Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Hàng ngày tập đều - Bận mà khỏe vui

          Trước đây tôi bị quá nhiều bệnh, gai cột sống, thoái hóa đốt sống cổ, đau thần kinh tọa, thần kinh tim, đau bao tử, máu nhiễm mỡ, viêm họng mãn, thường hay trúng gió nặng và say tàu xe nặng mỗi khi đi đâu xa,… Bệnh khởi phát từ năm 1969, nhưng đau đến mức không đi lại được, chỉ nằm một chỗ từ năm 1993. Tôi đã điều trị đủ các thầy thuốc Đông y, Tây y, vật lý trị liệu ở Sài Gòn nhưng bệnh chỉ giảm ở trạng thái: Ngồi được nhưng không tự đứng lên được, nếu có người dìu đứng lên đi thì chỉ đi thẳng được vài bước. Bệnh tình như thế thật chán ngán.

Sau đó tôi được bạn bè giới thiệu đi học môn Khí công Thái cực quyền. Thầy hướng dẫn từng chi tiết nhỏ như: Tay vịn cửa sổ nâng một bàn chân lên khỏi mặt đất rồi hạ từ từ xuống theo nhịp hít thở. Một tháng sau chân tôi mềm ra và tự mình điều chỉnh đi lại được. Tiếp theo thầy hướng dẫn tôi các bước đi cơ bản để nhập môn Thái cực quyền. Sau 3 tháng tập luyện tôi đã đi được bài “Thái cực quyền giản hóa 24 thức” và bài “Thái cực kiếm 32 thức”. Về Vũng Tàu, bạn bè ai cũng ngạc nhiên và rủ nhau đến nhà tôi cùng tập. Kết quả rèn luyện Khí công Thái cực quyền làm các cơ bắp rắn, khỏe, mềm dẻo,… nhưng các bệnh chuyển rất ít, riêng say tàu xe và trúng gió thì vẫn không giảm chút nào.
Năm 2006 tôi được biết đến bộ môn Thiền Trường Sinh học tại TP Vũng Tàu. Thực ra tôi không hiểu một tý gì về Thiền, thậm chí đôi lúc còn nghĩ là mê tín dị đoan. Sau khi lên lớp học được chú Bảy Hạnh hướng dẫn lý thuyết và mở Luân xa, tôi vẫn còn mơ hồ lắm. Mỗi khi ngồi tập cả cô thể cứ xoay đảo như người xay lúa, đau chân đến cùng cực, ngồi được 15 phút là lưng đau, chân đau, đau tất cả. Mỗi lần ngồi tập là cái đau ập tới, tôi cứ tưởng như ung nhọt sắp vỡ, đầu gối đau như ai cầm dùi nhọn chọc vào, hai bên mông cứ thốn lên như ngồi trên bàn chông. Tôi phải lấy hình ảnh các chiến sỹ trong “chuồng cọp” ở Côn Đảo để tự răn mình và lấy bài thơ “Con cá chột nưa” của Tố Hữu để luyện chí. Nếu bỏ cuộc là mình thua bệnh tật – Nghĩ vậy, tôi cố gắng và dần dần ngồi được 30 phút, 40 phút, 50 phút. Thời gian này tôi được chú Bảy Hạnh, chú Hai An, chú Hai Trinh, chú Chín Sửu,… thường xuyên tư vấn, giúp đỡ, phụ bệnh nên tôi vững tin để tập luyện. Lúc này tôi không còn trúng gió và đã hết sốt vì viêm họng.
Sau hơn ba tháng tập luyện tôi được gọi đi học lớp Âm Dương ở Dầu Tiếng, Bình Dương. Tôi mừng vì có dịp được học hỏi thêm nhưng lại lo vì không ngồi được 60 phút để thử lực. Trên đường đi và về tôi bị say xe nặng, mỗi lần lên xe cảm giác say ập đến làm tôi rất sợ. Về nhà tôi quyết tâm ngồi tập theo kiểu kiết già và vươn lên trên 60 phút mỗi lần. Nhờ cách ngồi này mà cánh tay tôi vốn đau nặng nâng lên đặt xuống rất khó khăn (do thoái hóa đốt sống cổ) chỉ một thời gian ngắn sau đã khỏi hẳn.
Sân tập Dưỡng sinh Thái cực quyền của tôi vẫn duy trì với 22 người đủ các loại bệnh. Nếu ai bị đau ở ngoài sân, tôi phụ bệnh cho là hết, đứng dậy lại bắt đầu vào tập. Cả 22 người này đều được học qua lớp Nâng cao Bậc II Trường Sinh học. Họ thấy có kết quả nên rất hăng say tập luyện cả hai bộ môn Thái cực quyền và Trường Sinh học Năng lượng.
Tôi nhận phụ bệnh cho một cô gái mắc chứng bệnh khá nan giải. Bệnh viện kết luận cô ấy bị khối u tuyến Tùng và tuyến Yên, kinh nguyệt kéo dài triền miên và sữa tiết ra liên tục, kém ăn, mất ngủ, sợ gió lạnh,… Sau 20 ngày cô ấy tự tập luyện có sự giúp đỡ phụ bệnh thì kinh nguyệt đã dần trở về chu kỳ (tuy chưa được đều lắm), không còn tự tiết sữa nữa, không cần mặc áo lạnh 24/24 như trước.
Đang lúc giúp mấy ca bệnh nan giải thì tôi được gọi đi học Cấp III ở Phù Cát, Bình Định. Tôi lo lắm, lo đi đường say xe như lần trước thì chắc không trụ nổi suốt chặng đường dài. Nhưng lạ thay, cả lúc đi lẫn khi về tôi đều khỏe, không hề say xe, ăn ngủ trên xe bình thường suốt chặng đường từ Vũng Tàu đi Bình Định hơn 800 cây số làm ai cũng ngạc nhiên. Tôi mừng quá, tôi đã hết bị trúng gió và hết say tàu xe rồi. Các bệnh: đau bao tử, máu nhiễm mỡ, đau răng, đau lưng nay cũng không thấy đau trở lại nữa. Riêng bệnh viêm họng mới thật ly kỳ, bệnh “xổ” ra hai lần thì cả hai lần đều khạc ra máu rất đáng sợ. Những lúc như vậy tôi vẫn yên tâm tập luyện, tôi đã tin tưởng ở bộ môn này rồi nên cứ chịu khó ngồi Thiền thay cho việc dùng thuốc nên bệnh tự hết. Hiện nay sức khỏe tôi rất tốt, mỗi ngày 2 cữ ngồi Thiền, tối thiểu mỗi cữ cũng ngồi được trên 60 phút và hàng ngày tôi vẫn cùng bạn bè ra sân tập Thái cực quyền 2 buổi sớm tối. Thời gian tập luyện, phụ bệnh, đến lớp và làm việc nhà hàng ngày đều đã kín hết – Bận nhưng mà khỏe, vui.

Từ một bệnh nhân nằm liệt giường, bây giờ bà Cự đang múa võ như thế này
          Bây giờ tôi mới cảm nhận được những điều thầy dạy là đúng: “Ăn ít, ngủ ít, nói ít và Tâm rộng mở, để có một Tâm lực lớn giúp ích cho mọi người”. Câu nói đó đang ăn sâu vào tâm thức của tôi, khiến tôi càng phải cố gắng tập luyện nhiều hơn. Tôi tâm đắc:
                    Vui thú dưỡng sinh của đạo tiên
                    Ngày ngày luyện tập cứ triền miên
                    Luyện công thông huyết tăng sinh khí
                    Liễm thâu sức khỏe sống bình yên.
Nếu bộ môn Năng lượng Trường Sinh học và bộ môn Thái cực quyền kết hợp hài hòa thì thật tuyệt vời cho cả Tâm lẫn Thân. Đó là kinh nghiệm bản thân mà tôi đã và đang thực hiện cho 2 sân tập “Tự nguyện” ở Phường 9, Thành phố Vũng Tàu.

       Môn sinh LÊ THỊ KIM CỰ  (Sinh năm 1941)
Cựu giáo chức, Số nhà J19, Đại An, Phường 9, Thành phố Vũng Tàu.

4 nhận xét:

Tân Môn Sinh nói...

MỤC ĐÍCH TẬP LUYỆN LÀ RÈN TÂM – TRÍ – ĐỨC

Là một giáo viên về nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu lại bị thoái hóa khớp nên nhiều lúc tôi không đi lại được, nghĩ cũng khổ. Sau khi tập luyện môn dưỡng sinh Trường Sinh học được 6 tháng thì bệnh tình có chuyển biến rõ rệt, giảm đau nhiều, đi lại được và có thể kết hợp tập đi bộ, thể dục dưỡng sinh. Thỉnh thoảng thời tiết thay đổi cũng còn đau nhức nhưng đỡ đau hơn trước nhiều.
Tôi đã đọc nhiều tài liệu và sách nói về Trường Sinh học và cũng trải qua một số kinh nghiệm quý. Tôi dự học ở Huế một số buổi theo trường phái Nhân Điện của GS Lương Minh Đáng và lại dự học một số buổi của một lớp hướng dẫn ở Hà Nội theo môn phái ông Nguyễn Văn Chiều. Sau đó tôi học hơn một tuần lễ ở Bình Định, chỗ cô Thu theo Trường Sinh học môn phái Đasira Narada vào tháng 02 năm 2011. Tuy mỗi nơi giảng giải có khác nhau nhưng nhìn chung khi thực hành đều giống nhau ở mục đích tập luyện là rèn Tâm – Trí – Đức để tiêu trừ bệnh tật, nâng cao sức khỏe mà không cần dùng thuốc. Trường Sinh học có cái hay là không những tự điều trị bệnh cho chính bản thân mà còn giúp người khác giải quyết được một số bệnh rất hiệu quả, gần nhất là giúp cho con cháu trong nhà và làng xóm.
Tôi đề nghị Câu lạc bộ Trường Sinh học nên có những đề xuất với cơ quan có thẩm quyền có chính sách để phát triển rộng rãi môn học này thì rất có lợi cho dân. Hiện nay có nơi vẫn còn tình trạng cấm đoán, hạn chế môn học đầy ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thiết thực này thì thật đáng tiếc.

Môn sinh TRẦN XUÂN DƯƠNG (Sinh năm 1934)
Cựu giáo chức, thôn Đạm Thủy 2, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. ĐT: 01684863693.

Hoàng Tiến Nhẫn nói...

XEN LẪN MÔN NÀY VỚI MÔN KHÁC – NÊN CHĂNG

Thực tập môn Trường Sinh học cần phải kiên trì, liên tục và không gián đoạn, nếu thực tập đủ và đúng cách chắc chắn quý vị sẽ nhận được kết quả. Kết quả đạt được lớn hay nhỏ tùy thuộc vào mức độ chuyên cần, nỗ lực và khả năng vốn có của từng người. Kết quả mong muốn còn phụ thuộc vào mục đích thực tập. Khi mục đích thực tập càng to lớn thì càng cần thời gian và sự cố gắng thật nhiều mới đạt được kết quả.
Trước khi thực hành tập luyện, cần tìm hiểu rõ ràng phương pháp hành trì để khỏi vướng mắc những hiểu lầm và sai lạc. Đừng bao giờ xen lẫn pháp môn Thiền này với pháp môn Thiền khác, vì như vậy là tối kỵ và rất khó đạt được kết quả. Đã hành tập luyện thì phải kiên trì, ngày nào cũng ngồi tập và tốt hơn cả là ngồi đúng thời điểm đã chọn. Dầu đau ốm sơ sơ cũng phải ngồi tập. Cần nhất là kiên trì. Kiên trì là mẹ của thành công.
Trong kho tàng dân gian Việt Nam có câu chuyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường” kể ra cũng được một bài học quý.

Nguyễn Minh Huệ nói...

THIỀN LÀ ĐỈNH CAO CỦA LIỆU PHÁP CHỈNH THỂ

Chừng nào mà sự hài hòa còn chưa đạt được hoặc sức miễn dịch chưa được cải thiện thì sự cứu chữa chỉ là cục bộ hoặc tạm thời và sự biến mất của một triệu chứng sẽ có thể gây ra một triệu chứng khác ở một tổ chức khác. Do đó, với ý nghĩa hòa hợp hay hợp nhất giữa các tổ chức trong cơ thể, hợp nhất giữa Thân và Tâm, và cuối cùng là giữa con người và vũ trụ, Thiền là đỉnh cao của liệu pháp chỉnh thể và cũng là chỗ gặp nhau giữa y học và các nền học thuật khác của phương Đông. Giống như những nhà khí công, những người hành trì Thiền lâu năm có định lực cao, trình độ khí hóa được nâng lên, có thể dùng năng lực Thiền để hóa giải bệnh tật hoặc chữa bệnh cho người khác. Về mặt thần kinh, thông qua quá trình thư giãn và nội quán, Thiền duy trì trạng thái yên tĩnh của đại não, có thể điều hòa thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh và tự hoàn thiện vốn có của hệ thần kinh trung ương. Đây cũng là một cơ chế mang tính chỉnh thể vì sự hài hòa và hoàn thiện của hệ thần kinh sẽ tác động trở lại để điều hòa hoạt động nội tiết, nội tạng, tái lập tình trạng khí hóa bình thường để phục hồi sức khỏe. Cũng vì lý do này, những liệu pháp thư giãn & Thiền không chỉ có hiệu quả trên những bệnh tâm thể mà còn thông qua việc nâng cao sức miễn dịch và cải thiện lưu thông khí huyết để phục hồi dần những cơ quan đã bị tổn thương.

Nguyễn Minh Huệ nói...

Tam thiên thế giới tam thiên Phật,
Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật Tiên.