Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Tôi trị ung thư nhũ hoa như thế nào

          Nữ Giáo sư Jane Plant là một nhà khoa học nổi tiếng của Anh. Bà bị bệnh ung thư nhũ hoa từ năm 1987. Thông thường, một bệnh nhân ung thư khó sống được khi bệnh đã tái phát đến lần thứ hai. Tuy nhiên, nhờ kiến thức khoa học sẵn có cùng với sự điều trị và chăm sóc nhiệt tình của các nhà chuyên môn thượng thặng, bà đã kéo dài được mạng sống. Dầu vậy, bệnh của bà tái phát đến năm lần, rồi cuối cùng đã lan đến hệ thống bạch huyết trong cơ thể. Trước tình trạng nguy ngập này, bà vẫn không chịu bó tay chờ chết mà cương quyết tự chữa bệnh bằng cách ăn uống có phương pháp hợp lý. Cuối cùng bà đã lành bệnh. Bà đã cho xuất bản quyển sách Your Life in Your Hands (Mạng sống trong tay của bạn), kể lại những kinh nghiệm cá nhân bà đã trải qua để quảng bá cho tất cả mọi người. Nhận thấy đây là một tài liệu rất hữu ích (nhất là chị em phụ nữ) nên chúng tôi xin trích dẫn một đoạn trong quyển sách này để cống hiến quý vị tham khảo.
Sau khi bệnh ung thư nhũ hoa của tôi tái phát đến lần thứ năm, tôi nghĩ tôi sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải chết hoặc cố gắng tìm một phương pháp khác để tự chữa cho mình. Tôi là một nhà khoa học, dĩ nhiên tôi đã biết chứng bệnh quái ác này hiện nay đã cướp mất mạng sống của một trong số 12 người phụ nữ mỗi ngày tại Anh và Úc. Tôi đã cam lòng chịu giải phẫu, cắt mất đi một bên vú và đã được chữa trị bằng quang tuyến liệu pháp. Tôi cũng đang được trị liệu bằng chemotherapy và được chăm sóc bởi những bác sỹ chuyên khoa tài giỏi. Nhưng cuối cùng tôi cũng chắc chắn sẽ phải chết mà thôi.
Tôi đã có chồng, sở hữu một ngôi nhà xinh đẹp và có hai đứa con ngoan ngoãn dễ thương mà tôi rất yêu quý. Tôi mong muốn được sống còn. May thay, niềm khao khát mãnh liệt đó đã giúp tôi có thêm nghị lực khám phá được rất nhiều sự kiện mới mẻ mà hiện thời một số nhà khoa học khác cũng đã có chung một số hiểu biết như tôi. 
Những người có liên hệ đến bệnh ung thư nhũ hoa hẳn đều biết những trường hợp nguy hiểm khác cũng sẽ xảy ra cho chính bản thân người bệnh. Đó là sự già nua đến sớm; sắc đẹp chóng tàn; tuổi tắt kinh đến muộn,v.v,… tất cả đều ở ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo tôi những trường hợp nguy hiểm vừa kể có thể khống chế dễ dàng. Đó là chúng ta phải có nghị lực cương quyết thay đổi hoàn toàn một vài nếp sống mà nhất là thói quen ăn uống hàng ngày. Điều mà tôi muốn khẳng định cùng quý vị là bệnh ung thư nhũ hoa có thể chữa được vì chính tôi là một bệnh nhân đã sống qua cơn nguy hiểm và sẽ kể cho quý vị biết nhũng kinh nghiệm hữu ích đó.
Khi tôi bắt đầu bị bệnh và đang điều trị bằng chemotherapy thì chồng tôi là Peter, cũng là một nhà khoa học làm việc tại Trung Quốc đã trở về. Anh có đem về một số tài liệu và một số thuốc nhét (suppositories) bằng thảo dược, nghe nói là hay lắm. Chồng tôi mô tả đây là loại thuốc trị bệnh ung thư nhũ hoa công hiệu tuyệt vời tại Trung Quốc. Mặc dầu bệnh tình của tôi lúc bấy giờ thật đáng ngại, nhưng cả hai chúng tôi không khỏi phì cười. Tôi bảo, nếu quả thật đây là một loại thuốc công hiệu thì chắc tại Trung Hoa sẽ rất hiếm thấy phụ nữ bị bệnh ung thư nhũ hoa. Mà thật vậy! Theo thống kê của các nhà khoa học thì tại khắp lãnh thổ Trung Quốc hiếm thấy phụ nữ mắc bệnh ung thư nhũ hoa. Trung bình thì cứ mười ngàn phụ nữ mới có một người mắc phải chứng bệnh quái ác này.
Trong khi ở Hoa Kỳ và các nước Tây phương thì trung bình cứ 12 phụ nữ lại có một người mắc bệnh ung thư nhũ hoa. Sự kiện không phải vì dân chúng Trung Hoa sinh sống trong vùng nông thôn nhiều hơn nên không bị nạn ô nhiễm môi trường các loại như dân chúng trong thành phố. Bằng chứng tại Hồng Kông, một đô thị có mật độ dân cư đông đảo và cũng học đòi theo nếp sống Tây phương, nhưng cứ mười ngàn phụ nữ mới có 34 người chết vì bệnh ung thư nhũ hoa. Tỷ số này vẫn còn thắng xa Hoa Kỳ và các nước Tây phương nhiều lắm. 
Dân chúng Nhật Bản tại hai thành phố Hiroshima và Nagazaki cũng có tử suất tương tự. Vì hai thành phố này bị nhiễm phóng xạ nguyên tử do Hoa Kỳ ném xuống từ thời Chiến tranh thế giới thứ II. Liên quan đến dân cư trong thành phố mắc bệnh ung thư cao, người ta cũng quan tâm đến sự quan hệ giữa phóng xạ tuyến nguyên tử và mầm mống gây ra bệnh ung thư như thế nào. Song, thống kê cho thấy nếu phụ nữ Tây phương mà di cư đến hai thành phố nhiễm nhiều phóng xạ nguyên tử ở Nhật Bản nói trên thì xác suất bị bệnh ung thư nhũ hoa lại càng cao hơn dân chúng địa phương. 
Thật rõ ràng, không phải chỉ có môi trường chung quanh ảnh hưởng đến nguyên nhân gây ra bệnh ung thư các loại, mà chính yếu là nếp sống cá nhân và thói quen ăn uống. Tôi cũng còn khám phá biết thêm sự cách biệt quá xa về tỷ số mắc bệnh ung thư nhũ hoa giữa dân chúng Tây phương và Đông phương không phải do nguyên nhân của sự di truyền huyết thống. Các chuyên gia nghiên cứu khoa học đã chứng minh cho thấy dân Trung Hoa và Nhật Bản di cư sang các nước Tây phương, chỉ một hoặc hai thế hệ sau là sẽ có tỷ số mắc bệnh ung thư ngang hàng với dân chúng bản địa. 
Sự kiện này cũng đã xảy ra tại Hồng Kông, là người Trung Hoa nào bắt chước theo nếp sống y hệt như người Tây phương thì cũng sẽ có nguy cơ bị các chứng bệnh nguy hiểm tương tự. Vì vậy, người Tàu có một câu ngạn ngữ dí dỏm gọi bệnh ung thư nhũ hoa là "chứng bệnh của những phụ nữ giàu có". Lý do vì ở Trung Quốc chỉ có những người giàu có mới bắt chước theo lối ăn uống của người Tây phương mà thôi. Phần đông người Trung Hoa gọi các thức ăn có nhiều chất béo động vật như sữa và các sản phẩm của sữa như bơ, phó-mát, sô-cô-la,v.v,… là "đồ ăn Hồng Kông". Vì đó là thứ thức ăn đồ uống du nhập từ Anh vào lãnh địa này từ thuở xa xưa mà trong quá khứ rất hiếm và quý tại lục địa Trung Quốc. 
Do những dẫn chứng trên đây, tôi nghĩ và cũng để ý thấy bệnh ung thư nhũ hoa xảy ra cho chính cá nhân tôi cũng thường thấy xảy ra trong giới phụ nữ trung lưu và giàu có tại các xứ Tây phương. Qua nghiên cứu, tôi cũng đã biết được đa số những người đàn ông bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng ở trong trường hợp tương tự như vậy. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ số những người đàn ông tại Trung Quốc mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt không đáng kể. Trung bình trong một triệu người chỉ có 5 người mắc phải bệnh này mà thôi. Tại các nước Tây phương, tỷ số này cao hơn gấp 70 lần ở Trung Quốc và cũng phần đông xảy ra trong giới đàn ông trung lưu, giàu có. Tôi cũng nhớ là tôi đã từng hỏi chồng tôi, rằng tại sao người Trung Hoa sinh sống như thế nào mà phụ nữ ít bị bệnh ung thư nhũ hoa vậy? 
Nhân cơ hội này, chúng tôi đã tra cứu các thống kê cập nhật của các nhà khoa học và cuối cùng đã tìm ra được giải đáp là người Tây phương đã ăn rất nhiều chất béo. Các nghiên cứu cho thấy trong thập niên 1980, trung bình người Trung Hoa tiêu thụ 14 phần trăm calories lấy từ chất béo, so với 36% của người Tây phương. Tuy nhiên, trước khi tôi bị bệnh ung thư nhũ hoa, tôi cũng đã ăn rất ít chất béo nhưng nhiều chất xơ. Vả lại, tôi được biết đối với cơ thể của người lớn, hấp thụ nhiều chất béo chưa hẳn đã gia tăng nguy cơ bị bệnh ung thư nhũ hoa của phụ nữ, dựa theo các báo cáo trong quá trình nghiên cứu 12 năm qua. 
Một hôm, khi cùng làm việc với chồng tôi, tôi sực nhớ không biết một trong hai chúng tôi trước đây ai đã có lần bảo là người Trung Hoa ít dùng sữa và các sản phẩm của sữa. Thật khó giải thích, vì đây không phải là một sự kiện được nghiên cứu bằng khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế người Trung Hoa ít uống sữa và cơ thể của họ cũng khó chấp nhận tiêu hóa sữa. Tôi nhớ, có một thời gian đã cùng làm việc nghiên cứu với một khoa học gia là người Trung Quốc. Vị này bảo rằng: Sữa chỉ dành cho trẻ con dùng, cho nên cô rất nhã nhặn từ chối các bữa ăn trưa nào có thực phẩm bơ sữa do tôi mời. Theo thói quen của người Trung Hoa, trẻ con cũng không được nuôi lớn bằng sữa bò mà chỉ cho bú bằng sữa mẹ. Nếu vì sự bất tiện nào đó mà người mẹ không cho con bú được, có thể thuê mướn một bà vú để phụ trách công việc này. 
Theo truyền thống văn hóa, người Trung Hoa có thành kiến xem việc người Tây phương tiêu thụ sữa và các sản phẩm phụ từ sữa rất kỳ lạ. Tôi còn nhớ trong một buổi khoản đãi phái đoàn các nhà khoa học Trung Quốc vào cuối thập niên 1980. Theo sắp xếp của phòng ngoại vụ, sau bữa ăn chúng tôi đã mời họ dùng tráng miệng bằng kem. Họ hỏi thức ăn này được chế biến bằng gì và cuối cùng đã lịch sự từ chối vì nó được làm bằng sữa. Trong khi chúng tôi rất thích món khoái khẩu này.
Sữa (thông thường là sữa bò), theo nghiên cứu của tôi là loại thực phẩm có nguyên nhân gây ra các loại dị ứng nhiều nhất. Hơn 70 phần trăm dân số trên thế giới không tiêu thụ được sữa vì tạng phủ của họ không tiêu hóa được đường lactose. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đây là trạng thái bình thường của những người lớn chứ không phải là sự yếu kém nào đó của cơ thể. Phải chăng loài người đã dùng sai loại thực phẩm không phù hợp với bản chất thiên nhiên. 
Trước khi tôi bị bệnh ung thư nhũ hoa, tôi đã dùng rất nhiều sữa ít chất béo (skim milk), phó-mát và sữa chua (yogurt). Tôi đã coi những thứ đó như là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào. Tôi cũng đã ăn thịt bò nạc để bồi dưỡng. Sau khi bệnh tái phát lần thứ năm và trong thời kỳ điều trị bằng chemotherapy, tôi lại ăn sữa chua được biến chế bằng nguyên liệu hữu cơ để giúp cho bộ máy tiêu hóa được khỏe mạnh bằng cách tăng thêm những vi khuẩn hữu ích cần thiết. 
Tuy nhiên, theo nghiên cứu hồi năm 1989, Bác sĩ Daniel Cramer thuộc trường Đại học Harvard ở Hoa Kỳ đã theo dõi và ghi chú hồ sơ của rất nhiều phụ nữ liên hệ đầy đủ từ chi tiết ăn uống của họ. Kết quả cho thấy sữa chua cũng có ảnh hưởng đến nguyên nhân gây ra các chứng bệnh ung thư noãn sào của nữ giới. Sau đó, chồng tôi và tôi đã dựa theo thói quen ăn uống của người Trung Hoa, đã từ bỏ sữa bò và tất cả những sản phẩm nào có liên quan đến sữa, kể cả bánh ngọt và súp có thành phần chế biến bằng sữa ở trong đó. Mỗi lần đến siêu thị mua thức ăn, tôi là người đọc rất cẩn thận công thức. Sau khi bệnh tái phát lần này, tôi cương quyết theo dõi kết quả một cách chặt chẽ. 
Các bác sỹ và y tá khuyên tôi nên ăn uống bình thường gồm thịt, cá, trứng và sữa trở lại như xưa để bồi bổ. Nhưng tôi khước từ và tự mình chủ động theo dõi kết quả của sự chữa trị có hữu hiệu hay không? Thế rồi sau một loạt trị liệu bằng chemotherapy lần nữa, tôi hoàn toàn chả thấy có tiến bộ gì. Cục bướu vẫn còn y nguyên hình dáng và kích thước như cũ. Sau khi tôi từ bỏ sữa và các loại sản phẩm có sữa độ vài hôm thì cục u bắt đầu teo dần. Một tuần lễ sau, cục bướu ở cổ bắt đầu ngứa, sau đó nó mềm dần và thu nhỏ hình dạng lại. Trên đồ thị theo dõi, lằn ghi chú có chiều hướng đi xuống và cuối cùng nó xuống sát lằn ngang ở phía dưới (tức là 0 độ). 
Một buổi chiều thứ Bảy, sáu tuần lễ sau khi tôi bỏ luôn tất cả thành phần của sữa trong thực đơn của tôi, nghĩa là không còn dính dáng gì tới thức ăn có nguồn gốc động vật, tôi đã ngồi Thiền mỗi lần được một tiếng đồng hồ và sau đó kiểm tra lại cục bướu thì nó đã hoàn toàn biến mất. Tôi là người đã tự theo dõi sự diễn tiến bệnh trạng của mình từ đầu tới cuối. Giờ phút này không có sự vui mừng nào bằng. Tôi vội xuống lầu và nhờ chồng tôi kiểm tra cẩn thận lần nữa. Kết quả anh cũng chẳng tìm thấy gì. 
Thứ Năm tuần lễ sau đó, tôi trở lại phòng mạch của vị bác sỹ chuyên khoa để tái khám. Ông đã vô cùng sửng sốt và vui mừng bảo rằng: "Tôi không còn tìm thấy dấu vết nào của bệnh ung thư trong cơ thể của bà nữa cả !"

Trần Anh Kiệt.            Nguồn: Sưu tầm.

6 nhận xét:

Duy Hùng nói...

Chẳng may bị ung thư vú là một bất hạnh nhưng không phải là một bản án tử hình khó tránh. Mặc dù bệnh có thể gây tử vong cho một số người hoặc đưa đến những xúc động tâm lý xã hội sâu đậm, ảnh hưởng tới vai trò của người phụ nữ, nhưng ung thư vú có thể trị dứt nếu khám phá ra sớm. Rất nhiều tỷ muội bị ung thư được điều trị tức thì đều vui sống yêu đời cả mấy chục năm với chồng con mà không bị tái phát. Cho nên tích cực trong đời sống hàng ngày, hiểu biết về các bệnh để phòng ngừa, áp dụng vài phương pháp tự khám, xét nghiệm là quý tỷ muội đã tránh được nguy cơ nan bệnh. Các cụ ta vẫn nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là vậy.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Người Đồng Môn nói...

UNG THƯ VÚ VÀ NHỮNG TRIỆU CHỨNG CẦN BIẾT

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất, đã vượt qua ung thư cổ tử cung, trở thành loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới, đang trở nên phổ biến tại các nước đang phát triển.
Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, các tế bào ung thư có thể di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể và dẫn tới tử vong.
Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh ung thư vú. Theo Hội Liên hiệp Kiểm soát Ung thư Quốc tế thì tỷ lệ ung thư vú ở đàn ông ít hơn 100 lần so với phụ nữ.
Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra các nguyên nhân chủ yếu làm tăng nguy cơ mắc bệnh này là: tiền sử gia đình bị ung thư vú; người thân đời thứ nhất (mẹ, chị em gái, con gái) có mắc bệnh ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 4 lần có vài xáo trộn của tuyến vú; sự đột biến của một số gene; chịu tác động lâu dài của oestrogen (phụ nữ có kinh trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi); dùng thuốc nội tiết trong thời gian dài; bản thân có ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung; không sinh con hoặc có con đầu lòng sau 30 tuổi; không cho con bú mẹ; tiểu đường sau mãn kinh; hút thuốc lá và uống rượu; ăn nhiều thịt, chất béo; cơ địa béo phì…
Muốn phát hiện sớm, khi khối u còn nhỏ độ 4 – 5mm, chỉ có một cách làm tự nhiên là tự khám ngực mình hàng tháng. Nếu phụ nữ có kinh nguyệt thì khám vào ngày sạch kinh.
Cách tự khám vú như sau: Đứng trước gương, hai tay xuôi theo người nhìn xem ngực có sự thay đổi về hình dạng và kích thước không. Sau đó, một tay chống vào hông tay kia vặn và siết đầu vú xem có dấu hiệu rỉ dịch hay chảy máu không. Bạn có thể nằm ngửa, tay trái đưa ra sau gáy, dùng các ngón tay phải ép sát tuyến vú vào thành sườn, đẩy lên xuống để tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường (lập lại bước này với vú phải). Sau cùng, dùng phần mềm đầu ngón tay tìm kiếm hạch ở hõm nách. Thời gian tự khám vú tốt nhất là sau khi sạch kinh nguyệt 5 ngày. Nói chung tự theo dõi và khám sức khỏe định kỳ là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất. Từ 20 tuổi trở lên, phụ nữ nên tự khám vú định kỳ mỗi tháng một lần và đến bác sĩ chuyên khoa khám vú mỗi năm một lần.
Khi thấy khối u hay bất cứ sự thay đổi nào của vú, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Người Đồng Môn nói...

TRIỆU CHỨNG CHO THẤY RẤT CÓ THẾ BẠN ĐÃ MẮC BỆNH.

Rỉ dịch từ núm vú: Nó là bình thường đối với phụ nữ khi mà vú được vuốt ve hoặc tắm bằng nước ấm hoặc sữa non đối với các trường hợp mẹ cho con bú. Nhưng nó sẽ là nguy hiểm nếu vú có tiết dịch như chảy mủ, dịch máu hoặc dịch vàng chanh.
Khối bướu dày lên trong vú: Đa phần ung thư vú được chính người bệnh phát hiện, khi họ nhận thấy một sự thay đổi ở tuyến vú. Thường gặp nhất là một khối bướu hay một chỗ dày cứng lên không đau ở vú.
Sưng hoặc đau ở nách: Trong nhiều trường hợp bệnh nhân thường có hạch nách cùng bên, hạch có thể có các mức độ tổn thương từ mềm đến cứng hoặc xâm nhiễm dính vào xung quanh tuỳ theo mức độ tiến triển bệnh.
Đau những vùng trên vú
Thay đổi hình dạng vú: Núm vú bị lún, lõm vào. Vú có thể to ra hoặc thay đổi hình dáng.
Màu sắc da trên vú thay đổi: Da tróc vảy, màu đỏ hoặc nhăn nhúm, hoặc xù xì.

Người Đồng Môn nói...

CẢNH BÁO CÁC DẤU HIỆU UNG THƯ VÚ:

+ Một khối u, bướu xuất hiện trên vú.
+ Sự gia tăng bất thường kích thước vú.
+ Những vết gấp, sần sùi trên vú, thấy rõ khi nhìn nghiêng hoặc chống tay.
+ Một vú thấp hơn so với vú kia.
+ Thấy sưng bắp tay.
+ Núm vú bị lõm vào.
+ Da trên núm vú đổi màu.
+ Xuất hiện các hạch bạch huyết.

Phượng Uyên – (Theo Women24)

Tân Môn Sinh nói...

5 CÁCH GIÚP GIẢM UNG THƯ VÚ

Ung thư vú là nỗi ám ảnh của không ít chị em phụ nữ. Sau đây là một số cách đơn giản giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này được trang tin huffingtonpost.com dẫn nguồn từ các chuyên gia Mỹ.
1. Hạn chế dùng thức uống có chất cồn
Rượu, cho dù với số lượng nhỏ, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Hầu hết các bác sĩ đều khuyên nên cắt giảm rượu vang, bia và rượu mạnh.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên hệ lớn giữa uống rượu và ung thư vú.
2. Tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần
Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với tần suất 3 lần/tuần. Đi bộ cũng tốt nhưng thường những bài tập thể dục cần nhiều sức lực hơn như chạy bộ, bơi lội… có tác dụng giảm nguy cơ ung thư hơn và tốt cho sức khỏe tim của bạn. Gần đây nhiều người tập Dưỡng sinh Trường Sinh học đã phòng ngừa và chữa trị tốt đối với những trường hợp có khối u trong ngực, kể cả ung thư vú.
3. Duy trì trọng lượng cơ thể, hoặc giảm cân nếu bạn thừa cân
Nghiên cứu cho thấy, thừa cân hoặc béo phì (đặc biệt là nếu bạn đang qua thời kỳ mãn kinh) làm tăng nguy cơ bị ung thư. Theo trang tin huffingtonpost.com (Mỹ), nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Texas (Mỹ) cho thấy, phụ nữ béo phì và thừa cân có tỷ lệ sống sót từ căn bệnh ung thư vú thấp hơn so với nhóm phụ nữ có cân nặng bình thường, hoặc thiếu cân.
4. Tự kiểm tra vú hằng tháng
Hãy tự kiểm tra vú mỗi tháng theo các hướng dẫn từ bác sĩ chuyên môn để sớm phát hiện những thay đổi đáng ngờ ở vú.
5. Chụp hình vú bằng quang tuyến một lần/năm sau tuổi 40
Phát hiện sớm khối u ở vú giúp tăng đáng kể cơ hội sống sót. Do đó, bạn nên truy tìm ung thư qua chụp hình vú bằng quang tuyến (mammography) mỗi năm một lần sau độ tuổi 40.

Theo Huỳnh Thiềm – Nguồn: Báo Thanh Niên

Nguyễn Minh Huệ nói...

RA MẮT CÂU LẠC BỘ BỆNH NHÂN UNG THƯ VÚ

Tại Việt Nam, ung thư vú là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư ở phụ nữ. Tại Hà Nội tỷ lệ mắc là 24,6 người trên 100.000 dân và ở Thành phố Hồ Chí Minh con số này là khoảng 14,6. Thông tin này được Bác sỹ Nguyễn Diệu Linh (Bệnh viện K) cho biết tại buổi ra mắt “Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú” tại Bệnh viện K (Hà Nội) ngày 04/4/2012 vừa qua.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, ung thư vú không chỉ là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, mà xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo số liệu của tổ chức ung thư quốc tế, mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu phụ nữ được chẩn đoán là ung thư vú, chiếm 10% các bệnh ung thư và chiếm 23% các bệnh ung thư của phụ nữ. Trong số hơn 410.000 trường hợp tử vong mỗi năm, nguyên nhân do ung thư vú chiếm khoảng 14% các nguyên nhân ung thư ở nữ và chiếm 1,6% các nguyên nhân tử vong ở nữ trên toàn thế giới.
“Tại Việt Nam, ung thư vú đứng hàng thứ nhất trong các loại ung thư phụ nữ dễ mắc. Trong khi đó, việc phát hiện sớm bệnh và chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này là rất cao nếu mỗi người có kiến thức về bệnh ung thư vú” – GS Bá Đức nói.
“Câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú” ra đời nhằm tập hợp những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa ung thư, và tất cả những ai quan tâm đến căn bệnh này cùng chia sẻ kiến thức và giúp đỡ lẫn nhau. Ví như với một bệnh nhân đang cần điều trị ung thư vú nếu tham gia câu lạc bộ, họ sẽ được các thành viên trong câu lạc bộ chia sẻ, giải thích cặn kẽ để có thể đối mặt với các triệu chứng trong quá trình điều trị. Sau khi căn bệnh đã thoái lui, làm thế nào để quay lại với đời sống bình thường? Cần tái khám như thế nào?,...
BS Diệu Linh cho biết, để tham gia câu lạc bộ ung thư vú, mọi người có thể đăng ký qua địa chỉ email clbungthuvu@gmail.com để được hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, CLB sẽ sinh hoạt mỗi tháng một lần vào 9 giờ sáng ngày thứ Bảy tuần thứ tư hàng tháng tại Bệnh viện K. Mỗi buổi sinh hoạt, mọi thắc mắc của các thành viên xung quanh căn bệnh này sẽ được các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành về ung thư giải đáp kỹ càng.