạc hàm nghĩa là mạng lưới, là những chi nhánh đặc biệt của Kinh Mạch. Nó nhỏ hơn Kinh Mạch, ngang dọc đan xen, giao thoa nhau như mắc cửi, bố trí khắp cơ thể. KinhLạc giao thoa với nhau, liên quan mật thiết với nhau, liên kết các bộ phận của cơ thể thành một thể thống nhất. Mười hai Kinh Mạch trong cơ thể con người là Chủ, phủ tạng bên trong thuộc Âm; Da thịt, các khớp bên ngoài thuộc Dương.
Mười hai Kinh Mạch tức là cách gọi chung của Thủ tam Âm kinh (phế, tâm bao, tâm); Thủ tam Dương kinh (đại tràng, tam tiêu, tiểu tràng); Túc tam Dương kinh (vị, đảm, bàng quang); Túc tam Âm kinh (tỳ, gan, thận); Đó chính là Chủ thể của hệ thống Kinh Lạc, còn gọi là Chính Kinh. Kinh Lạc đã gắn kết các bộ phận của cơ thể con người thành một thể thống nhất hữu cơ; Nó làm cho hoạt động của các bộ phận trong cơ thể bảo đảm được Âm Dương điều hòa thống nhất (cân bằng).
Khi mà khí huyết của các tổ chức phủ tạng thuộc cơ thể ấm áp nhuận hòa thì mới phát huy được tác dụng sinh lý bình thường của mình, mới làm cho phủ tạng bên trong cơ thể và các bộ phận bên ngoài, ngũ quan, cửu khiếu, da thịt, gân cốt tương thông hoàn toàn, phối hợp thống nhất. Tất cả những điều ấy hoàn thành được là nhờ vào sự vận hành chuyển tải của Kinh Lạc.
Kinh Lạc hành khí huyết, doanh dưỡng Âm Dương. Doanh khí vận hành trong mạch, vệ khí vận hành ngoài mạch làm cho khí doanh, vệ phân bố dày khắp cơ thể, điều chỉnh ngũ tạng, hài hòa lục phủ; Bên ngoài thì kháng ngự tà độc, bệnh hoạn,… không cho chúng xâm nhập vào cơ thể.
Kinh Lạc là một hệ thống liên lạc bên trong và bên ngoài cơ thể. Khi mà chức năng sinh lý bị mất cân đối, điều hòa thì đó cũng là lúc mà tà bệnh xâm nhập, hàm chứa cả sự phản ảnh đặc điểm thời kỳ mang bệnh. Trong quá trình bệnh lý, trên tuyến tuần hành của Kinh Lạc thường xuất hiện triệu chứng bị chèn ép, đau đớn rất rõ hoặc kết tiết. Thông qua việc phân tích chính xác tình trạng cơ thể người bệnh và triệu chứng thay đổi các bộ vị tương quan, ta có thể xác định được Kinh Mạch nào đang bị tắc, bộ phận nào đang bị bệnh.
Tập luyện Dưỡng sinh Trường Sinh học thường xuyên nhằm lưu thông Kinh khí, điều tiết công năng khí huyết, phủ tạng bên trong cơ thể, từ đó đạt mục đích trị liệu hoặc đề phòng bệnh tật.
Theo quan điểm “Thống tắc bất thông, thông tắc bất thống” (tức là đau thì không thông mà thông thì không đau) của Đông y thì việc giữ gìn cho Kinh Lạc thông suốt là tiền đề trọng yếu để đề phòng bệnh tật. Trong thực tế, thường xuyên tập luyện Dưỡng sinh Trường Sinh học là một trong nhiều hoạt động có thể làm cho Kinh Lạc thông suốt, các cơ quan phủ tạng vận hành hanh thông, nhờ đó mà đạt được mục đích dưỡng sinh, thân thể khỏe mạnh.
Tu luyện (tu dưỡng, rèn luyện) theo phương pháp ứng dụng Năng lượng Trường Sinh học cũng là sự tu luyện khí vận của Âm dương Ngũ hành; làm cho Âm dương cân bằng, Ngũ hành tương bổ cho nhau để đạt mục đích dưỡng sinh, trị bệnh, đề phòng bệnh tật. Tu tâm luyện khí thông qua môn Dưỡng sinh Trường Sinh học cũng chính là một trong nhiều biện pháp để cân bằng Ngũ hành. Lịch sử văn minh nhân loại đã chứng minh điều đó qua hàng ngàn năm nay ở Ấn Độ. Mỗi khi nóng giận, tức tối thái quá thì làm việc gì cũng không thành công, không những thế còn có hại cho sức khỏe, mặt đỏ bừng bừng hoặc tái mét, hơi thở hổn hển, huyết áp tăng cao, nhịp tim rối loạn, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não,…
Không chỉ riêng người Trung Quốc tập luyện Khí công; người Ấn Độ tập Yoga, Thiền; người Nhật tập Zen; ngày nay nhiều người thuộc các dân tộc khác trên thế giới cũng đều luyện khí. Có rất nhiều phương pháp luyện khí, ứng dụng Năng lượng Trường Sinh học là một trong những phương pháp luyện khí khá hiệu quả. Mỗi người cần tìm cho mình một phương pháp luyện khí phù hợp nhất để thực hiện.
Tâm hồn sảng khoái vô bệnh tật:
“Tâm thái bình hòa, tắc chính khí tồn nội” tức là tâm hồn thanh thản thì chính khí tồn tại trong cơ thể. Có rất nhiều phương pháp để giữ gìn Tâm thái tốt đẹp, sảng khoái. “Tâm khẩu bất nhất” sẽ làm cho bạn rất khó tồn tại trong cộng đồng, xã hội. Đây cũng là một căn bệnh thường gặp. Nếu như thế thì sẽ mất tín nhiệm với bạn bè, đồng nghiệp, người thân và bản thân mình cũng sống rất mệt mỏi, cực khổ. Sự bất nhất giữa bên trong và bên ngoài là biểu hiện không hài hòa Âm Dương. Nếu kéo dài mãi như thế thì tâm lý sẽ hết sức nặng nề, khó tránh khỏi sinh bệnh tật.
Các nhà Đông y học đều cho rằng yếu tố quan trọng hàng đầu của dưỡng sinh là dưỡng tâm. “Nội kinh” có câu rằng: “Điềm đạm vô tư, chân khí tùng chi”, nghĩa là: Đạm bạc vô tư, không màng danh lợi thì chính khí luôn tồn tại trong cơ thể, như thế thì năng lực đề kháng, chế ngự tà ngoại rất mạnh, cơ hội để giữ gìn thân thể khỏe mạnh rất lớn. Bất kể người khỏe mạnh hay người đau ốm bệnh hoạn thì Tâm thái bao giờ cũng là quan trọng nhất. Qua nghiên cứu lâm sàng, các chuyên gia y tế đều công nhận rằng những người tinh thần lạc quan vui vẻ, sống cởi mở với mọi người thì dẫu có bệnh ung thư thì thời gian sống cũng được kéo dài hơn những người bi quan, u sầu. Càng lo lắng sợ hãi thì càng bất lợi, càng dễ xuất hiện những nguy cơ bệnh hiểm nghèo. Tâm thái có tác dụng to lớn quyết định tình hình sức khỏe của con người. Mọi người nên quan tâm đến việc giữ gìn cho mình một tâm thái bình hòa, trong sáng trong khi giải quyết công việc cũng như trong cách sống, cách làm người.

SỨC KHỎE QUÝ HƠN VÀNG
CHÚC QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN THÀNH CÔNG

2 nhận xét:

Người Đồng Môn nói...

Sức khỏe là vốn quý của đời người. Để giữ gìn sức khỏe, con người phải sinh hoạt thuận theo tự nhiên, cần có sự vận động, luyện tập thường xuyên về thể chất, khí lực và tinh thần,… Từ xa xưa, con người đã nhận thức được điều đó, nên đã đề ra các phương thức sinh hoạt, hình thức tập luyện để duy trì, nuôi dưỡng sự sống. Đó chính là DƯỠNG SINH.
“Văn hóa dưỡng sinh” ngoài việc đề cao ăn uống bồi bổ, điều độ để tăng cường sức khỏe, còn giới thiệu các phương pháp tập luyện dưỡng sinh đơn giản nhưng hiệu quả, dễ áp dụng, như: điều hòa hơi thở, tĩnh tâm ngồi thiền, cách dùng thảo dược để duy trì sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh tật,… Lĩnh ngộ được những triết lý sâu xa, áp dụng những hướng dẫn thiết thực, bạn sẽ có được một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thư thái, vượt qua mọi áp lực trong cuộc sống, an nhàn giữa bộn bề lo toan, kéo dài sức thanh xuân và tăng cường tuổi thọ.

Người Đồng Môn nói...

Sức khỏe là vốn quý của đời người. Để giữ gìn sức khỏe, con người phải sinh hoạt thuận theo tự nhiên, cần có sự vận động, luyện tập thường xuyên về thể chất, khí lực và tinh thần,… Từ xa xưa, con người đã nhận thức được điều đó, nên đã đề ra các phương thức sinh hoạt, hình thức tập luyện để duy trì, nuôi dưỡng sự sống. Đó chính là DƯỠNG SINH.
“Văn hóa dưỡng sinh” ngoài việc đề cao ăn uống bồi bổ, điều độ để tăng cường sức khỏe, còn giới thiệu các phương pháp tập luyện dưỡng sinh đơn giản nhưng hiệu quả, dễ áp dụng, như: điều hòa hơi thở, tĩnh tâm ngồi thiền, cách dùng thảo dược để duy trì sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh tật,… Lĩnh ngộ được những triết lý sâu xa, áp dụng những hướng dẫn thiết thực, bạn sẽ có được một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thư thái, vượt qua mọi áp lực trong cuộc sống, an nhàn giữa bộn bề lo toan, kéo dài sức thanh xuân và tăng cường tuổi thọ.