Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Giai đoạn trong một đời người

Thời gian không chờ một ai.
          Tuổi tác – Đó không chỉ là một khái niệm sinh học mà còn mang nặng tính tâm lý học. Ở bất cứ một lứa tuổi nào chúng ta cũng dễ phải đối mặt với những khủng hoảng nhất định liên quan tới những biến động tâm lý, sự thay đổi định hướng sống và sự mở ra của những cơ hội mới.
          Trong những thời điểm chuyển giao giai đoạn như thế, chúng ta không còn bị phụ thuộc vào ý muốn của chính bản thân mình nữa. Vì vậy cần biết trước về những bước ngoặt đó để chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận sao cho đỡ thiệt hại nhất nếu gặp xui xẻo và thành công nhất nếu gặp vận hội tốt.
Chúng ta giống như tôm hùm.
"Trong một số việc chúng ta giống như loài tôm – Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Mỹ Heil Sheehy viết trong cuốn sách "Các bước chuyển tiếp" – Tôm hùm lớn lên và phát triển bằng cách vứt bỏ dần các lớp vỏ bảo vệ mình. Khi cảm thấy lớp vỏ nào trở nên phiền toái, nó giũ bỏ lớp vỏ ấy ngay và nó trở thành mỏng mảnh, dễ bị tổn thương cho tới khi lớp vỏ mới mọc ra hoàn chỉnh. Cũng giống như thế là bước chuyển tiếp sang giai đoạn sống sau luôn buộc con người phải phá bỏ cơ chế bảo vệ đang có của mình. Và chúng ta vừa trở nên dễ bị tổn thương, quá nhạy cảm như một phôi thai, vừa gây dựng lại lớp bảo vệ mới và khả năng thích ứng lại với môi trường xung quanh.  Bước chuyển tiếp này có thể diễn ra trong vài ba năm. Vượt qua nó rồi, chúng ta sẽ bước vào được một giai đoạn tương đối dài của bình an và ổn định. Cho đến bước chuyển lứa tuổi tiếp theo".
Sông mấy khúc và đời mấy "lúc"? 
Có bao nhiêu giai đoạn cả thảy trong đời một con người? Không có câu trả lời đồng nhất giữa các nhà tâm lý học, triết gia, nhà văn,… William Shakespeare cho rằng, con người trong một đời phải trải qua bảy nấc (đoạn độc thoại "7 bậc thang thế giới" trong vở "Quý vị có thích cái này không"). Trước thời đại của đại thi hào kiêm kịch tác gia Anh này, các tác phẩm triết lý của người Ấn Độ đã mô tả về 4 nấc thang đời liên tiếp nối theo nhau: học tập, dựng nhà, ở ẩn và giai đoạn cuối cùng, khi con người "dửng dưng với mọi sự và không còn thích thú gì nữa". Đại thi hào Đức Wonfgang Goethe đã định nghĩa từng giai đoạn trong đời người như sau: lúc bé thì thực tế, thời trai trẻ thì lý tưởng, đứng tuổi thì hoài nghi, còn về già thì mê tín. Còn theo học thuyết của nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức Erik Erickson, chu trình một đời người bao gồm 6 giai đoạn và giai đoạn nào cũng kết thúc bằng một sự khủng hoảng, nhưng không phải là thảm họa mà chỉ là một thời điểm bước ngoặt.
Vì giai đoạn trẻ thơ đã từng được vị bác sĩ nhi khoa lừng danh Benjamin Spok mô tả tường tận trong cuốn sách rất được phổ cập "Cách săn sóc trẻ" rồi, nên ở bài viết này, chúng ta sẽ quan sát kỹ lưỡng những giai đoạn khác trong đời một con người.
Tuổi 18 – 20
Cuộc sống trôi qua dưới khẩu hiệu: Phải tự lập, tung cánh bay riêng. Tới tuổi 20, khi phần lớn đã xa nhà (đi học nghề, học đại học, phục vụ trong quân ngũ, đi làm,…), thì câu hỏi lớn nảy sinh: Làm sao để trụ lại và phát triển được trong thế giới của người lớn?
Tuổi 30 …
Cuộc sống xoay quanh những bước tiến trong công việc. Tại cơ quan diễn ra những thay đổi lớn, những rối lẫn và thậm chí cả khủng hoảng. Xuất hiện ham muốn loại bỏ đoạn đời đã sống và bắt đầu lại mọi việc từ đầu.
Điều này có thể là nhu cầu chuyển nơi làm việc hay chuyển ước mơ dạng "Lớn lên tôi sẽ làm Thủ tướng" thành một mục tiêu gì đó hiện thực hơn. Trong giai đoạn này, một người độc thân cảm thấy có nhu cầu tìm người bạn đồng hành. Người phụ nữ, trước đó hài lòng với việc tề gia thì bỗng muốn hòa nhập với công việc xã hội. Còn những cặp vợ chồng son sẽ muốn sinh con đẻ cái. Ở lứa tuổi này, gần như tất cả những  ai đã sống trong hôn nhân 6 – 7 năm rồi thì đều bắt đầu cảm thấy chán. Kết cục của tâm trạng này hoặc là một cuộc ly hôn hoặc là cảnh "ông ăn chả, bà ăn nem". Ở lứa tuổi này, ít ai đổi nghề nghiệp.
Tuổi 30 – 35
Sau tuổi 30, cuộc sống thoát khỏi nhiều những yếu tố giả định và trở nên hợp lý và ổn định hơn trước. Chúng ta bắt đầu trụ lại được trong cõi thế này một cách đủ đầy nhất của từ này. Đại đa số chúng ta đã vứt bỏ được những cội rễ cũ và bắt đầu tạo dựng nên những cội rễ mới. Chúng ta mua nhà riêng và nghiêm túc hơn khi nhìn nhận tới những khả năng thăng tiến trong công việc. Phụ nữ trong giai đoạn này đạt được độ hấp dẫn nhất của mình. Và không ngần ngại tận dụng những cơ hội có được trong mọi tình huống. Khác với các cô gái ở lứa tuổi đôi mươi lắm khi lùi vì sợ thì phụ nữ tam thập sẵn sàng làm mọi việc để đạt được mục đích. Còn giới mày râu ở lứa tuổi tam thập lần đầu tiên bắt đầu cảm thấy những thay đổi  trong khả năng hiệp sĩ của mình theo hướng không hẳn đã là tốt. Đàn ông ở độ tuổi này bộc lộ những dấu hiệu già đi rõ rệt hơn so với phụ nữ: nếp nhăn, bệu ra, những triệu chứng của các căn bệnh liên quan tới tim mạch,…
35 tuổi
Ở lứa tuổi này Faust đã ký hợp đồng với Mephixto vì anh ta hiểu rằng không thể nào tiến lên được tiếp nữa. Và đó là vấn đề của nhiều người:  65% ở độ tuổi này buộc phải "bâng khuâng đứng trước hai dòng nước" (thơ Tố Hữu). Tuổi 35 danh chính ngôn thuận là điểm kết thúc của các nhà khoa học, các nhà văn được coi là trẻ,… Từ nay cần phải trở nên chững chạc hơn.
Chạm chân vào điểm giữa đường đời, chúng  ta bắt đầu nhìn ra nơi nó sẽ kết thúc. Thời gian ngày càng gấp gáp hơn. Hết sức trẻ, thay đổi những vai trò quen thộc – bất cứ yếu tố nào từ những câu chuyện này cũng có thể dẫn tới khủng hoảng. Để vượt qua một cách thành công, chúng ta cần phải phân tích lại những mục tiêu của mình và lựa chọn phương án tối ưu nhất cho sự phát triển tiếp theo.
Ở những người trong độ tuổi 35 ngày càng khó có bạn, chủ yếu sẽ chỉ là những người quen và chủ yếu là những mối quan hệ hữu lợi. Nếu những người xuất chúng thì ngay năm 20 tuổi cũng đã có thể đạt được những thành tựu cao nhất thì những người ở tuổi 35, muốn trỗi dậy một cách xuất sắc cần tới khả năng tranh đấu không tầm thường.
           Kiều Trung.     Theo: cand.com

Không có nhận xét nào: