Những năm gần đây, bên cạnh những niềm vui lớn với những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, cuộc sống có những vấn đề phát sinh thật đáng lo ngại: lối sống thiếu vận động, ăn uống không hợp lý, môi trường ô nhiễm,... dẫn đến khả năng miễn dịch của cơ thể con người giảm, xuất hiện nhiều thứ bệnh tật mang tính thời đại rất nguy hiểm.
Để phòng ngừa và đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức khỏe thì phương pháp tích cực, hiệu quả nhất là vận động, ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh, kết hợp với phương pháp dưỡng dinh. Dưỡng sinh thể hiện ở 3 nội dung cơ bản: Dưỡng thể là rèn luyện về thể chất (bao gồm hình thể, thể lực) và phát triển năng lực vận động của con người. Dưỡng tâm là rèn luyện các phẩm chất tinh thần và đạo đức. Dưỡng trí là rèn luyện trí não để duy trì năng lực trí tuệ. Ba nội dung trên có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau nên việc thực hiện phải đồng bộ mới hiệu quả.
Cơ sở khoa học của dưỡng sinh phương Đông là triết học và y học cổ truyền phương Đông, đặc biệt là thuyết âm dương. Người khỏe mạnh là người giữ được sự cân bằng âm dương trong cơ thể và sự cân bằng giữa cơ thể với môi trường, vũ trụ. Liệu pháp dưỡng sinh là tác động vào cơ thể để duy trì, điều chỉnh, lập lại sự cân bằng. Vì thế, trong liệu pháp dưỡng sinh thì vận động dưỡng sinh là chủ công. Đồng thời cũng chú ý tới các liệu pháp bổ trợ như: Môi trường lao động, thuốc và các liệu pháp ngoài thuốc, bổ sung dinh dưỡng hơp lý, rèn luyện nếp sống và lối sống. Trong vận động dưỡng sinh cần chú trọng cả vận động cơ bắp và vận động tinh thần. Có nghĩa là người tập cần biết kết hợp dưỡng cả Thân và dưỡng cả Tâm.
Có 3 loại hình dưỡng sinh chính: Dưỡng sinh thiên về hoạt động cơ bắp (thể dục dưỡng sinh,…); Dưỡng sinh thiên về vận động tinh thần nhiều hơn (thiền, khí công tĩnh,…); loại Dưỡng sinh thứ ba kết hợp cả hai loại hình trên (yoga, thái cực quyền,…). Mỗi loại hình Dưỡng sinh đều có tác dụng và nhằm đạt tới mục đích riêng. Lựa chọn phương pháp tập nào phù hợp cho mình là việc của mỗi người.
Phương pháp tập luyện Dưỡng sinh Trường Sinh học được chắt lọc, tiếp thu tinh hoa của các nguyên lý khí công, yoga và thiền. Người tập nếu biết tự giác thường xuyên tập luyện đúng, tập luyện đủ, tập luyện đều và tập luyện đạt yêu cầu sẽ tạo ra sự cân bằng âm dương trong cơ thể con người. Đây là phương tập dưỡng sinh có tác dụng tốt để nâng cao sức khỏe, tự đẩy lùi bệnh tật. Dưỡng sinh Trường Sinh học đặc biệt phù hợp với người cao tuổi và những người sức khỏe yếu, người bị bệnh tật.
Tập dưỡng sinh phải phù hợp với quy luật vận động của vạn vật trong vũ trụ. Từ thời cổ đại, con người đã đúc kết rằng: “Vận động có thể thay thế được thuốc nhưng thuốc không thể thay thế vận động”. Thực tế đã chứng minh rất sinh động và phong phú rằng có rất nhiều người cả ở trong nước và cả ở nước ngoài tập luyện môn Dưỡng sinh Trường Sinh học đạt hiệu quả cao, đẩy lùi được bệnh tật, kể cả những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.
Vĩnh Nguyên.
1 nhận xét:
CƠ THỂ CON NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG TỰ KHỎI
Hiện khoa học đã biết nhân điện, khí công, tâm năng dưỡng sinh, trường sinh học,... có khả năng tác động được đến con người thông qua các cửa hút hay luân xa,... có liên quan mật thiết với hai tuyến nội tiết là tuyến tùng và tuyến yên, điều khiển hay ra lệnh các bộ phận của não hoạt động.
Các hoạt động đó có thể là tín hiệu được truyền trực tiếp đến các bộ phận cơ thể hoặc phát ra khỏi cơ thể dưới dạng sóng nào đó mà con người chưa biết. Lâu nay người ta biết tuyến yên trong não là nơi điều tiết các tuyến nội tiết trong cơ thể. Song đối với tuyến tùng là cả một bí ẩn và đến giờ các nhà khoa học vẫn bó tay.
Nếu năng lượng sinh học thực sự tác động đến tuyến tùng, những khả năng chưa từng biết của con người có thể được đánh thức.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cơ thể con người có khả năng tự khỏi rất lớn. Tất cả mọi cách chữa bệnh đều dựa vào khả năng tự khỏi của bệnh nhân. Cách chữa bệnh này dựa vào niềm tin, giúp cơ thể tự điều chỉnh để khỏi bệnh. Tôi đã thực nghiệm và thấy có kết quả. Theo tôi, Y học Năng lượng hay trường sinh học, nhân điện,… cũng có tính khoa học như Đông y, Tây y. Nếu được đánh giá đúng, Y học Năng lượng sẽ là môn y học bổ sung, hỗ trợ tốt cho Tây y, Đông y trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Đại tá, PGS. Phạm Gia Văn.
Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y 103.
Đăng nhận xét