Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Tu tâm dưỡng tính

         Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường quen miệng nói đến hai chữ “tu dưỡng”, chẳng hạn như: “Con nên tu dưỡng tính tình để thành người có đức hạnh”, hay: “Nó hư, vì không biết tu tâm, dưỡng tính”. Hai tiếng “tu dưỡng” thường đi đôi với nhau, nên chúng ta hay mường tượng hình như chúng có nghĩa giống nhau.
         Thật ra, mỗi chữ có một nghĩa khác nhau, có một phạm vi, một tác dụng riêng biệt. Tu là sửa, mà Dưỡng là nuôi. Người ta Sửa cái xấu mà Nuôi cái tốt – Sửa là trừ, mà Nuôi là cộng; Tu có tính cách tiêu cực, Dưỡng có tính cách tích cực. Một bên tiêu trừ cái xấu, một bên bồi bổ cái tốt. Một bên làm cho “hết hư”. Một bên làm cho “thêm nên”.
          Mọi sự vật trong cõi đời tương đối này đều có phần xấu và phần tốt. Đối với cái xấu ta phải Tu, đối với cái tốt ta phải Dưỡng. Chẳng hạn, khi ta trồng một cây gì, công việc của chúng ta có hai phần lớn: bắt sâu bọ, trừ nước phèn, nước mặn: đó là Tu hay Sửa. Bỏ phân, tưới nước ngọt cho nó đủ thoáng khí và ánh nắng mặt trời: đó là Bổ hay Dưỡng. Tu Bổ một cái cây, cho nó đơm hoa kết trái, là thế.
          Công việc trồng cây BỒ ĐỀ trong mỗi người chúng ta cũng tương tự như thế, nhưng tất nhiên là phải tốn nhiều công phu Tu Bổ hơn, vì nó rất khó trồng. Nó không chịu được “bóng rợp Si Mê” của rừng Vô Minh, mà phải có ánh sáng của “Mặt Trời Trí Tuệ”, nó không chịu được nước phèn, nước mặn của “ao Sân Hận, Độc Ác”, mà phải có nước ngọt của “suối Từ Bi”; nó không chịu được xú khí của “đống rác Phiền Não ô trọc”, mà phải có không khí trong sạch của “bầu trời Thanh Tịnh”. Nó không thể sống trên một mảnh đất lồi lõm, nơi cao thấp của “triền núi Bất Bình Đẳng” mà chỉ sống giữa “đồng bằng Bình Đẳng”.
          Nhưng ở đây, chúng ta phải coi chừng trâu bò của anh “chàng trọc phú Tham Lam” thường thả rong ăn phá: để ngăn đón chúng dẫm đạp, ta phải làm một cái “hàng rào Trì Giới”, hay xây một cái “thành Tự Tại”. Ta lại còn phải luôn luôn tìm bắt cho hết những con “sâu Ích Kỷ, Giải Đãi, Tiêu Cực, Nghi Ngờ”; trong công việc này ta cần nhờ sự giúp sức của những con “kiến Lợi Tha, Nhẫn Nhục, Tích Cực, Tinh Tấn” để diệt trừ từ trong trứng những con sâu, con bọ kia.
          Tóm lại, trong việc trồng cây BỒ ĐỀ này, mặc dù phức tạp nhưng có thể chia ra làm hai loại chính: Một loại là bài trừ những ảnh hưởng xấu ở chung quanh gọi là Tu; Một loại là bồi bổ cho cái mầm quý báu của cây BỒ ĐỀ mỗi ngày mỗi lớn mạnh gọi là Dưỡng.
          Hai loại công việc ấy, người trồng cây BỒ ĐỀ không được xem loại nào trọng, loại nào khinh, loại nào cần thiết, loại nào bỏ qua. Tu mà không Dưỡng thì kết quả khó thành, Dưỡng mà không Tu thì kết quả khó toàn vẹn.
          Nhưng chúng ta đừng nên thấy công việc trồng cây BỒ ĐỀ này khó khăn, phức tạp mà ngã lòng, thối chí. Không có công việc gì tốt đẹp, vĩ đại mà không khó khăn. Không có hoa hồng nào là không có gai. Vì sợ gai mà ta không dám hái hoa hồng sao?
          Cây BỒ ĐỀ, một khi nhờ công phu tu dưỡng của ta mà đơm hoa kết trái thì công dụng của nó thật vô cùng lớn lao. Không phải riêng ta mà muôn ngàn người đều được hưởng thụ. Sách đâu không có nói: “Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng; độc thọ khai hoa vạn thọ hương” (Một người làm phước, muôn người được ảnh hưởng; một cây trổ hoa, muôn cây đều được thơm lây).
          Tu Tâm là dùng Công Phu để chuyển hóa cái Tâm Vọng Tưởng Điên Đảo (Sinh, Trụ, Dị, Diệt) trở lại Chính Thường tức Tâm Thanh Tịnh.
         Nhưng Dưỡng Tính là Dưỡng Tính gì? Tất nhiên không phải là tính tình tầm thường có tốt có xấu của chúng ta, cũng không phải tính Thiện mà Thầy Mạnh Tử thường nói. Tính đây là Tính Phật (Phật Tính)!
          Tính Phật ở đâu mà Dưỡng? Xin thưa, nó có sẵn trong mỗi người chúng ta. Phật dạy: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật Tính” (Tất cả chúng sinh giai hữu Phật Tính). Song, vì chúng sinh không biết dưỡng Tính Phật của mình, để cho nó “bệnh hoạn, gầy mòn, tiều tuỵ”, nên nó không có sức để phát sinh những “đức tính phi thường” và đưa chúng ta đến quả vị Phật. Vì không biết dưỡng Tính Phật nên từ vô thủy đến giờ, chúng ta bị trầm luân trong biển khổ Sinh Tử, vĩnh kiếp làm chúng sinh.
          Tất cả các vị Thánh Hiền vì biết nuôi dưỡng Tính Phật, diệt trừ Tính Chúng Sinh, nên đã trở thành BỒ TÁT hay PHẬT. Nay nếu như chúng ta không sớm lo dưỡng Tính Phật của mình, thì từ đây về sau, chúng ta vẫn còn quanh quẩn mãi trong nẻo tối Luân Hồi, trôi lăn trong biển khổ Sinh Tử.
         
                                                                                 Thanh Phước   (Sưu tầm)

4 nhận xét:

Unknown nói...

CANH GIỮ TÂM TA THƯỜNG TRỰC

Vấn đề luyện tâm của chúng ta thường khó khăn vì chúng ta muốn luyện tâm, nhưng quên luyện. Chính vì vậy mà mỗi khi đụng chuyện ta mới nhận ra là nội lực của ta rất yếu.
Sự thật là vì chúng ta không thực sự coi trọng việc luyện tâm của mình. Từ nhỏ đến lớn việc luyện tâm hầu như không được nói đến. Lúc nhỏ, bố mẹ dạy ta về lễ phép thường xuyên. Đó là một chút xíu của luyện tâm, thường chỉ là các cử chỉ bên ngoài. Lớn lên một chút là chẳng bao giờ nghe đến luyện tâm.
Vấn đề là tâm ta thường xuyên nhảy như khỉ. Đụng một chút là nhảy đong đỏng gây lộn, hay stress, hay sợ quý‎nh quáng… Và khi những tâm như thế điều khiển hành động và thái độ của ta thì ta có thể thấy là rất tồi.
Tâm ta bị xung động, và do đó ta làm bậy, là vì ta không canh giữ tâm. Nghe ai nói động một câu, là nổi nóng và gây gổ ngay. Sau đó một lúc rồi mới nhớ ra là mình không nên gây gổ, và hối hận sau sự kiện.
Nội lực chúng ta tăng rất mạnh nếu ta thường trực canh giữ tâm mình. Luôn luôn canh giữ tâm mình 24 giờ một ngày. Lúc nào quên, và chợt nhớ lại, thì lại nhắc: “Ồ! Mình phải canh giữ tâm mình”. Nếu ta nhắc nhở ta thường xuyên như thế, thì khi gặp chuyện, tự nhiên ta sẽ nhắc ta: “Ồ! Anh chàng này nói câu này có vẻ xúc phạm mình, nhưng mình không nên nổi nóng”. Chỉ một lời nhắc như vậy thường là đủ để ta giữ tâm ta lặng lại.
Cho nên, bí quyết số 1 của luyện tâm là “canh gác tâm mình 24 giờ một ngày, luôn luôn, mỗi phút, mỗi giây”. Nếu ta tập như thế, sau một thời gian, ta sẽ quen thói canh gác tâm mình thường trực, và mọi xung động sẽ giảm xuống rất nhiều.
Nội lực ta mạnh nhờ 2 điều: (1) Kinh nghiệm các chuyện khó khăn. Điều này chiếm cao nhất là 20% của vấn đề. (2) Canh giữ tâm ta thường trực trong ngày. Điều này chiếm đến 80%.
Cho nên các bạn, canh giữ tâm bạn thường xuyên để tăng nội lực cho bạn.
Chúc các bạn một ngày mạnh mẽ.
Mến!

Trần Đình Hoành.

Tân Môn Sinh nói...

Mình hay tìm đến thiền để hoàn thiện và sửa lỗi, nắn chỉnh tâm hồn và lối sống của mình, mỗi khi có những điều xảy ra trong cuộc sống vượt quá tầm kiểm soát và sự hiểu biết của mình, mình lại tìm về với thiền để nâng cao chữ AN cho TÂM và chữ SÁNG cho TRÍ của mình, và đó là bí quyết để sau tất cả những tất bật của cuộc sống mình thấy niềm vui và hạnh phúc luôn hiện hữu với mình, mời các bạn thường xuyên chia sẻ nha.

Thân mến!

Người Đồng Môn nói...

BA ĐIỀU ƯỚC

Đời mỗi người đều có rất nhiều mong ước, nhưng những điều ước đạt được làm cho mình vui thì chỉ có ba điều. Thời xưa, Mạnh Tử nói: Cho dù có làm vua cả thiên hạ là sướng cũng không kể vào trong ba điều ấy. Ba điều đó là:
- Cha mẹ còn sống, anh em bình yên là điều thứ nhất.
- Ngửa lên không tủi thẹn với trời, cúi xuống không xấu hổ với người là điều thứ hai.
- Được những bậc anh tài trong thiên hạ dạy dỗ, gây dựng cho ra người, ấy là điều thứ ba.
Ngày nay cũng vậy! Có ai mà không mong ước cha mẹ còn sống khỏe mạnh để được phụng dưỡng và có được anh em bình yên, hòa thuận, sum vầy. Còn đối với bản thân, có ai lại không muốn là mình có hiểu biết, có tài năng được mọi người kính nể. Điều này đòi hỏi bản thân phải luôn luôn trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện. Và điều mà ai cũng mong ước là được những người giỏi tạo điều kiện để được đóng góp nhiều công sức cho xã hội. Nếu người nào đạt được cả ba điều nói trên thì làm sao không vui sướng và hạnh phúc.

NHƯ ĐÀM

Người Đồng Môn nói...

THƯƠNG MÌNH CŨNG CHÍNH THƯƠNG NGƯỜI MƯỜI MƯƠI

Thương mình, bạn đừng nghĩ đó là ích kỷ, nếu mình hiểu mình cũng là một thành viên của cộng đồng, có gắn kết rất gần gũi với những người thân thương bên mình. Nên, khi mình thương mình, có nghĩa là mình biết chăm sóc bản thân mình khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, an lạc, hạnh phúc thì cũng có nghĩa là bạn đang đóng góp tình thương cho những người xung quanh, nhất là những người thân thương, bạn bè của bạn.
Khi bạn khỏe mạnh, an lạc, hạnh phúc thì những người thân thương sẽ yên lòng về bạn, sẽ có niềm an vui từ chính bạn. Do vậy, mọi hành vi xài xể thân tâm mình, tự ý làm cho mình đau khổ dù xuất phát từ ý niệm nào cũng đều là việc làm sai trái, bởi như thế có nghĩa là bạn đã gián tiếp “lấy đi” bình an, hạnh phúc của người thân thương mình, làm cho cộng đồng thêm nhiều nhân tố bất ổn.
Quán triệt tư tưởng đó, để rồi bạn học cách thương mình sao cho đúng. Thương mình không có nghĩa là nuông chìu thân thể, cảm xúc, ham muốn…, thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của bản thân mà không hề suy nghĩ đó là nhu cầu chính đáng hay không? Hoặc, không mảy may suy nghĩ rằng thụ hưởng như vậy có lãng phí, có làm cho người khác khổ đau hay không, có là “vì mình mà quên người” hay không?
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đã quá thương mình đến mức ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình là điều đáng buồn, đáng trách.
Lối sống của mình quan trọng lắm, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều người và quy định hành vi của bản thân. Làm sao cho mọi người xung quanh thương mình, cảm nhận bình an toát ra nơi mình chính là điều mình cần phải lưu tâm. Tất nhiên, không phải “đạt” mục đích ấy bằng “nghệ thuật” mà phải bằng chính tự tâm chân thật, bằng cách thương mình đúng đắn, không tư lợi, vị kỷ…

NGUYỄN THỊ HIỀN