Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Các phương thức dưỡng sinh từ cổ xưa

Biểu tượng của trí tuệ, sự bảo vệ và sức khỏe thời cổ.
          Sức khỏe là vốn quý của đời người. Để giữ gìn sức khỏe, con người cần sinh hoạt thuận theo tự nhiên, cần có sự luyện tập, rèn luyện về thể chất, khí lực và về tinh thần... Vì vậy từ xa xưa đã có các phương thức sinh hoạt, hình thức tập luyện để bảo trì, nuôi dưỡng sự sống. Đó chính là dưỡng sinh.
          Dưỡng sinh thực chất là một khoa học tổng hợp, phép dưỡng sinh  có ba bộ phận: "sinh lý", "tâm lý" và "triết lý". Đó là ba cái "lý" quan trọng nhất, cũng là ba mức độ cao thấp và nông sâu khác nhau.

       Dưỡng sinh Sinh lý
Dưỡng sinh cổ đại coi trọng bốn quy tắc gọi là "đạo" dưới đây:
1- Đạo "động dưỡng", đó là rèn luyện thân thể một cách thích hợp, khiến cho gân cốt linh hoạt và khí huyết lưu thông.
2- Đạo "tĩnh dưỡng", đó là để cho thân thể được nghỉ ngơi, giảm bớt sự tiêu hao năng lượng vô ích.
3- Đạo "thực dưỡng", tức là phép ăn uống có điều độ và cân bằng dinh dưỡng.
4- Đạo "cư dưỡng", tức là chú ý giữ nơi ở cho sạch sẽ, gọn gàng, thoáng đãng nhưng không có gió lùa,…
Ngoài bốn “đạo” trên mà còn lưu ý "không làm lụng quá mức khiến thân thể mệt nhọc", "sinh hoạt tình dục có điều độ và không phóng túng" và  ‘kịp thời chữa trị khi mắc bệnh” thì thân thể sẽ khỏe mạnh và sống trường thọ.
Đứng trên quan điểm ngày nay, bốn thứ "đạo" nói trên đơn thuần là dưỡng sinh về phương diện sinh lý; và có thể nói đó  là cách dưỡng sinh thông thường, dưỡng sinh ở "tầng nông".
Dưỡng sinh Tâm lý
Trong dưỡng sinh tâm lý, người xưa chú trọng đến hai phương diện: "điều tiết tình chí" và "tu dưỡng đức hạnh” bởi vì sự biến động của tình chí và đạo đức có liên quan hết sức mật thiết đến sức khỏe tâm thần của  con người.
1- "Tình chí" gồm hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. "Hỷ" là vui; "nộ" là tức giận; "ưu" là lo lắng; "tư" là nghĩ ngợi, "bi" là buồn; "khủng" là sợ hãi; "kinh" là ngạc nhiên quá mức, sửng sốt đến mức không chịu đựng nổi.
Trong Đông y “Tình chí”  là "Thất tinh". Đó là bảy trạng thái tinh thần được hình thành do sự kích thích của các nhân tố từ bên ngoài. Đó là sự phản ứng của cơ thể về phương diện tâm lý. Trong những tình huống thông thường, chúng không gây nên bệnh. Thế nhưng, khi những kích thích và phản ứng nói trên quá mạnh hoặc quá lâu dài, hoặc cơ thể quá mẫn cảm, thì bệnh tật có thể phát sinh: quá vui thì hại "tâm", tức giận thì hại "can", nghĩ ngợi quá nhiều làm hại "tỳ", u buồn thì hại "phế", sợ hãi thì hại "thận",...
Chính vì vậy cho nên cần biết cách điều tiết tinh thần và tình cảm, và quan trọng nhất  là giữ cho “tình chí” được trung hòa; tức là giữ cho tinh thần và tình cảm ở trạng thái quân bình. Làm được như vậy thì chân khí không bị nhiễu loạn, lục phủ ngũ tạng hoạt động điều hòa, tà khí từ bên ngoài không thể xâm nhập vào cơ thể. Nhờ vậy  bệnh tật không thể phát sinh, cơ thể được khỏe mạnh và tuổi thọ kéo dài.
2- Đức hạnh" nói về hành vi đạo đức. Người giỏi dưỡng sinh lấy đức hạnh làm đầu và phối hợp với điều dưỡng thân thể. Có đức hạnh thì tâm lý được bình an, ý chí không bị rối loạn; nhờ vậy mà khí huyết điều hòa, bệnh tật không thể phát sinh. Danh y Tôn Tư Mạc đã nói: Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không thể sinh ra; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh. Bản thân Tôn Tư Mạc đã thực hành theo "đại đạo dưỡng sinh" đó, cho nên cụ đã thọ đến trên trăm tuổi, ngoài trăm tuổi vẫn tiếp tục chữa bệnh cứu người và nghiên cứu y thuật.
Nếu như "dưỡng sinh sinh lý" thuộc "tầng nông", thì "dưỡng sinh tâm lý" là dưỡng sinh ở "tầng sâu".
Dưỡng sinh Triết lý
Lãnh vực dưỡng sinh này liên quan đến quan niệm sống của mỗi con người.
1- Lão Tử, triết nhân vĩ đại, ông tổ của Đạo giáo, đồng thời cũng là một trong những vị tổ của phép dưỡng sinh phương Đông, thường khuyên răn người đời nên coi nhẹ danh lợi, nên khiêm nhường, nhu thuận, không tranh chấp, nên "cư hạ" (ở dưới) và "cư hậu" (ở sau) mọi người. Theo ông, sống như vậy, thì sinh mệnh sẽ giữ được vẹn toàn. Quá ham mê tranh giành danh lợi, nhất định sẽ dẫn đến tổn thất lớn. Biết cái đủ ("tri túc") thì sẽ không bị nhục, biết dừng lại đúng lúc ("tri chỉ") sẽ tránh được nguy hiểm. Như thế là nắm được "đạo" và sẽ được trường cửu".
2- Ngược lại với quan điểm "xuất thế" như trên của Đạo giáo, Nho giáo (Khổng giáo) lại sách lược "nhập thế". Triết lý dưỡng sinh của Nho giáo bao gồm trong bốn chữ "nội thánh ngoại vương": Bên trong phải có cái đức của một vị thánh (nội thánh) và ở ngoài đời thì phải lập được công trạng giống như bậc đế vương (ngoại vương). Liên hệ với ngày nay chúng ta thấy, những người có lý tưởng cao đẹp, có lòng tin vững chắc vào sự nghiệp, thường là những người có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành sự nghiệp, đồng thời vẫn giữ được sức khỏe tốt cho đến tuổi cao niên. Như vậy, một triết lý sống tốt đẹp cũng có thể giúp cho con người ta trở nên khỏe mạnh và được trường thọ.
Dưới góc độ của phép dưỡng sinh: "dưỡng sinh triết lý" chính là một phép dưỡng sinh ở "tầng cao".
Dưỡng sinh tuy chia ra ba mức độ, ba cái "lý" như vậy, song chúng không những không mâu thuẫn, mà ngược lại còn bổ túc và yểm trợ cho nhau. Khi phân biệt rõ ba cái "lý" đó, thì tuỳ theo thể trạng và hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta có thể tự tìm ra cho mình một phương pháp dưỡng sinh thích hợp.

Ba chữ "Lý" trong Phép Dưỡng sinh – Phạm Tuấn Anh
Phép Dưỡng  sinh của người xưa – An Dương Điện báo
                                                          NguồnSưu tầm.

3 nhận xét:

Biên Tập Viên nói...

KHỔNG TỬ: MỖI TUỔI MỘT LỐI DƯỠNG SINH

Khổng Tử không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục mà còn là nhà khoa học về dưỡng sinh. Trong hoàn cảnh đương thời, khi tuổi thọ bình quân chỉ là 30 thì Khổng Tử đã thọ tới 73 tuổi.
Trong thiên Lý thị sách Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng ở mỗi độ tuổi, con người ta có những yêu cầu khác nhau về dưỡng sinh. Ông viết: “Quân tử có 3 chặng đời: Niên thiếu huyết khí chưa định, tránh “sắc”; Tráng niên huyết khí sung mãn, tránh “đấu”; Có tuổi huyết khí suy nhược, tránh “đắc”. Theo cách giải thích của Khổng Tử và vận dụng kinh nghiệm lâm sàng ngày nay, có thể diễn giải là:
Tuổi thiếu niên cơ thể chưa phát triển đầy đủ, nên tránh sắc dục; Vì sắc dục sớm làm tổn hại sinh lực, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng bình thường, mặt khác có thể ảnh hưởng xấu đến đạo đức con người trong cả cuộc đời.
Tráng niên tránh “đấu”, theo giải thích của Khổng Tử là “đấu khí”, “đấu dũng”, “đấu thắng”, tóm lại là tránh cương cường hiếu thắng. Theo y hoc hiện nay, người có tính khí cương cường hiếu thắng chiếm tỷ lệ rất cao về chứng cao huyết áp, vì họ thường xuyên sống trong tâm trạng căng thẳng. Người tráng niên cần chú ý điều tiết khí độ, nên nhớ câu “tri túc thường lạc” (biết đủ thì thường xuyên vui vẻ) để tránh bệnh tật và tăng tuổi thọ.
Còn như người có tuổi, các chức năng cơ thể đã suy yếu, cả thể lực lẫn tinh lực đều suy giảm, cần cảnh giác trước lòng tham muốn được (“đắc”) thêm thứ mà mình đã được, dẫn đến tiếp tục lao tâm, lao lực rất hại cho sức khỏe và tuổi thọ.

Nguồn: Sưu tầm.

Nhật Minh nói...

HOA ĐÀ: TRƯỜNG KỲ TẬP LUYỆN

Hoa Đà sống ở thời Tam Quốc là thầy thuốc trứ danh, cũng là một chuyên gia về dưỡng sinh. Tương truyền lúc ông lâm chung, tai vẫn thính, mắt vẫn tinh, tóc không một sợi bạc! Học trò của ông là Ngô Phổ thọ đến trăm tuổi. Bí quyết dưỡng sinh của ông là gì? Chúng ta cùng theo dõi câu chuyện sau đây:
Thời trẻ, có lần lên núi hái thuốc, khi lên đến lưng chừng núi, ông phát hiện một cái hang. Trong hang có hai vị tiên râu dài tóc bạc đang bàn luận y học. Ông đứng ngoài hang nghe và nhớ nhập tâm. Hai vị tiên về sau không những truyền lại cho ông y thuật cao siêu mà còn dạy ông phép tập luyện phỏng theo tư thế của năm loài muông thú là hổ, hươu, gấu, khỉ, hạc, gọi là “ngũ cầm hý” (trò chơi của năm loại cầm thú).
Vận động thân thể theo các động tác khác nhau của năm loài vật trên sẽ tác động tốt đến phủ tạng, giúp khí huyết toàn thân lưu thông, sống lâu vô bệnh, vì đã vận động được tất cả các bộ phận, các tổ chức trong cơ thể cùng một lúc. Y học Trung Quốc cho rằng “ngũ cầm hý” có tác dụng dưỡng sinh rất hiệu quả. Y học hiện đại cũng đã chứng minh “ngũ cầm hý” là bài thể dục dưỡng sinh cùng lúc làm vận động tất cả hệ thống gân, cơ cũng như tác động đến các tuyến nội tiết. Do đó vừa nâng cao công năng của hệ gân cơ, vừa tăng công năng phủ tạng, làm tăng sự lưu thông của khí huyết, kích thích sự hoạt động của các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, bài tiết, các tuyến nội tiết...
“Ngũ cầm hý” không đơn thuần là bài tập dưỡng sinh hay thể dục, mà là một bài luyện khí công cao cấp. Trong bài luyện khí công này, Hoa Đà kết hợp nhịp nhàng giữa vận động gân cơ với luyện thở, lấy khí công dẫn dắt các cơ quan nội tạng điều hòa trạng thái hoạt động cho cân bằng, khiến cơ thể tráng kiện như trẻ lại, kìm chế quá trình lão hóa. Những thuật dưỡng sinh các đời sau dựa trên nguyên tắc “thái cực”, “hình ý”, “bát quái”, xét về nguyên lý đều phù hợp với thuật “ngũ cầm hý” của Hoa Đà. Sống vào thời loạn ly, dân tình cơ cực nhưng nhờ sáng tạo và luyện tập suốt đời thuật khí công – dưỡng sinh “Ngũ cầm hý”, đến lúc tuổi già danh y Hoa Đà vẫn tráng kiện, minh mẫn.

Nguồn: Sưu tầm.

Hoàng Tiến Nhẫn nói...

TÔ ĐÔNG PHA: LẠC QUAN, VẬN ĐỘNG

Tô Đông Pha (đại văn hào của Trung Quốc đời Tống) là tác giả các sách “Quyết luận về phép dưỡng sinh sống lâu, thanh thản”, “Vấn dưỡng sinh”... Đó không chỉ là những phép dưỡng sinh hợp với tuổi tráng niên mà còn hợp với tuổi già để giữ cho cơ thể tráng kiện, đầu óc sáng suốt. Trong sách “Luận trà”, ông cho rằng trà trừ bệnh về răng lợi. Sau mỗi bữa ăn nên nhấp trà đặc, sẽ trừ được chứng viêm lợi, làm chắc răng.
Tô Đông Pha có thói quen dùng lược chải trên da thịt để tăng sức khỏe và xoa chân (được ông coi là bảo bối quan trọng nhất). Mỗi ngày trước khi ngủ và sáng dậy, ông đều ngồi trên giường, nhắm mắt, co từng bàn chân đặt lên đầu gối chân kia, dùng lòng bàn tay xoa mạnh gan bàn chân mỗi bên chừng 200 lượt. Y học ngày nay chứng minh việc xoa gan bàn chân có thể góp phần trị được nhiều bệnh như thiếu máu, tiểu đường, yếu sinh lý, đau lưng...
Ông tự giữ nghiêm ngặt chế độ sinh hoạt điều độ, tiết chế ẩm thực, “mỗi bữa không dùng quá một chén rượu, một miếng thịt”; coi trọng phương châm sống lạc quan, ham vận động. Cuộc đời ba chìm bảy nổi, mấy lần bị hạ ngục, vậy mà trong ngục ông vẫn tập luyện đều đặn, giữ tâm trí thảnh thơi, tinh thần sáng suốt. Lúc gặp cảnh đời bất đắc chí nhất, Tô vẫn không hề buồn chán, sa đà rượu chè. Trái lại, ông ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn danh thắng cổ tích, giữ được cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Nguồn: Sưu tầm.