Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Giỗ Tổ Hùng Vương trang nghiêm, thành kính

          Sáng nay, mùng 10 tháng Ba năm Nhâm Thìn (31-3-2012), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, thay mặt đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài, tỉnh Phú Thọ cùng thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Nghệ An, Điện Biên đã trang trọng tổ chức Quốc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Đoàn hành lễ tiến về Nghĩa Lĩnh.
Đoàn hành lễ đang tiến về Nghĩa Lĩnh
          Tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ có: Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Các vị là Ủy viên BCH Trung ương Đảng có: Ông K’So Phước, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Ông Trần Lưu Hải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng; Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan trung ương; lãnh đạo Bộ Tư lệnh QK2, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đại biểu lãnh đạo và nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai…; Bà Katherin Muller, Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan ngoại giao, khách nước ngoài.
Các đại biểu về dự lễ dâng hương.
Các đại biểu về dự lễ dâng hương.
          Về phía tỉnh Phú Thọ có: Ông Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ông Hoàng Dân Mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Chủ lễ giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn, 2012; Ông Bùi Minh Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các vị là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các vị nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Thọ qua các thời kỳ; Ban liên lạc Hội đồng hương Phú Thọ tại Hà Nội; các vị lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Đảng bộ trực thuộc; lãnh đạo các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng; các thành viên BTC Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn, 2012; đại diện các đơn vị, cá nhân đã tham gia cung tiến, tu bổ Đền Hùng cùng đông đảo đồng bào trên mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài đã hành hương về đất Tổ, thành kính, tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dâng rượu lên anh linh các Vua Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dâng rượu lên anh linh các Vua Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
Thành kính tri ân công đức Tổ tiên.
Thành kính tri ân công đức Tổ tiên.
          Mặc dù trời mưa, nhưng ngay từ sáng sớm, các ngả đường vào Ðền Hùng đã chật kín người hành hương. Các thành phần dự lễ dâng hương chỉnh tề đội ngũ tại sân Trung tâm lễ hội.
          Ðúng 7 giờ sáng, trong tiếng nhạc lễ, tiếng chiêng, trống âm vang, đoàn dâng hương với đội nghi trượng uy nghiêm, nhạc lễ thành kính và đoàn cờ phướn lộng lẫy khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng. Ði đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Tiếp đó là tám thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống mầu đỏ thắm mang hương hoa, lễ vật cúng dâng và 100 thanh niên, tượng trưng cho trăm người con được sinh từ bọc trăm trứng, trong trang phục cổ, tay giương cao cờ Hội thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng. Tiếp sau đội nhạc lễ, đội rước kiệu lễ vật là đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương và nhân dân về dự Giỗ Tổ.
          Đúng 7 giờ 30 phút, tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng chính thức bắt đầu.
          Phát biểu mở đầu lễ dâng hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức “Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012, ông Hà Kế San nhấn mạnh: Từ bao đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương – ngày lễ trọng của dân tộc ta đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của đồng bào Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Đó là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng sâu sắc, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tông để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. Bằng tình cảm, vinh dự và trách nhiệm của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ cùng với sự tham gia, phối hợp của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Điện Biên đã nỗ lực tập trung cao độ cho chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ Hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn 2012. Đặc biệt, phần lễ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ ngày mùng 6 tháng Ba; Lễ rước kiệu và kính dâng lễ vật của các xã vùng ven Khu di tích ngày mùng 8 tháng Ba và lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày mùng 10 tháng Ba được tiến hành theo phong tục và nghi lễ truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên.
          Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; cùng đại biểu các ngành, các cấp, tỉnh Phú Thọ, đại biểu các tầng lớp nhân dân đã dâng hương, hoa, lễ vật, thắp hương tưởng niệm, tri ân các vị liệt tổ, liệt tông đã có công khai thiên lập quốc; cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ bình yên, đất nước thịnh vượng, trường tồn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc đọc chúc văn tại lễ dâng hương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Ông Hoàng Dân Mạc
đọc Chúc văn tại lễ dâng hương.
          Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc, Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Thìn 2012 đã đọc Chúc văn tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức, đồng thời kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; khẳng định lớp lớp các thế hệ con cháu Lạc Hồng sẽ luôn phát huy khí thế Hùng Vương, đoàn kết một lòng, mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã chọn, quyết tâm xây dựng giang sơn đất nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh phồn vinh, góp phần vì hòa bình hữu nghị trên toàn thế giới.
c
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt lẵng hoa
tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong"
c
Ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Huỳnh Đảm và các vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ
trao đổi với bà Katherin Muller, trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam
và khách nước ngoài về tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt.
          Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng đại biểu các ngành, các cấp, tỉnh Phú Thọ cùng các tầng lớp nhân dân đã đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Lăng Hùng Vương. Vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.”
Sau
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và khách hành hương
xem các hiện vật lịch sử trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương.
          Sau Lễ dâng hương tưởng nhiệm các Vua Hùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu đã dâng lẵng hoa mang dòng chữ “Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy” tại bức Phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong” tại nghã ba đền Giếng; dâng hương tưởng niệm Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Đền Lạc Long Quân trên núi Sim (Khu Di tích lịch sử Đền Hùng) và thăm Bảo tàng Hùng Vương (Thành phố Việt Trì).
Các
Các thiếu nữ dâng hoa và lễ vật trong ngày lễ chính
Hành
Đồng bào khắp nơi đội mưa về dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
          Đúng 9h sáng, phần lễ kết thúc, đồng bào và du khách lên chật kín đền Thượng và các đền trong Khu di tích thắp hương, dâng lễ tưởng nhớ công lao các Vua Hùng có công dượng nước. Nghĩa Lĩnh ngập trong khói hương ngào ngạt. Cơn mưa nhỏ cuối xuân làm quang cảnh Đền Hùng càng thanh sạch, không gian dịu mát, gió núi thổi bay rừng cờ phướn rực rỡ. Lượng khách trong ngày chính hội tăng lên đáng kể so với mấy ngày trước...
                                                                Xuân Chường – Đinh Vũ     (Nguồn:  Báo Phú Thọ)

          Dưới đây là một số hình ảnh về các hoạt động tại Lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại một số địa phương:

Ngoài cổng Khu Di tích Đền Hùng (Phú Thọ).

Nhớ ngày Giỗ Tổ

Trẩy hội

Tụ hội

Khai hội

Rước kiệu

Rước kiệu

Rước kiệu

Kiệu đã về

Hát Xoan

Hát Xoan

Đánh trống đồng.

Thi gói bánh chưng
          Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng – năm nay, mặc dù không phải năm chẵn nhưng là năm đặc biệt khi Hát Xoan – Di sản có từ thời Vua Hùng dựng nước – vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” cũng đang được hoàn thiện để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ban Quản lý Khu di tích lịch sử (KDT) Đền Hùng cùng với các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ có sự chuẩn bị chu đáo cho lễ hội. Tự đáy lòng mình nhân dân cả nước cũng đang hướng về cội nguồn.
          Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng – kéo dài 6 ngày, từ ngày mùng 5 đến hết ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (tức ngày 26 đến ngày 31-3-2012). Phần lễ, nội dung không thay đổi so với năm trước song thành phần tham dự có thêm đại diện các đoàn ngoại giao, đại diện 24 nước trong Ủy ban liên chính phủ và đại diện UNESCO tại Việt Nam. Phần hội chú trọng thể hiện tính ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và vinh danh di sản hát xoan. 
          Cụ thể:
          - Ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch, tổ chức Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ;
          - Ngày mùng 8 tháng Ba âm lịch, tổ chức rước kiệu của các xã, phường trong khu vực gần di tích về Đền Hùng;
          - Ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
          UBND tỉnh Phú Thọ đã mời thành phố Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc cử đoàn nghệ nhân dân gian tham gia hội thi gói và nấu bánh chưng, thi giã bánh dầy và thi hát dân ca, trình diễn diễn xướng dân gian vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch tại Trung tâm lễ hội – Khu Di tích Đền Hùng.
          Bên cạnh đó, Khu Di tích  Đền Hùng còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Phú Thọ tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao như: Đánh trống đồng, múa sư tử, hát Xoan tại khu vực Phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong; tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề "Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến Thời đại Hùng Vương ở Việt Nam" tại Bảo tàng Hùng Vương.
Lễ dâng hương tại Đền Tổ Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ)
          Ngay trong ngày khai Hội đền Hùng, Hội thảo “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương –  Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” với sự tham gia của nhiều nhà văn hóa, lịch sử nhằm làm rõ hơn những giá trị nổi bật của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được tổ chức tại Phú Thọ. Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) cho biết: “Chủ thể của "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" là người Việt ở Phú Thọ. Bắt nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình, cộng đồng cư dân Phú Thọ đã thờ cúng Hùng Vương – ông Tổ huyền thoại, coi đó như là biểu tượng về nguồn gốc tổ tiên của họ. Họ sáng tạo truyền thuyết, thực hành các tập quán bày tỏ sự kính trọng, biết ơn và niềm tin vào biểu tượng đó. Họ đã duy trì các tập quán đó qua nhiều đời cho đến nay và coi đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Đây chính là cơ sở khoa học để xác định đó là di sản văn hóa phi vật thể của họ”.
Đoàn đại biểu TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ dâng hương tại Điện Kính Thiên.
          Ước tính, đến nay có trên 400 cơ sở thờ tự Quốc Tổ Hùng Vương trong và ngoài nước. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ giỗ Quốc Tổ đã trở thành lễ hội văn hóa – tâm linh lớn nhất trong cả nước. Cho đến nay, tập quán thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương không hề mất đi ý nghĩa sâu xa ban đầu, ngược lại đã trở thành một truyền thống tốt đẹp cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Từ truyền thống “Uống ngước nhớ nguồn”, từ lòng biết ơn tổ tiên và các thế hệ cha ông dày công dựng nước, người dân Việt Nam đã cùng nhau ra sức giữ nước như lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
          Nằm trong các hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 2012, sáng mùng 9 tháng Ba âm lịch (ngày 30-3-2012) tại đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã diễn ra hội thi gói bánh chưng, bánh dày và nghệ thuật trang trí mâm trái cây nhằm chọn ra những chiếc bánh chưng, bánh dày ngon nhất, đẹp nhất dâng lên các vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ.
Học sinh Trường THCS Hùng Vương, TP. Biên Hòa dâng hương các Vua Hùng
          Người dân huyện Tân Hiệp, Kiên Giang cũng rộn ràng cho lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2012.Hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng ba âm lịch, hàng chục ngàn người con đang sinh sống, học tập, làm việc ở mảnh đất Kiên Giang và các tỉnh, thành trong khu vực đều hội tụ về Tân Hiệp dâng nén tâm nhang thành kính lên Quốc Tổ Vua Hùng. Đền Hùng Quốc Tổ huyện Tân Hiệp do người dân ấp Đông Bình tự nguyện đóng góp thành lập từ năm 1957 bằng vật liệu đơn sơ làm nơi thờ cúng các vị Vua Hùng và nhớ về đất tổ. Năm 2010, khi Kiên Giang là 1 trong 9 địa phương cả nước được phép tổ chức lễ hội quốc gia, quy mô lễ giỗ cũng như tên tuổi ngôi đền được nhiều người trong vùng biết đến. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2012 diễn ra trong hai mùng 9 và mùng 10 tháng Ba âm lịch (ngày 30 và 31/3). Buổi sáng ngày mùng 10 tháng Ba nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức trang trọng theo nghi thức hàng năm, nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ và ý chí đoàn kết tự lực vươn lên xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp.
Di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở Tân Hiệp, Kiên Giang
chuẩn bị được trùng tu xây dựng lại.
          Lễ hội giỗ Tổ Vua Hùng trên cao nguyên Lâm Đồng mang âm hưởng núi rừng với nhiều bất ngờ, thú vị hấp dẫn khách thập phương. Hàng năm vào ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, du khách thập phương tới đây không những thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên thơ mộng của Đà Lạt mà còn được chiêm bái đền Âu Lạc – thờ Quốc Tổ Hùng Vương uy nghi giữa âm thanh trầm hùng của thác nước, nhạc rừng Tây Nguyên hùng vĩ khiến tâm hồn thanh thản lạ thường.
          Tọa lạc trên đỉnh núi Phượng Hoàng, ẩn mình giữa ngàn thông xanh ngắt, bên cạnh thác Prenn hùng vĩ của vùng đất Nam Tây Nguyên giàu huyền thoại là khu đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương hay còn gọi là đền Âu Lạc. Ai đã từng đến đây vào dịp giỗ Tổ sẽ không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ và thú vị khi được hòa mình vào dòng người lên dâng hương bái vọng các vua Hùng.
Tái hiện lịch sử thời Hùng Vương tại TP Đà Lạt.
          Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Dương tổ chức Hội trại Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Nhà Bảo tàng tỉnh Bình Dương vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch (31-3-2012). Tham gia Hội trại lễ Giỗ Quốc tổ Hùng Vương có trên 20 võ sư, lão võ sư, HLV cùng 300 võ sinh từ các nơi trên địa bàn tỉnh Bình Dương và quý võ sư, võ sinh không ngại đường sá xa xôi từ các tỉnh bạn và TP. Hồ Chí Minh cùng về hội tụ.
          Mục đích chính của Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Dương là hướng thế hệ trẻ, các võ sinh phải nhớ đến tổ tiên, cội nguồn của dân tộc. Giá trị dựng nước của các vua Hùng và giữ nước qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... cho mãi đến thời đại Hồ Chí Minh ngày hôm nay.
Các võ sư Bình Dương dâng hương các Vua Hùng.
          Cùng với cả nước, ngày mùng 10 tháng Ba (âm lịch), người dân Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương trang trọng tại Đền Hùng Vương – Mẫu Cửu Thiên (số 12, đường Bạch Đằng, Phường 5, TP. Vũng Tàu) như một cách hướng về nguồn cội. Năm nay, giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trùng vào ngày thứ Bảy nên dự kiến lượng khách sẽ đông hơn so với mọi năm, tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trời Vũng Tàu có mưa nên phần nào lượng khách đến dự lễ có giảm đôi chút. 
Chuẩn bị lễ dâng hương tại Đền thờ Hùng Vương (Vũng Tàu).
          Mặc dù vậy, người dân Bà Rịa - Vũng Tàu và du khách thập phương mang theo các lễ vật: bánh chưng, bánh giày, trái cây… tề tựu rất đông về Đền thờ Hùng Vương – Mẫu Cửu Thiên. Trong lễ giỗ Tổ có nghi thức ôn lại tiểu sử của 18 vị Vua Hùng; nghi lễ cúng khao thỉnh với trống, chiêng, cờ hoa và các lễ vật 18 bánh chưng, 18 bánh giày dâng lên vua Hùng. Sau đó là phần tế chính với các nghi thức nói lên công đức của các Vua Hùng trong quá trình dựng nước. Ngoài các nghi thức cúng bái, trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương sẽ còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, diễn xướng dân gian tiêu biểu như: đánh trống đồng, hát xoan, hát ca trù, múa lân sư rồng, rước quốc kỳ, rước cờ hội với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng”… Trung tâm Văn hóa tỉnh chuẩn bị chu đáo một chương trình nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Hướng về nguồn cội – Vững bước tương lai” diễn ra vào tối mùng 9 tháng Ba âm lịch tại Thị xã Bà Rịa.
          Tại các địa bàn vùng ven Đà Nẵng, người dân có truyền thống làm lễ giỗ Tổ bằng nhiều hình thức, quy mô khác nhau trước, trong và sau ngày diễn ra đại lễ. Cứ 3 năm một lần, huyện Hòa Vang đều long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ. Năm nay, chưa đến chu kỳ thực hiện lễ Giỗ cấp huyện, nhưng hầu hết tại các đình làng, miếu thờ thuộc các xã trên địa bàn huyện đều thực hiện lễ tế với quy mô lớn nhỏ khác nhau, thời gian cũng có thể linh động tùy vào nông vụ. Thôn Dương Sơn (xã Hòa Châu), đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang)… là những địa chỉ có truyền thống về làm lễ giỗ Tổ. Truyền thống thờ vua Hùng gắn liền với thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời ở mỗi gia đình Việt Nam, nên ngày Giỗ Tổ cũng là dịp để con, cháu các tộc họ ở Đà Nẵng làm lễ giỗ chạp, tu bổ lăng mộ ông bà, tổ tông, sum họp gia đình…
          Sáng nay, mùng 10 tháng Ba năm Nhâm Thìn, tại Đền thờ các Vua Hùng và Bác Hồ ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập), lãnh đạo các cấp cùng đông đảo nhân dân tỉnh Bình Phước đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Buỗi lễ đã diễn ra long trọng, ấm áp tình cảm thiêng liêng của nhân dân Bình Phước hướng về cội nguồn dân tộc với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại xã Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bình Phước.
          Ông Phạm Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập đã đọc diễn văn tưởng niệm các vua Hùng, bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; thành kính tưởng nhớ và biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng, đồng thời nói lên quá trình thành lập cùng những kết quả đạt được trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Các vị lãnh đạo tỉnh và đại biểu 26 xã, thị trấn, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã thắp hương, dâng lên tổ tiên những vật phẩm truyền thống đặc sắc nhằm tưởng nhớ công đức tổ tiên và bày tỏ sự thành kính, lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Sáng mồng 09 tháng Ba năm Nhâm Thìn (30-3-2012), tại chùa Trấn Quốc, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, đã trang nghiên tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Hàng năm, chư Tăng, Phật tử chùa Trấn Quốc vẫn tổ chức Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, nguồn cội tổ tiên huyết thống, nguồn cội Tổ tiên tâm linh, khơi dậy lòng tự hào và truyền thống yêu nước của người Phật tử.

Đến chứng minh buổi lễ có sự hiện diện quý báu của HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Tổng Thư ký HĐCM TWGHPGVN, Trưởng Hệ phái Vĩnh Nghiêm, TT. Thích Như Thọ, Chánh Đại diện QHPGQ. 10, ĐĐ. Thích Thanh Thắng, UVBVHTW, ĐĐ. Thích Giác Định, Trưởng Ban Tổ chức, NT. Thích nữ Tịnh Nguyện, Phó Ban Đặc trách Ni giới TW, Phó Trưởng Hệ phái Vĩnh Nghiêm, cùng chư tôn đức Tăng ni,…
          Quan khách chính quyền có sự hiện diện của ông Nguyễn Minh Kha, Phó Phòng Nội vụ Quận 10, ông Hứa Minh Phùng, CVPNV Quận 10, ông Phan Thanh Hà, Phó Chủ tịch MTTQ Quận 10, bà Trà Thị Tuyết, CVMTTQ Quận 10, bà Ngũ Yến Mỵ, Phó Phòng VHTT Quận 10, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, CVPVHTT Quận 10, ông Huỳnh Văn Phước, Chủ tịch MTTQ Phường 4, ông Lương Minh Tuấn, Phó Chủ tịch MTTQ Phường 4 cùng các ban ngành chính quyền sở tại và đông đảo Phật tử gần xa,…
          Trong diễn văn khai mạc, ĐĐ. Thích Giác Định nêu lên ý thức uống nước nhớ nguồn của người con Việt, người Phật tử, cũng như kế thừa và phát huy truyền thống của thầy Tổ. Đạo từ của Hòa thượng chứng minh đã khích lệ chư tăng Phật tử bản tự luôn nêu cao tinh thần báo tứ trọng ân của người con Phật. Sau phần niêm hương cúng dường, Ban tế cổ truyền dâng: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực cúng dường Quốc Tổ.
Giỗ Tổ Hùng Vương 2012 tại chùa Trấn Quốc, Quận 10, TP Hồ Chí Minh.
          Giỗ Quốc tổ Hùng Vương là truyền thống tốt đẹp của đất nước ta, là dịp để tôn vinh văn hóa dân tộc. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Đây còn là dịp để người Việt Nam thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao trong việc dựng nước và giữ nước.
          Từ bao đời nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – ngày lễ trọng đại của dân tộc ta đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong tâm khảm của đồng bào Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Đó là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng sâu sắc, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tông để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.
                                                                 HÀN NHUỆ CƯƠNG (Tổng hợp)

2 nhận xét:

Nguyễn Minh Huệ nói...

HÔM NAY, GIỖ TỔ...
Hôm nay, mùng 10 tháng Ba âm lịch, cả nước cùng giỗ Tổ. Tất cả các đền thờ, tổ đình thờ Vua Hùng, cả những trường học, công viên, khu du lịch,... những nơi có niềm tự hào được mang tên Hùng Vương (hoặc mang tên khác) đều tổ chức Lễ Giỗ Tổ. Dẫu chỉ là huyền sử nhưng niềm tự hào về tổ tiên con Lạc cháu Hồng, về 18 vị Vua Hùng anh minh lỗi lạc của người Việt là rất thật. Chẳng thế mà chỉ Việt Nam mới có ngày Quốc Giỗ (mùng 10 tháng Ba), ngày để hàng triệu người dân tưởng nhớ tổ tiên của mình.
Cách đây hơn 15 năm, lần đầu tiên, tôi được dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên, thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh. Lần ấy, tôi đi dự Lễ Giỗ Tổ với một cảm thức rất sinh viên: Được biết thế nào là một Lễ Giỗ Tổ và được vào Thảo Cầm Viên mà không phải mua vé. Nhưng rồi, không khí lễ hội với những nghi thức trang nghiêm, mùi trầm hương, nhang khói cùng hội trò chơi dân gian như múa sạp, ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, biểu diễn lân sư rồng,... đã tạo nên trong tôi một cảm giác khó tả, vừa vui, vừa thành kính, thay thế cho suy nghĩ vô tư ban đầu. Để rồi, suốt thời gian là sinh viên, năm nào tôi cũng đi dự Lễ Giỗ Tổ. Và đến giờ, nhóm bạn chúng tôi ngày ấy, những ai còn ở lại TP. Hồ Chí Minh, năm nào đến mùng 10 tháng Ba cũng đi dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Thảo Cầm Viên.
Thường trong mỗi gia đình, ngày giỗ ông bà là dịp quan trọng để con cháu quây quần, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là hàn huyên, thắt chặt tình ruột thịt họ hàng. Thì Lễ Giỗ Tổ cũng vậy. Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn chúng ta: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Để có được một nước Việt Nam độc lập hôm nay, công lao to lớn đầu tiên là công dựng nước của các vua Hùng. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”, tự câu ca dao ấy đã nói lên tất cả lòng trân trọng và sự biết ơn tổ tiên của người Việt Nam từ xưa đến nay.
Yêu tổ tiên mình, biết ơn những người mở cõi, dựng nước, cũng là để thấy mình phải có trách nhiệm hơn với đất nước hôm nay. Trách nhiệm ấy là sự đoàn kết, gắn bó, gìn giữ nghĩa đồng bào – nghĩa của những người con được cùng sinh ra từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ hàng ngàn năm trước, để ra sức đóng góp công sức, trí tuệ cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Nhưng giữ nước cũng còn có nghĩa là phải xây dựng đất nước trong sạch, vững mạnh. Giỗ Tổ và nghĩ về Quốc Tổ là dịp để những con dân đất Việt thêm thấu hiểu sâu sắc giá trị của độc lập, tự do và khắc ghi vào tâm khảm những hy sinh to lớn của ông cha đã dựng nước, bảo vệ và xây dựng đất nước.

NGUYÊN SƯƠNG

Võ Thị Hồng (GV) nói...

VÀI DÒNG HIẾU KÍNH

Chưa được về Đất Tổ Vua Hùng,
Trong mùa lễ hội tưng bừng hàng năm.
Chỉ nhìn hình ảnh, nhìn tranh
Mà sao ký ức dâng tràn trong tim.

Trên đài cao 18 vị Vua anh minh nhìn xuống,
Đàn cháu con đang lễ dưới sân chầu.
Người đua xem Lạc Tướng, Lạc Hầu,
Người chờ hoàng tử Lang Liêu dâng lễ.
Trong giỗ Tổ bánh chưng nhiều vô kể,
Người nườm nượp kéo về dâng hương.
"Mười tám Vua xưa đã dày công dựng nước.
Con cháu nay phải đồng lòng giữ non sông."
Mười tám Vua xưa đều mang máu Tiên Rồng,
Con cháu nay máu Lạc Hồng vẫn chảy.
Đời tiếp đời... Người người đi mở cõi,
Nay cháu con phải góp sức dựng xây.
Dân tộc anh hùng tiếp bước từ đây,
Mấy ngàn năm ta vẫn tự hào thay
Việt nam ta có nguồn cội Tiên Rồng.
Vài dòng hiếu kính ngày giỗ tổ tông,
Tôi mang dòng máu Tiên Rồng cha ông.
Hàng ngày tôi vẫn gắng công
Non sông Đất Việt trong lòng tôi ghi.

Xin chân thành cảm ơn đồng môn đã đăng tải tin tức về Đại lễ giỗ Quốc Tổ năm nay cho mọi người cùng biết. Lễ hội thật trang trọng, trong tim tôi bùng lên vài nhận xét theo trí tưởng tượng của tôi. Có gì chưa thật đúng xin cáo lỗi.