Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Em hơi lo lắng, xin được hướng dẫn

          Chào các anh chị trong Câu lạc bộ Trường Sinh học Dưỡng sinh!
          Em và mẹ em mới vừa hoàn thành lớp Cấp I+II trong 6 ngày tại Phù Cát, Bình Định do cô Thu hướng dẫn. Sau lớp học này em về nhà tự luyện tập và có nảy sinh một số thắc mắc, rất mong quý anh chị có kinh nghiệm chỉ dẫn cho em, để có thể tập luyện phát triển tốt hơn trong môn học mới mẻ này.
1. Ngày đầu tiên khi về tới nhà là em bị cảm sổ mũi, ho và mệt trong người – dấu hiệu của bệnh cảm cúm mà trước đây em hay bị. Trước khi học, em hay bị trúng gió, cảm lạnh kéo dài cả tháng, lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm và kéo dài ba năm rồi.
Vậy bây giờ học xong em bị phát bệnh cảm trở lại, thì đây có phải do em tập chưa đủ lực đẩy bệnh ra nên bị nó tấn công? Hay đây là dấu hiệu bệnh có công hiệu, nó phát ra rồi sẽ hết hẳn luôn?
Hiện giờ em vẫn duy trì ngồi tập 3 buổi/ngày, 60 phút/lần. Em có cần tăng thêm để bệnh mau hết hay chỉ ngồi bấy nhiêu là nó sẽ khỏi?
2. Khi ngồi thiền tư thế kiết già trong 60 phút có phải tương đương với 90 – 120 phút ngồi ở tư thế bán già? Khi em ngồi bán già thì ngồi được khoảng 80 phút và cảm giác đau ít hơn nên em ngồi được lâu và cảm giác an lạc kéo dài khoảng đến phút 65 trở đi. Còn khi em ngồi kiết già thì cảm giác an lạc kéo dài khoảng đến phút 40, sau đó là cơn đau kéo đến nên đầu óc giảm tập trung và không còn an lạc.
Trung bình một ngày em ngồi 3 lần, mỗi lần khoảng 45 – 50 phút với tư thế kiết già. Như vậy có bị gì không? Vì cô Thu  dặn ngồi từ 60 phút trở lên (nhưng em không nhớ cô Thu nói ngồi tư thế nào cả, trong khi đa số bà con ở đó đều ngồi xếp bằng, xỏ rế, ngồi trên ghế,...).
Em ngồi bán già được trên 60 phút, cảm giác an lạc (khoảng 60 phút), ngồi kiết già được 45 phút, cảm giác cũng an lạc nhưng ít hơn (khoảng 35 phút). Cho em hỏi chọn ngồi cách nào là tốt nhất và hiệu quả nhất với thời gian và cảm nhận như trên?
Một ngày nếu em ngồi kiết già mà được 6 lần, mỗi lần khoảng 45 – 50 phút thì có tốt hơn không so với việc ngồi bán già đủ 3 thời mà được trên 60 phút? Nghĩa là em không thể ngồi quá lâu cho một lần ngồi kiết già nên em ngồi nhiều lần thì có thu được nhiều năng lượng và có hiệu quả nhiều hơn ngồi bán già đủ ba lần 60 phút không?
Cho em biết ngồi như thế nào là đạt nhất? Trong khi ngồi mà tay chân em nhúc nhích vài lần có ảnh hưởng nhiều đến kết quả không?
3. Em chưa học lớp Nâng cao Bậc II, chưa được mở Âm Dương, phải chờ ba tháng nữa. Tuy nhiên, nếu khi mở Âm Dương rồi, năng lực em tăng mạnh hơn bây giờ. Vậy khi đó em có giảm thời gian tập lại hay không? Hay là vẫn duy trì ngồi tập 60 phút/lần, 3 lần/ngày?
4. Nếu em học các lớp nâng cao hơn nữa thì sau này mỗi ngày ngồi thiền bao nhiêu phút một lần là đủ? Có bắt buộc ngồi đúng như trên không? Vì em thấy nhiều người học ở nơi khác nói lên lớp cao cấp hơn thì thời gian ngồi thiền giảm lại do năng lực đủ mạnh để hút năng lượng nên không cần ngồi lâu như cấp thấp.
5. Việc phụ bệnh hay là truyền năng lượng cho người khác có phân biệt hay giới hạn gì không? Ví dụ: Đứa trẻ sơ sinh quá nhỏ, em có thể truyền năng lượng cho nó được không? Khi đó động tác ra sao và đứa bé cần nằm tư thế như thế nào? Hoặc người nhà em tuy khỏe mạnh không đau yếu gì, nhưng cũng có căng thẳng công việc này nọ,... Vậy em có thể truyền năng lượng cho họ từ đầu xuống vùng mông để tăng cường sinh lực, trí óc và lục phủ ngũ tạng cho họ được hoạt động tốt hay không? Nghĩa là em có thể truyền năng lượng cho bất kỳ ai để tăng năng lực cho họ chứ không cần chờ khi bệnh mới truyền?
6. Xin chỉ cách trị bệnh cảm thời tiết cho chính mình (Ví dụ: Bệnh sổ mũi, ho,... do thời tiết gây ra). Chỉ em cách khắc phục để có thể ngồi tốt không bị ảnh hưởng bệnh.
Năng lượng Trường Sinh học có thể trị được bệnh cận thị trên 4 độ không? Nếu được thì cần tập trong bao lâu mới có kết quả với việc ngồi tập như trên? Trí nhớ và khả năng tập trung của em kém nên nếu tập thiền Trường Sinh học bao lâu thì sẽ khắc phục được?
7. Xin chỉ cách làm sao để duy trì cho Luân xa quay khi đi tàu xe, do không có điều kiện ngồi thiền? Nếu em nằm ngủ trên tàu xe, hít thở ba lần nhắm mắt lại ngủ, có phải khi đó Luân xa quay không? Những lúc bình thường không ngồi thu năng lượng, mà khi em đang ngồi công phu niệm Phật (không làm động tác hít thở mở Luân xa), nhưng khi đó em có cảm giác Luân xa 7 và Luân xa 6 rần rần trong đầu và hình như nó đang hoạt động.
Như vậy là sao? Vì theo em biết chỉ khi mình hít mũi thở miệng 3 lần thì nó mới mở nắp và bắt đầu thu năng lượng và quay. Còn bây giờ không mở nắp không thu năng lượng sao lại có cảm giác rần rần ở vùng đó?
8. Em học lớp cô Thu bài giảng rất hay nhưng không có băng đĩa ghi lại nên về nhà chỉ nhớ những ý chính, một số chi tiết quan trọng khác bị quên. Vậy có link nào để download bài giảng 6 ngày của cô Thu không? Xin cho em được tham khảo.
Cô Thu dạy khi ngồi thiền thì tập trung vào Luân xa 6 hoặc Luân xa 7. Em cũng làm thư thế vào những ngày đầu,… Tuy nhiên hai ngày nay khi quen dần với việc ngồi thiền rồi, thì em có phân vân như vầy: Lúc mới vô ngồi thì em tập trung vào Luân xa 6. Ngồi khoảng 10 phút trở lên là em bắt đầu rơi vào trạng thái tĩnh lặng và an lạc. Lúc đó em có xu hướng không còn tập trung vào Luân xa 6 nữa mà tâm trở nên vô cảm, không nghĩ ngợi gì, không vướng bận gì, không tập trung vào chỗ nào hết. Nếu em mà cố ý quay lại Luân xa 6 nữa thì một hồi sau sẽ thấy nhức đầu. Còn nếu em buông ra không nghĩ tới Luân xa 6, tâm rỗng rang, vô ý thì đầu em hết nhức và thấy người nhẹ nhàng hơn. Vậy khi mà em không còn tập trung vào Luân xa 6 và tâm trống rỗng, vô cảm thì năng lượng có vào tốt không? Hay phải luôn luôn tập trung vào Luân xa 6 để năng lượng đi vào? Ý nghĩa của việc tập trung vào Luân xa 6 là gì? Nếu tập trung vào Luân xa khác thì năng lượng có vào tốt không?
9. Khi ngồi thiền em thấy có hiện tượng lạ xảy ra: Tự nhiên em thấy mình lạc vào một cái hang, thấy ngài Đasira Narada đang ngồi thiền trong hang, em đi vòng vòng bên ngoài ngắm nghía một lát thì bị giật mình quay về thực tại. Khi đó là 90 phút đã trôi qua, nhưng em cảm giác như mới thoáng qua thôi. Đó là ngày thứ 5 của khóa học, khi em đang học chỗ lớp cô Thu.
Em khi ngồi thiền mà muốn đi đến đâu là sẽ thấy mình đến đó hoặc muốn nghĩ tới ai là sẽ thấy người đó rất rõ ràng như trong giấc mơ vậy. Em có linh cảm mạnh và có thể tập trung tốt vào Luân xa 6. Vậy các anh chị cho em hỏi, hiện tượng đó có ảnh hưởng gì, nói lên điều gì? Làm sao để em không bị cái gọi là “tẩu hoả nhập ma”? Em hơi lo lắng và xin được hướng dẫn.
Xin cám ơn các anh chị vui lòng trả lời sớm nhất, để em có thể kịp thời điều chỉnh lại mình và thực tập môn này tốt hơn.
Chúc các anh chị một ngày an lạc.

                                        Son Hien Tran
 Chung cư Bình Minh, đường Lương Định Của, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

4 nhận xét:

Unknown nói...

Bạn Son Hien Tran thân mến!
Tất cả những điều bạn hỏi trên đây đều đã được giải thích rất cặn kẽ ở lớp Hướng dẫn Căn bản và Nâng cao Bậc I mà bạn đã học. Dù cô Thu hay người nào khác hướng dẫn cũng giải thích rất rõ ràng mạch lạc, bởi vì đây chính là những kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm thường gặp, những thắc mắc đơn giản nhất mà bất kỳ học viên nào cũng gặp phải khi mới tiếp cận với môn học. Tiếc rằng, vì một lý do nào đó bạn đã không kịp tiếp thu bài giảng ngay tại lớp. Chúng tôi đề xuất với bạn vài ý như sau:
1. Nếu có dịp thuận lợi bạn trở lại lớp học để nghe giảng lại phần lý thuyết, có vấn đề gì chưa hiểu hoặc thắc mắc bạn vui lòng đặt câu hỏi trước lớp, người hướng dẫn sẽ trả lời tỷ mỷ rõ ràng để cả lớp cùng hiểu.
2. Bạn nên thu xếp thường xuyên đến một Câu lạc bộ Trường Sinh học Dưỡng sinh gần nhất để: tập luyện, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp trực tiếp những thắc mắc, giúp nhau phụ bệnh khi cần thiết, tăng thêm tình đoàn kết giữa các đồng môn,…Tuy nhiên: theo ai phải cẩn thận, chọn bạn mà chơi, chớ đi lạc đường.
3. Bạn chịu khó đọc thật kỹ những bài trên trang blog này (nhất là những bài hướng dẫn tập luyện, chia sẻ kinh nghiệm) và tự tìm ra cho mình câu trả lời thỏa đáng nhất.
4. Học Trường Sinh học là học cách sống bằng cái Tâm thật, bằng tấm lòng chân thật của mình. Đồng môn Trường Sinh học nên sử dụng tên thật. Một số vấn đề riêng tư, chúng tôi sẽ trả lời bạn qua điện thoại hoặc e-mail.
Chúc bạn tinh tấn tập luyện, sức khỏe dồi dào, gặt hái được nhiều thành công và luôn sống trong an lạc, hạnh phúc.

CÂU LẠC BỘ TRƯỜNG SINH HỌC DƯỠNG SINH

Người Đồng Môn nói...

Là những môn sinh Trường Sinh học, muốn thực hành việc tu tập được tốt, chúng ta phải giữ vững niềm tin con đường mà Đức Tổ sư Đasira Narada đã lựa chọn. Không có cái gì thành công mà không phải đổ mồ hôi và nước mắt. Vượt lên bản ngã của mình, thành tâm cầu nguyện học hỏi và tự giác hành thiền, chúng ta mới tự giải thoát được.
Đừng phê phán ai không học và cũng đừng khuyên ai nên học, nếu như bức màn vô minh còn che lấp tâm thức của họ.

Môn sinh NGUYỄN VĂN THỌ.

Ho Thu, Phu Ly nói...

Trường Sinh học là một phương pháp dưỡng sinh thực tập dễ dàng, có hiệu quả cao và vô cùng hữu ích cho tất cả mọi người, không kể già, trẻ, gái trai, tôn giáo, dân tộc, trình độ văn hóa,... ai tập cũng được. Đến với môn học này, người thế tục thì mong được lành bệnh và có một đời sống tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng, thoát khỏi sự đau khổ về những thăng trầm của cuộc đời, những hệ lụy gia đình, quan hệ giữa con người với con người, những khắc khoải về mất mát, thúc giục, tình cảm, quan niệm, v.v... Người tu hành trong các tôn giáo (không phân biệt) thì muốn tiến hóa tâm linh nhưng vẫn còn bị trở ngại về thân như càng tu càng bệnh thêm, hay trở ngại về tâm như càng tu tánh tình càng khó khăn, cau có, nóng nảy, không cưỡng nổi ham muốn, cám dỗ, quyền lực,v.v...
Với nguyên lý thật đơn giản, Trường Sinh học Dưỡng sinh giúp ta giải quyết tận gốc rễ những chướng ngại nói trên. Sau những lần thực hành liên tục, chỉ trong 6 ngày học lớp Hướng dẫn Căn bản và Nâng cao Bậc I, mọi người đều có thể nhận ra những biến chuyển ít nhiều trong thân cũng như tâm. Tất cả dường như đều vơi đi hoặc tan mất những đau nhức bệnh hoạn hoặc những đau khổ về mặt tinh thần. Những bản tính khó khăn cố hữu tưởng chừng không bao giờ thay đổi được cũng từ từ thay vào đó là những nụ cười dễ dãi đầy cảm thông. Từ tận trong sâu thẳm của tâm hồn, năng lực của vũ trụ thu được trong quá trình tập luyện đã chuyển hóa thân tâm của người tập, hóa giải những nghiệp thức chất chứa qua bao nhiêu đời,… Đó cũng chính là chiếc “chìa khóa” hay là một món quà mà chúng tôi xin chia sẻ với những ai có đủ nhân duyên.
Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy phương pháp dưỡng sinh ứng dụng Trường Năng lượng Sinh học này đáp ứng được nhu cầu thanh lọc cơ thể, đả thông kinh mạch để tự mình chữa lành thân bệnh, phục hồi nguyên khí, nâng cao sức khỏe, dần dần đáp ứng được nhu cầu hóa giải khổ đau, giải nghiệp của tất cả ai tìm đến nó.
Phương pháp thực hành này hoàn toàn tuân thủ vào sự vận hành tự nhiên. Cơ thể ta sẽ chuyển biến tùy theo từng điều kiện chung quanh, vào đúng thời điểm, đúng mức độ và hoàn toàn không có sự tác ý hay thúc đẩy nên rất an toàn cho người tập. Phương pháp thì không khó, chỉ xin nhắc nhở một điều khá quan trọng là với phương pháp này là chúng ta không thể tập chơi một cách hời hợt được. Chỉ những người nào đặt niềm tin nơi phương pháp Trường Sinh học và kiên trì tập luyện đúng, tập luyện đủ, tập luyện đều và tập luyện đạt yêu cầu thì mới gặt hái được nhiều thành công.

Bảy Hạnh, Bến Đá nói...

ĐỦ 4 YẾU TỐ, THEO 4 YÊU CẦU

Luyện tập Dưỡng sinh ứng dụng Trường Năng lượng Sinh học góp phần phòng và chữa một số bệnh cơ năng, mãn tính,… hoặc bệnh chưa rõ nguyên nhân, nâng cao sức khỏe cộng đồng, tiết kiệm thời gian, không tốn kinh phí.
Luyện tập Dưỡng sinh Trường Sinh học phải đảm bảo 4 yêu cầu: Tập đúng, tập đủ, tập đều và tập đạt yêu cầu, theo 4 chữ Tâm là: Thành tâm, thiện tâm, quyết tâm và tịnh tâm,…
Dưỡng sinh ứng dụng Trường Năng lượng Sinh học đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho rất nhiều trường hợp hàng ngày phải chống chọi với bệnh tật, đặc biệt là với người nghèo mang bệnh trọng.