Thấy người hay thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi.
Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở thì phải cố mà trừ đi.
Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậỵ
Cho nên người quân tử trọng thầy, quý bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn... như thế dù muốn không hay cũng không được.
Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cứ làm bậy mà lại ghét người chê mình; rất dở mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê... Như thế dù không muốn không dở cũng không được.
Tuân Tử
LỜI BÀN:
Cái đạo tu thân rút lại chỉ có theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa,... “Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình” có như thế thì mới tu thân được.
1 nhận xét:
Chữ Tu có nghĩa cụ thể nhất là "sửa đổi". Chúng ta sửa đổi những tật xấu dở trở thành hay tốt, gọi là tu. Tại sao phải sửa? Bởi vì mọi người đều có tâm lành, tâm tốt nhưng cũng không tránh khỏi một hai điều dở xấu. Vì vậy muốn được hoàn thiện chúng ta phải tu. Chúng ta biết đó là điểm xấu dở của mình, nhưng bỏ một lần hết không? Hết cái này lại sanh cái khác, cho nên chúng ta phải tu hoài, tu cả đời.
Phật gọi ba thứ độc tham, sân, si là thói xấu nguy hiểm nhất của con người. Tại sao ba thứ đó lại độc? Bởi vì ai vướng phải nó đều khổ và làm khổ luôn cho những người chung quanh.
Nên nói tới tu là điều cần thiết cho bản thân mình, cho gia đình và cho cả xã hội nữa. Chớ không phải tu là cầu những chuyện lạ lùng, huyền bí. Nếu một thôn, một xóm ai cũng biết tự tu, tự sửa đổi thì thôn xóm đó có vui không? Không ai sợ bị ăn cắp, sợ người khác hại, sợ người khác phá gia cang của mình v.v. Ðó là chỗ hòa vui.
Vì vậy tu là biết được gốc của sự an vui. Những gì làm đau khổ chúng ta tránh, những gì tạo niềm an vui chúng ta làm thì cuộc đời tốt đẹp biết dường nào. Nếu không biết tu chúng ta cứ làm những điều xấu, rồi tự chuốc khổ cho mình cho người. Chính mình chủ nhân tạo ra mọi sướng khổ, chớ không phải thần thánh nào cả. Thế nhưng có người động tới liền xin thần thánh "tha cho con". Thật buồn cười.
Chúng ta gieo nhân tốt mới hưởng được quả tốt, không gieo nhân mà đòi hưởng quả đó là chuyện viển vông. Không cần phải xin xỏ ai cả, chỉ khéo tạo nhân tốt để được quả tốt, đó là người sáng suốt thực tế. Phật bảo đó là người khéo tu, biết tu vậy.
Mong tất cả quý vị hiểu được ý nghĩa "chữ tu" cho thật đúng, khéo ứng dụng vào cuộc sống của mình, thì dù nghe ít vẫn lợi lạc nhiều. Bằng ngược lại nghe nhiều mà không khéo tu, cứ mặc tình tạo các nghiệp bất thiện thì chẳng những không được chút lợi lạc, mà phải chuốc quả khổ đau nữa. Chúc quý vị cố gắng tu đạt được nhiều an lạc trong hiện đời và cho cả mai sau.
HT. THÍCH THANH TỪ.
Đăng nhận xét