Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Thiền học với sức khỏe

          Sinh – Lão – Bệnh – Tử, là quy luật tất yếu của một đời người. Phải đề phòng từ khi bệnh chưa đến. Y học thường xem xét các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Còn Thiền học lại cho rằng, bệnh đến từ tư tưởng, tinh thần, từ trạng thái "tâm bất toàn".
          Trong mấy nghìn năm qua, con người đã lầm nghĩ rằng thể xác và linh hồn là hai thực thể tách biệt. Vì vậy, chúng ta hầu như chỉ xem trọng phần thể xác và phủ nhận linh hồn. Người ta nghiên cứu và phát triển y học mà không biết đến Thiền. Ngược lại, một số người chỉ lo phần linh hồn mà xem nhẹ phần thể xác. Họ chỉ chú ý phát triển Thiền định mà không chú ý đến y học dinh dưỡng, dưỡng sinh phát triển cơ thể.

          Ngày nay, với các thiết bị kỹ thuật lượng tử siêu dẫn như SQUID, máy kirlian, các nhà khoa học đã nhận thấy con người là một cấu trúc chỉnh thể gồm cả thể xác và "linh hồn" – hay gồm cơ thể vật lý và cơ thể phi vật lý. Cũng như vậy, không thể tách rời vũ trụ vật lý với vũ trụ phi vật lý. Thể xác và linh hồn là hai mức độ của cùng một thực thể. Chúng không tồn tại riêng rẽ mà chỉ có tần số rung động khác nhau.
Bệnh tật có thể bắt đầu từ hai thể mà cũng có thể từ một thể, nhưng chúng đều có tác động qua lại lẫn nhau. Thường thì bệnh tâm thần, tâm lý (thuộc linh hồn) khó chữa hơn bệnh thể xác. Trên thực tế, đôi khi một người đã được điều trị khỏi bệnh thể xác rồi mà vẫn cảm thấy ốm yếu; Vì bệnh tuy đến từ bên ngoài nhưng những xung động của nó lại tác động đến toàn bộ linh hồn. Ví như người ta ném một hòn đá vào mặt nước hồ yên lặng, nó chỉ làm xao động nơi hòn đá rơi vào nước nhưng lại tạo ra những gợn sóng lan mãi tới bờ, nơi mà hòn đá không rơi vào. Thông thường, bệnh tật hay bất cứ cái gì tác động đến cơ thể thì nó đều gợn sóng đến trí não, đến tâm hồn. Nếu y học chỉ điều trị ở phần cơ thể thì những làn sóng lan ra tới bờ kia làm sao chấm dứt?
Y học hiện đại đang cố gắng giải phóng bệnh tật ở tầng thể xác con người, thậm chí cắt bỏ hay thay thế nhân tạo từng cơ quan tạng phủ. Quả thật, đối với bệnh từ ngoài chuyển vào thì các chuyên ngành của y khoa có nhiều giải pháp rất thành công. Còn với những chứng bệnh có nguồn gốc từ sâu thẳm tâm hồn lan ra bề mặt thể xác (thuộc về tư tưởng, tinh thần, tâm lý) thì phải tìm giải pháp Thiền. Nó giúp xoá đi những trạng thái tiêu cực để con người sống thanh thản, hạnh phúc, không sợ hãi trước bệnh tật và cái chết và nhờ đó, cuộc sống của họ sẽ khỏe khoắn hơn.
Thiền định và y học (dinh dưỡng, điều trị) là 2 cực của cùng một khoa học: Khoa học toàn vẹn về sự sống của con người.
Ngày nay, tại hầu hết các bệnh viện lớn của Mỹ, Pháp, Nga,… nhà thôi miên và nhà ngoại cảm có một vị trí quan trọng. Hơn 3.000 bản tài liệu, bệnh án trị liệu bằng thôi miên của Edgar Cayce, người Mỹ (1877 – 1945) được lưu trữ từ năm 1945 đến nay trở thành tư liệu quý hiếm cho các nhà khoa học Mỹ và thế giới. Tuy thuật thôi miên chưa phải là Thiền định nhưng nó cũng là bước đi tốt. Ít nhất thì người ta cũng đã thấy rằng còn có điều gì đó cần làm đối với tâm thức của con người và chỉ điều trị ở phần thể xác bằng thuốc không thôi thì chưa đủ.
Ở Việt Nam, từ những năm 1960 – 1970, khoa Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng chữa bệnh bằng thôi miên có kết quả tốt. Và từ năm 1992 đến nay, ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác trong cả nước có phong trào tập dưỡng sinh tâm năng, dưỡng sinh tâm thể, dưỡng sinh tĩnh khí công, dưỡng sinh Năng lượng Trường Sinh học,... Các phương pháp này đều có cơ sở ở Thiền định kết hợp với vận động cơ thể để rèn luyện tâm hồn trong sáng, cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi được bệnh tật mãn tính, nan y.
Một số người nhờ tập Thiền mà có khả năng phát năng lượng chữa bệnh từ xa, thấu thị chẩn đoán chính xác mà không cần X-quang, như Bác sĩ Nguyễn Phúc, Trung tá Bác sĩ Quân y Nguyễn Việt, Bác sĩ Thế Lâm,… Ở Bệnh viện K (Hà Nội) có Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kha chuyên tâm tập Thiền. Có ngày bác sĩ tiến hành 4 ca phẫu thuật lớn nhỏ; giữa mỗi ca phẫu thuật, ông ngồi Thiền 15 – 20 phút là có thể lấy lại sức khỏe bình thường để mổ ca tiếp theo. Tài liệu "Thiền Sinh học" của Giáo sư Nguyễn Ngọc Kha đã được nhiều người nghiên cứu, học tập.
Vậy ai muốn có một "tâm hồn" trong sáng trong một cơ thể khỏe mạnh nên kết hợp chặt chẽ giữa Y học với Thiền học để cả Tâm và Thân được lành mạnh, hài hòa.
                   Theo:  VnExpress

2 nhận xét:

Người Đồng Môn nói...

CẦN MỘT TẤM LÒNG CỘNG VỚI NGỒI YÊN ĐEM LẠI THÂN AN TÂM LẠC

Trước đây hơn 20 năm cơ thể gầy còm của tôi là nơi tụ hội đủ thứ bệnh, phổi nước, rối loạn tiêu hóa, viêm khớp,… thân thể đau nhức, tâm buồn phiền, lo lắng. Cùng tắc biến, duyên lành đưa tôi đến với Phật pháp và thiền, một khung cửa hẹp mở ra cho tôi bầu trời bao la mầu nhiệm. Nói là khung cửa hẹp vì tưởng đơn giản nhưng hành trì mới lắm gian truân đòi hỏi quyết tâm, tinh tấn. Nhưng ai đã có bệnh và khổ vì bệnh thì dù khó mấy cũng phải cố mà làm! Đó là ăn chay, ngồi thiền kết hợp với Từ, Bi, Hỉ, Xả… bốn tâm rộng lớn theo lời Phật dạy.
Tôi ăn chay và tinh tấn ngồi thiền mỗi ngày 2 thời, bệnh giảm dần rồi biến mất! Bằng cách nào lành bệnh? Thật ra tôi không rõ! Nhưng đó là sự thật. Có người nói thiền là đem thân trở về tâm, thân tâm nhất như đánh thức tiềm năng vô tận sẵn nơi mỗi người, cơ thể có khả năng tự đối trị. Người khác lại bảo hơi thở là đầu mối sự sống, trở về hơi thở đã vô tình bỏ quên mặc dầu bao lâu vẫn hít thở, thì sự sống của các bộ phận cơ thể được phục hoạt, mọi rối loạn sẽ được điều chỉnh. Người khác lại bảo ăn chay, ngồi thiền thì thân tâm hòa nhập là một với pháp giới, con người tiếp nhận năng lượng vũ trụ nên hóa giải mọi trục trặc, bệnh tật sẽ bị khống chế,… Và biết đâu có sự gia bị của Phật, Bồ tát bởi làm sao thấu hiểu điều “bất khả tư nghì”.
Theo tôi, Phật pháp nhiệm mầu, “ai ăn nấy no, nhúng tay vào mới biết nước nóng lạnh ra sao!”. Sau 15 năm kể từ cắt được cơn bệnh nan y, tôi không dùng bất cứ viên thuốc Đông – Tây nào. Đôi lúc trở trời, cơ thể cũng trục trặc nhức mỏi nhưng tôi chưa đi khám bệnh và dùng thuốc (chỉ nói đến lúc này thôi), mà chỉ tăng thêm một thời ngồi thiền tức thì bình ổn. Với tôi, không thể nào nói hết mầu nhiệm của đạo Phật, của Thiền! Chẳng có gì quan trọng ngoài một tấm lòng và ngồi yên đem lại thân an tâm lạc, mọi sự đều sáng tỏ, đó chính là Thiền!

Võ Văn Lân

Biên Tập Viên nói...

KHÔNG CÒN RANH GIỚI

Chúng ta thường có thói quen chia đời sống ra thành nhiều ngăn: ngăn cho công việc, ngăn cho người thân, ngăn cho bạn bè và ngăn cho chính mình. Đời sống đã chia thành nhiều ngăn như vậy nên thời gian trong ngày của chúng ta cũng theo đó mà bị phân tán và thời gian để cho chính mình không còn bao nhiêu. Đây là một cách phân chia không được thông minh lắm đối với một người tập thiền, làm sao để tất cả thời gian đều là thời gian của chính mình, đều là thời gian để cho chúng ta sống an lạc và tỉnh thức.
Nếu như một người tập thiền mà chỉ đợi đến giờ nhất định mới đi tọa thiền để có được sự định tâm và nguồn an lạc thì thiền sinh ấy chưa phải là một người tập thiền giỏi. Chúng ta phải đưa thiền đi vào trong đời sống mới thực sự có nhiều lợi lạc. Nếu như ở thiền phòng, ngồi im lặng theo dõi từng hơi thở để cho tâm tư được tĩnh lặng, tự chủ, an lạc thì chúng ta cũng phải biết ứng dụng thiền như thế nào để khi làm việc trong nhà bếp hay lúc ở trong phòng làm việc, tâm của chúng ta cũng được như vậy. Làm sao đó để việc ngồi thiền có tác dụng cả những lúc ta không ngồi thiền cũng như khi vị bác sĩ tiêm một mũi thuốc vào cánh tay bạn, không phải chỉ cánh tay mà cả toàn thân bạn đều được hưởng mũi thuốc đó. Khi bạn ngồi thiền, sự an lạc mà bạn có trong một giờ phải được tỏa rạng và ảnh hưởng trong suốt hai mươi bốn giờ chứ không phải chỉ trong lúc đang ngồi thiền. Chúng ta phải thực tập như thế nào đó để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi thiền thì sự thiền tập mới thực sự mang lại lợi ích.

Nhuận Hải.