Ngày xưa ! |
Hăm bảy, hăm tám tết năm nào trời cũng trở lạnh nhưng lũ trẻ con chúng tôi thì mừng lắm. Nhà bác tôi mổ lợn, tôi hăm hở theo cha đi ăn đụng. Nói chuyện ăn đụng thịt lợn chắc tụi trẻ con thành phố bây giờ cũng không thể nào hình dung ra nổi. Mà không hiểu cũng phải thôi, thời buổi kinh tế thị trường khá giả, ai thích ăn bao nhiêu chạy te ra chợ một chốc thế là xong. Thời bao cấp khó khăn, cả năm chỉ mong có cái tết, vài nhà chung nhau mổ thịt một con lợn, gọi là ăn đụng. Ăn đụng nhiều ít là chuyện của mẹ cha, chứ cái thằng cu nghịch ngợm như tôi thì chỉ thích theo cha đi ăn đụng để năn nỉ xin cái bong bóng lợn làm quả bóng đá chơi và rồi để ra oai với mấy đứa hàng xóm. Thịt lợn đưa về nhà, cha tôi “xử lý” thành các món, nào là kho tàu, nào là nấu đông, lại còn cái món muối sườn để dành ăn cơm và tất nhiên không thể thiếu món lòng lợn luộc. Còn mẹ tôi thì lục tục lau lá, lột lạt, ngâm gạo, đãi đậu chuẩn bị gói bánh chưng. Anh em tôi tuy cũng đã lớn rồi nhưng chưa biết làm mấy công việc ấy thì đành “chịu sự phân công” đi bổ củi, quét dọn nhà cửa hay rửa nồi nấu bánh.
Đêm nấu bánh cuối năm. Giá như bao đêm khác thì anh em tôi đã ngủ chỏng khoeo từ lâu rồi. Nhưng đêm nay gà đã gáy sang canh mà mấy anh em tôi mắt cứ chong chong chờ đợi để được ăn miếng bánh chưng đầu tiên nóng hổi. Giây phút chờ đợi mẹ vớt bánh sung sướng lắm. Rồi cái bánh tò te tý hon đặc biệt dành riêng cho anh em tôi được bóc ra thì khó tả lắm, nhất là lại được mẹ “tăng cường” thêm cho một khúc đuôi lợn luộc thì khỏi phải nói cũng biết tôi sung sướng biết chừng nào.
Sáng ba mươi tết. Cha tôi thường “bắt” tôi phụ lau dọn bàn thờ để chuẩn bị cúng tất niên. Với tôi, công việc dọn bàn thờ là chán nhất, bởi nó không thể nào thú vị bằng việc lót dạ vài miếng bánh chưng rồi nhót đi đá … bong bóng lợn. Nhưng dẫu sao cũng phải phụ cha lau dọn bàn thờ xong đã rồi mới dám lẻn cửa sau vườn chạy ra “sân vận động” là đám ruộng mới gặt ngoài đồng. Nơi ấy, cả đám bạn lau nhau đang tranh giành quả bóng bện bằng lá chuối vẫn chờ tôi và quả bong bóng lợn của tôi.
Buổi sáng ngày đầu năm mới, anh em tôi được mặc quần áo mới và mẹ tôi không quên mừng tuổi cho mỗi đứa mấy hào tiền mới. Mẹ tôi bảo: “Tết năm nay mỗi đứa đều lớn thêm một tuổi, cố gắng mà học cho giỏi các con ạ. Mai này lớn khôn các con đi làm việc nhà nước, rồi nhà mình sẽ ăn tết khá hơn, không phải đi ăn đụng thịt lợn nữa, các con sẽ có nhiều áo đẹp hơn. Mà chẳng biết lúc đó cha mẹ có còn khoẻ để các con lo tết cho cha mẹ hay không”.
Lúc ấy, tôi chưa đủ sức để hiểu tâm trạng và những ước muốn của cha mẹ tôi. Mãi sau này, khi càng khôn lớn tôi càng ngộ ra rằng chính những điều cha mẹ tôi từng dạy dỗ đã nuôi dưỡng cho tôi tình yêu gia đình, yêu những giá trị của lao động, của cuộc sống và thêm yêu không khí cái tết nồng ấm hơi thở mẹ cha, thắm tình dân tộc.
Bây giờ, trẻ em được gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc nhiều hơn trước. Các em có đầy đủ các điều kiện cả về vật chất và tinh thần để học hành, vui chơi, giải trí,… Ở thành phố, các em không phải đá bóng bằng quả bong bóng lợn trên “sân” ruộng mà có cả bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ bằng da “xịn” hẳn hoi và nhiều loại hình giải trí cao cấp khác nữa. Các em không được chứng kiến cảnh lau lá, lột lạt, đãi đậu và cũng không phải thức trắng đêm nấu bánh chưng mà cứ vui vẻ ngồi chơi điện tử hoặc chat thâu đêm vì bánh chưng và bao món khác đã được cha mẹ mua sẵn từ chợ hay các siêu thị đem về. Sáng mùng một và cả mấy ngày tết, các em không phải chỉ được nhận mấy hào tiền mới mừng tuổi của mẹ cha mà có khi nhiều nhiều hơn gấp bội tiền lì xì của đồng nghiệp, bè bạn mẹ cha khi tới nhà mình chúc tết. Các em còn ngồi trên ghế nhà trường, chăm lo việc học hành, được mẹ cha và người lớn chăm sóc, yêu thương hết mực. Nhưng, có thể có nhiều em vẫn còn thiếu sự đồng cảm về những nỗi lo toan vất vả của mẹ cha trong cuộc sống thường nhật. Có những bậc cha mẹ mải lo làm ăn, đôi khi lãng quên cả việc chăm sóc, giáo dục con cái lòng hiếu thảo, đức kiệm cần, tình yêu gia đình nguồn cội,… Chính bởi thế mà bên cạnh những con ngoan, trò giỏi, học sinh xuất sắc, hiện nay vẫn còn đâu đó những em không làm chủ được bản thân, sa đà vào những thói hư tật xấu, bị người đời chê cười, lên án.
Hy vọng những cảm thông và tầm hiểu biết thấu đáo của các em về phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống và những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, chắc chắn các bậc phụ huynh không thể ngoài cuộc và thờ ơ với những giá trị này.
NHUỆ CƯƠNG.
3 nhận xét:
TẾT TA – TẾT TỔ TIÊN – TẾT TƯƠNG THÂN
Tết cổ truyền của người Việt là dịp để gia đình sum họp, để con cháu tưởng nhớ tổ tiên. Người ta tin năm mới đem đến điều tốt lành, những xấu xa, rủi ro của năm cũ phải rũ sạch, cho nên nợ nần cũng cố gắng trả hết, nhà cửa, áo quần đều làm mới,… Người ta không cãi nhau, chuyện xích mích trong nhà ngoài ngõ tránh hết. Đi chùa đi đền cầu an cầu lộc và cho tâm hồn được thư thái,… Những điều đó làm cho Tết cổ truyền của người Việt thấm đậm tình người. Tính nhân văn sâu sắc của Tết cổ truyền là một bản sắc của văn hóa Việt, nó làm cho “Tết ta” không lẫn với “Tết tây”, nó cắt nghĩa mọi phong tục tập quán diễn ra trong dịp Tết.
Tặng quà cho người nghèo chính là một tập quán đẹp trong dịp Tết. Hành động ấy có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống văn hóa lá lành đùm lá rách, nhiễu điều phủ lấy giá gương, tương thân tương ái lâu đời của dân tộc. Đó là tập quán bắt nguồn từ bản sắc nhân văn của “Tết ta”, nó là một phần không thể thiếu của phong tục Tết Việt.
Mọi thứ đều thay đổi, đời sống vật chất lại càng thay đổi nhanh hơn, nhiều hơn, tốc độ và phạm vi hội nhập giữa nước ta với thế giới ngày càng sâu rộng. Nhưng nếu vẫn giữ được cái thần của Tết là tình cảm gia đình, là tình người, là sự hướng thiện, là tính nhân văn toàn diện như vậy thì nghĩa là chúng ta còn giữ vững bản sắc văn hóa Việt, dù bây giờ ngày Tết mọi người không uống rượu nếp hoa vàng mà chuyển sang uống rượu sâm-banh, bia lon,...
NHẬT MINH
CHÚC TẾT MẸ CHA
Chẳng biết từ bao giờ nhưng việc chúc tết cha mẹ đã trở thành dòng chảy văn hóa thiêng liêng bao đời của người Việt khi tết đến xuân về. Con cái chúc tết cha mẹ là để gửi gắm những yêu thương và sự biết ơn. Không chỉ đơn giản là những lời nói “Con yêu hay con cảm ơn ba mẹ” như thông lệ, người ta bày tỏ đủ những cung bậc cao nhất trong tình cảm với đấng sinh thành.
“Nếu thiên nhiên có 4 mùa thì Mẹ là thiên sứ kết tinh yêu thương của Xuân, Hạ, Thu, Đông…”, hay “Giờ đây khi con vững bước trên đường đời thì ba đã sức yếu tuổi già, bước đi không vững”. Sau tất cả những yêu thương, biết ơn đó, mỗi người con đều gửi gắm mong ước thiết tha, mong ước cho cha mẹ luôn được khỏe mạnh. “Năm mới đến, con ước ao và cầu chúc cho ba có thật nhiều sức khỏe, vẫn vui vẻ, yêu đời, để mỗi dịp về nhà con được thấy ba cười vui hạnh phúc với con như ngày xưa", hay “Kính chúc Mẹ mãi trường thọ như 4 mùa của đất trời, tình yêu thương như suối nguồn vĩnh cữu tắm mát đời con”…
Khoảnh khắc đẹp nhất của ngày tết cũng là khoảnh khắc cả gia đình sum vầy, con cái gửi tới cha mẹ những lời chúc của sự yêu thương và biết ơn. Khi những cánh thiệp xuân được trao gửi tới đấng sinh thành cũng là những giây phút hạnh phúc nhất của yêu thương và sum vầy. Đó là khi cha mẹ cảm nhận một cách sâu sắc nhất tình cảm của những đứa con yêu. Những tấm thiệp xuân lúc này thực sự trở thành “sứ giả” của hai thế hệ - cha mẹ và con cái; sứ giả mang thông điệp yêu thương ngày tết.
Điều đó, cũng nhắc nhở mỗi người con về “trách nhiệm” của chính bản thân mình, về những hành động, việc làm cụ thể để báo hiếu, chăm sóc sức khỏe cha mẹ. Mỗi lời chúc cũng vì thế mà trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn rất nhiều!
THÀNH TÂM
TẾT - TUỔI THƠ TÔI
Tuổi nhỏ của tôi thường bám gấu áo mẹ đi chợ tết. Phiên chợ cuối cùng trong năm đông vui, rộn rịp, kéo dài hơn chợ thường, được họp vào ngày 20 tháng chạp mà không khí và sắc màu của nó đã được ghi lại như trong thơ Đoàn Văn Cừ: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”.
Mỗi lần đọc thơ Đoàn Văn Cừ tôi thường vận cái "thằng cu áo đỏ" ấy vào tôi, dẫu tôi không có áo đỏ, mà chỉ có áo nâu non do chính mẹ may cho với các đường chỉ nổi lên như cuộc hành quân của một đàn kiến gió.
Trong cái tưng bừng nhộn nhịp suốt một ngày, tôi cứ bám mẹ mà lượn khắp các hàng, và cuối cùng, trước khi ra về, thể nào cũng được mẹ mua cho ba loại đồ chơi. Đó là một bánh pháo tép kèm vài quả pháo đùng cùng một bao diêm. Là dăm con gà đất bôi phẩm xanh đỏ to bằng ba ngón tay, gắn ở mỏ một lưỡi gà, thổi lên toe toe cái tiếng gáy của một chú trống choai. Và cuối cùng là chùm trống vỏi với hai mặt xanh đỏ to bằng lòng bàn tay, gắn ở tang trống mấy cái nùn cứng, mỗi lần lắc lắc, trống lại phập phùng một điệu nhạc ròn, nếu lắc nhiều chỉ vài ngày là thủng. Tất cả một cuộc đi chợ, suốt một ngày, mang về được mấy thứ đồ chơi, cứ năm nào cũng thế.
Những vẫn còn chưa hết. Bởi chiều 29 tết còn một cuộc mổ lợn chung cho mấy nhà. Tiếng lợn eng éc một âm điệu vui trong cái chiều 29 thường có gió bấc và mưa bay làm náo động cả xóm thôn. Và đàn trẻ con, không đứa nào không hong hóng, cướp cho được cái bong bóng lợn. Cái bong bóng nóng hổi, nhớp nháp trên tay được trộn mới gio nhồi cho thật sạch và thật mỏng. Rồi được thổi hơi vào thành một quả bóng to. Quả bóng được chế xuất từ bóng đái của lợn ấy rồi sẽ làm rậm rịch các sân chơi ngày tết cho đám con trai nô nhảy, thay cho bóng bưởi lúc nào đã hết mùa.
Tết còn được náo nức chờ đợi ở nồi bánh chưng vào chiều 29 hoặc 30, và các loại bánh khác như bánh ít, bánh mật, bánh gai, bánh lọc, bánh tổ, bánh ú, bánh gio... và chè kho. Nồi bánh làm ấm không gian mỗi gia đình, và trẻ con được hưởng sớm hơn cả hương vị tết ở cái bánh gói riêng cho chúng, gọi là để chử, thử trước ông bà, gia tiên.
Đấy là cái ăn ngon nhất trước khi vào tết thường kéo dài trong ba ngày.
Còn vào tết thì chẳng mấy ai quan tâm đến sự ăn, kể cả trẻ con.
Tây Hồ, ngày áp tết Nhâm Thìn - 2012.
PHONG LÊ
Đăng nhận xét