Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Ngày Tết nói chuyện "xông nhà"

          Ngày đầu xuân nói về tục xông nhà để nhắc nhở cho nhau, đừng phó thác vận mệnh cho người xông nhà, tục xông nhà không thể quyết định vận mệnh của mình và gia đình, những người thân...
Xuân đang về.
          Xông nhà, cũng gọi xông đất, là vào nhà người nào đầu tiên trong ngày mồng một Tết. Tục xông nhà vào ngày Tết có từ lâu đời trong sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Ý nghĩa của việc xông nhà là mang đến sự bình an, may mắn, hanh thông cho gia chủ (chủ nhà). Ai cũng muốn hưởng một năm mới với nhiều tốt đẹp, gặp nhiều vận may, gia đình an khang thịnh vượng, làm ăn phát tài, đây là ước nguyện chung của mọi người.
          Với niềm tin sự khởi đầu tốt đẹp sẽ mang đến tốt đẹp cho cả năm, một số người hết sức cẩn thận trong việc chọn đối tượng xông nhà. Người được chọn phải là người khỏe mạnh, tính tình vui vẻ, có nhiều thành công trong năm vừa qua. Có người còn chọn đối tượng xông nhà phải hạp tuổi hay hạp mạng (có ngũ hành tương sinh), hoặc tên của người đến xông nhà phải đẹp, mang ý nghĩa của những điều tốt lành, may mắn, chẳng hạn như tên: Tài, Lộc, Phát, Hiển, Đạt, Thịnh,v.v… Chủ nhà thường dặn dò đối tượng tỉ mỉ về thời gian đến xông nhà (lúc mấy giờ), dặn những câu chúc tụng để mọi việc diễn ra một cách suôn sẻ, tốt đẹp. Tuy nhiên, qua một năm không phải ai cũng đạt được điều mong muốn, dù đã chọn được người đến xông nhà có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu.
Dù sao tục xông nhà cũng thể hiện những nguyện vọng, ước muốn chính đáng, dễ thương, phản ánh phần nào đời sống văn hóa tinh thần của con người. Trên thực tế, muốn biến những mong muốn, ước vọng thành hiện thực, chúng ta phải có thái độ sống đúng đắn, tích cực và có những hành động thiết thực chứ không thể chỉ mong cầu viễn vông. Người đam mê rượu chè cờ bạc, không chí thú làm ăn thì không thể nào giàu có được dù ngày đầu năm mới được người giàu sang danh vọng đến xông nhà. Người ăn chơi trác táng, thân thể hao mòn thì làm sao khỏe mạnh, sống lâu dù người xông nhà đầu năm là một người tuổi cao, khỏe mạnh.
Có nhiều trường hợp vì lối sống không tốt, không biết cách cư xử trong các mối quan hệ mà chủ nhà gặp phải những điều không mong muốn, khi ấy bao nhiêu trách nhiệm đổ trút lên đầu người đến xông nhà. Chủ nhà cho là tại người xông nhà đầu năm đã mang đến những điều không may mắn khiến cho mình phải vỡ nợ, hoặc bị tù, ốm đau bệnh hoạn, bị mất việc, vợ chồng bất hòa, con cái bỏ nhà đi hoang,v.v,…
Đầu xuân nói chuyện về tục xông nhà để nhắc nhở cho nhau, đừng phó thác vận mệnh cho người xông nhà, tục xông nhà không thể quyết định vận mệnh của mình và gia đình, những người thân. Niềm tin và ước nguyện nếu không sáng suốt sẽ dẫn đến sự thất vọng, và những nỗi buồn có thể xảy đến với người chủ nhà lẫn người xông nhà.
Để một năm mới có nhiều niềm vui, hạnh phúc và sự may mắn, ngày đầu xuân chúng ta hãy mở rộng vòng tay thân ái đối với mọi người bằng tất cả sự chân thành, thiết lập thật tốt các mối quan hệ, biết sống cho điều thiện. Để có một năm mới đạt nhiều thành tựu, chúng ta cần nỗ lực, chuyên cần, tích cực phấn đấu. Có như thế thì những điều mong ước đầu năm mới trở thành hiện thực.
                    Minh Hạnh Đức. 
                    Nguồn: Giác Ngộ.

3 nhận xét:

Phạm Thị Quyền nói...

Xông nhà còn gọi là xông đất hay đạp đất. Chưa rõ nguồn gốc từ đâu nhưng tục lệ này được mọi người tin theo và đã trở thành một tập tục lâu đời của người Việt.
Người ta tin rằng sáng ngày mùng một Tết, người đầu tiên bước vào sân nhà ai là đem theo với họ không những thời vận mà còn cả cá tính của người ấy và ảnh hưởng lên mọi người cư ngụ trong ngôi nhà suốt cả năm. Hơn nữa, để tránh những chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, gây trắc trở, gia chủ thường cẩn thận hỏi tuổi của người mà mình muốn nhờ xông nhà (hay đạp đất) để chắc chắn không bị xung khắc, sợ bị lấy đi bớt sự may mắn. Viêc nhờ vả này thường diễn ra trong chỗ thân tình, quý nể nhau và lời yêu cầu phải đưa ra càng sớm càng tốt. Người xông nhà được chọn thường là đàn ông, được tin là nhẹ vía, có gia cảnh đề huề, êm ấm, dễ mang lại sự tốt lành. Người ta tránh nhất những người tính tình bẳn gắt, keo kiệt hay gian ác, sức khỏe èo uột, cờ bạc, ruợu chè hoặc vợ nọ con kia, những người đang chịu tang,v.v,…
Giữa đêm ba mươi, sau khi cúng giao thừa, cửa đóng lại là nội bất xuất, ngoại bất nhập, trẻ con không được lăng xăng chạy ra chạy vào, chờ sáng mùng một có người tới xông nhà. Người tới xông nhà mặc quần áp đẹp, chào hỏi gia chủ, đôi bên cùng nói những lời chúc tụng tốt đẹp nhất rồi an vị, uống trà hay ruợu ngọt xong sẽ lì xì làm phép cho con cháu trong nhà lấy hên.
Cũng có khi gia chủ không chọn được ai hay không muốn nhờ vả ai thì tự xông nhà lấy bằng cách rời khỏi nhà lúc còn năm cũ, đi lễ chùa xin lộc đầu năm và trở về sau nửa đêm để là người đầu tiên dẫm chân vào sân nhà. Trong trường hợp này, người trong gia đình sẽ chuẩn bị nghênh tiếp vị gia trưởng như người khách quý đến xông nhà, đem sự an vui, thịnh vượng đến cho những người thân của mình. Bánh mứt sẽ được dọn ra, trà thơm được châm lên, mọi người sẽ cùng nhau nhấm nháp hương xuân đầu năm trong không khí đầm ấm và tràn trề hy vọng mới.
Ngoài ra, ngày mùng một Tết, người trong gia đình kiêng rời nhà đi xa cũng như khách khứa tới chơi nhà không nên ở lại.

Người Đồng Môn nói...

Tôi không rõ các nơi khác thế nào, chứ ở địa phương chúng tôi thì anh chị em đồng môn Gia đình Trường Sinh học tụ tập nhau lại đến lớp học cùng ngồi tập 60 phút bắt đầu từ lúc Giao thừa. Truyền thống này đã giữ được từ nhiều năm nay. Kể từ khi lớp học ổn định tại Tịnh xá Pháp Hải thì cứ chừng hơn 11 giờ đêm, sắp đến giờ Giao thừa, anh chị em đồng môn tụ tập chúc tết Sư Cô, chờ mọi người đến đông đủ, đúng 12 giờ bước sang năm mới thì cùng ngồi tập một cữ 60 phút. Xả Thiền, mọi người chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc,… và đi “hái lộc” rồi trở về nhà “xông đất” nhà mình. Thế cũng hay!

HAI LIÊNG AN (Vũng Tàu).

Ho Thu, Phu Ly nói...

TẾT NÀO CŨNG VỀ "HƯỞNG LỰC"

Tết năm nào cũng vậy, anh chị em đồng môn từ khắp nơi, cả trong và ngoài tỉnh Bình Định cũng về Trường Hội Vân để cùng ngồi tập lúc Giao thừa. Nhiều người ở xa như Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đắk Lắk,… đến từ chiều 30 Tết, ngồi tập cữ Giao thừa xong họ lên xe trở về nhà, cũng có nhiều người ở lại đến sáng mùng Một mới trở lại quê hương. Tết năm nào cũng có vài trăm người về Trường Hội Vân ngồi tập vào thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới như vậy.
Năm nay, có gần bốn chục bệnh nhân nghèo ở xa, bệnh nặng không về được, đã đăng ký ở lại lớp học để được các đồng môn giúp “phụ bệnh” và “ăn Tết” với Câu lạc bộ. Tết Nhâm Thìn năm nay, ngày cuối năm cũng là ngày Chủ Nhật nên mọi người sẽ ngồi tập cữ 6 giờ 30 phút tối như những ngày Chủ Nhật khác và đến thời khắc Giao thừa mọi người lại vẫn ngồi tập cữ Giao thừa như bao nhiêu tết trước. Mọi người vẫn thường bảo nhau là về Trường Hội Vân ngồi tập để “hưởng lực”, ai có đủ duyên thì đến tập.

Hồ Thị Thu.