Tâm tĩnh lặng. |
Kiểm soát tâm là điều cần thiết, nhưng không phải là điều dễ thực hiện, vì tâm con người còn khó dò hơn lòng đại dương.
Câu chuyện thứ nhất
Tôi tình cờ nghe chuyện của hai ông nhà văn, nhà báo nọ. Ông nhà văn đang lật từng trang báo biếu nhẹ nhàng và xem, trong đó có bài mình. Ông nhà báo đi ngang, tiện hỏi “Báo biếu à?”. “Ừ!”. Ông nhà báo nghía xem. Tặc lưỡi, hậy, báo chẳng có gì xem. Lướt qua tờ báo khác cũng có bài của ông nhà văn được đăng, nhà báo nọ cũng nói câu cũ. Ông nhà văn chậm rãi nói: “Nè, ông cứ nhìn báo nào, trang viết nào cũng bằng con mắt chuyên viết phóng sự xã hội của ông thì chẳng có tờ báo nào đáng để cho ông đọc đâu. Tôi viết lai rai, báo miệt vườn, báo tỉnh thôi”.
Con mắt mở - khép, thấy điều sạch - dơ cũng tùy do mỗi người trải nghiệm. Chấp vào nó có khác chi nhìn đâu cũng bắt cảnh - tình phải theo ý mình. Mê!
Câu chuyện thứ hai
Hai bà đồng tu chung đạo tràng. Tóc bồng mây trắng. Bộ áo lam, nâu và vòng chuỗi dường như làm cho mỗi người thêm vẻ trang nghiêm thanh tịnh chốn già lam. Bà Phật tử áo lam vừa tham gia đạo tràng hơn một tháng nay, vẻ chuyên cần tinh tấn tu học, rỉ tai với bà Phật tử áo nâu đã theo đạo tràng gần hơn một năm: “Chị thuộc chú Đại bi chưa?”. “Vẫn chưa”. “Tui thuộc hết rồi. Ráng học suốt ba đêm liền, mọi việc để cho mấy đứa con làm hết”. “Bà thuộc bài chú nhưng tâm bà có từ bi hỷ xả không?”. Bà áo lam thở dài. Hơi thở truyền đi chao trong gió, lao xao tiếng chim hòa tiếng chuông chùa bắt đầu thời pháp cho quý Phật tử tại gia.
Vào chánh điện, bà Phật tử áo nâu nhanh chân, liền tay nhấc kệ để kinh và đem kinh ra trải đều cho đại chúng sắp tụng kinh. Sau đó bà chọn chỗ khuất và xa nhất để ngồi. Bà thiền định và hơi thở nhẹ hòa trong gió vi vu vi vu. Bà áo lam nhanh nhẩu ngồi ngay giữa chánh điện, nơi mà bà nhìn Đức Phật rõ nhất. Áo lam xòe một khoảnh rộng cùng túi chứa kinh sách ngồi xuống, xầm xì đôi câu chuyện gẫu với mấy bạn đồng tu khác trước giờ tụng kinh.
Tôi đứng ngoài cửa, chắp tay niệm Nam-mô Phật nghe lòng nhẹ hẫng. Không gì phải buộc thuộc hay không thuộc. Áo lam hay áo nâu có gì phân biệt chứ? Người mặc áo ấy là ai, người trì pháp đó thế nào, con đường thực hành pháp mầu ra sao, và khi nào đến bờ chánh định - giải thoát… chính là những điều tôi rụt rè định hỏi hai bà, mà thôi…
Câu chuyện thứ ba
Ông thầy dạy hồi phổ thông cùng tôi uống trà, chuyện gẫu. Thầy kể, hôm trước chở cô và con cùng đi vía Bà Nam Hải. Người đông, xe kẹt, cảnh ngộp. Nhưng tất cả là sự hối hả của Phật tử tứ phương. Rồi họ lạy và nhang thắp cháy rực một góc trời. Nhang khói mù mịt và lòng thầy cũng rối mù. Thầy đứng một góc xa chờ cô và con lễ Phật. Thầy thấy và nghe nhiều câu van xin Phật Bà, lòng thầy nhen lên chỉ muốn một điều ước là Phật Bà Quan Âm phải chi có hơn nghìn vạn tai, mắt để kịp nghe, kịp cứu rỗi hoặc Ngài có cái máy thu âm để thu lại hết những lời nguyện cầu ấy rồi từ từ giải quyết. Thấy mà thương cho Ngài, phải nghe những lời cầu xin mãi mà chẳng một ai chịu thực hành đúng pháp. Một người vừa lạy Phật xong, ra khỏi chánh điện, mất dép, chửi thề. Mọi người chen nhau cắm nhang vào lư hương. Giữa trời nghi ngút khói. Thầy không dám xin, không dám ước vì Phật Bà đã mệt mỏi rồi. Thầy chỉ chắp tay niệm Nam-mô Phật rồi nguyện sống tốt hơn sau buổi đi lễ Phật.
Cuộc thoại nửa chừng, bỗng chuông điện thoại thầy reo, một số lạ gọi đến với giọng quát nạt và chửi đổng. Thầy nói “nhầm số rồi anh à”. Phía máy kia cúp cái rẹt. Thầy rót thêm lượt trà mới và khen câu thơ tài hoa trên một tờ báo vừa đọc. Tôi chào thầy về. Thầy thêm lớn dần trong tôi. Chiều nhấp nháy nắng trên sông. Bóng tôi một vệt nghiêng, có người đi giẫm lên, bóng vẫn nghiêng nghiêng theo nắng và đi.
Câu chuyện thứ tư
Ba ông bạn tục trần cùng quy y Tam bảo vào một ngày nắng đẹp. Sau buổi quy y thọ giới nhận pháp danh, ông thứ nhất nói: “Tôi vui thật, thầy đặt tên cho mình đẹp quá! Tôi sẽ sắm ngay bộ chuông, mõ, áo lam mới nhất để tụng kinh mỗi ngày mấy ông ạ”. Ông thứ hai lại bày tỏ: “Từ rày việc nhà tui sẽ cho mẹ con nó làm hết. Mình cứ chuyên tu, trì giới”. Ông thứ ba mãi không nói chi, hai ông bạn kia thấy lạ hỏi sao ông không nói gì? Ông thứ ba nhẹ nhàng đáp: “Thôi, tôi về trầm mình bên bến sông quê tắm cho sạch và thắp hương lòng tinh khiết cái đã”. Nói xong, ông thứ ba đi về hướng mặt trời lặn. Ông đi và mặc niệm.
Hoa khai tri kiến…
Tâm điều khiển ý muốn và hành động của con người. Canh phòng và kiểm soát tâm là điều cần thiết, nhưng không phải là điều dễ thực hiện, vì tâm con người còn khó dò hơn lòng đại dương.
Người ta không cần phải tìm đến địa ngục mới gặp được quỷ dữ, mà chính bản tâm mình, nếu không kiềm chế, không được sự hướng dẫn theo con đường chánh đạo thì nó sẽ trở thành đồng lõa của ma vương. Vì nó rất dễ động, luôn biến đổi, rất nhanh nhẹn, khó kiềm chế và kiểm soát, lại sẵn sàng chạy theo sở thích của dục vọng, kiêu mạn và lòng tham của con người.
Vì thế, Đức Phật đã dạy rằng: “Người mà tâm không vững, trí không thanh thản, không biết Chánh pháp và niềm tin bị dao động, thì không thể đạt đến mức trí tuệ toàn hảo”. Lại nữa, “Người mà tâm thanh thản, không bị lòng tham ái thúc giục, không bị sân hận thâm nhiễm và đã vượt lên trên những nghiệp thiện ác thông thường, là người đã giác ngộ, không còn phải e sợ điều gì”. Bởi “Đây là con cái của ta! Đây là tài sản của ta!” - kẻ cuồng si cứ lo nghĩ như thế mãi, nhưng không biết rằng chính họ cũng không phải là của họ nữa, huống chi là con cái hay tài sản của họ.
Để chánh tâm thật khó thay! Hí ngôn khác chi ngựa già rộc xương mải chạy trong đêm trường.
Trần Huy Minh Phương.
Nguồn: Giác Ngộ Online
Trần Huy Minh Phương.
Nguồn: Giác Ngộ Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét